Pháp chia sẻ kinh nghiệm cùng Việt Nam phát triển đường sắt đô thị và quản lý giao thông bền vững
Ngày 11/9, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức buổi họp giới thiệu dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội cũng như chia sẻ kinh nghiệm quản lý giao thông bền vững.
Tham dự buổi họp có Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Bá Sơn cùng đại diện các bên liên quan của Việt Nam và Pháp.
Dự án biểu trưng cho quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị bền vững
Phát biểu tại buổi họp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, ngày 8/8, đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3 của thành phố Hà Nội (bao gồm 8 ga) đã chính thức đi vào vận hành thương mại. Đoạn tuyến trên cao kết nối Nhổn với Cầu Giấy với chiều dài 8km bằng phương tiện giao thông đảm bảo môi trường và giảm ùn tắc cho thủ đô Hà Nội. Đoạn tuyến ngầm (4 ga tiếp theo đến Ga Hà Nội) dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2027.
Theo Đại sứ Brochet, sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng của dự án biểu trưng cho quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị bền vững.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 của thành phố Hà Nội nhận được sự hỗ trợ tài chính lớn từ Pháp thông qua các khoản vay ưu đãi mà Tổng cục Kho bạc Pháp (Bộ Kinh tế, Tài chính và Chủ quyền công nghiệp và số hóa) và Cơ quan phát triển Pháp dành cho Việt Nam với giá trị tương ứng là 355 triệu euro và 159 triệu euro. Ngân hàng phát triển châu Á và Ngân hàng đầu tư châu Âu cũng đồng tài trợ dự án này.
Dự án được triển khai với các công nghệ và kinh nghiệm của các công ty Pháp hàng đầu trong lĩnh vực như Alstom, Thales và Colas Rail với việc cung cấp đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu, đường ray và các thiết bị cơ điện tại các nhà ga.
Bên cạnh đó, RATP Smart Systems cung cấp hệ thống thẻ vé. Về mặt tư vấn, công ty Systra hỗ trợ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB quản lý dự án với tư cách là đơn vị tư vấn chung trong khi Bureau Veritas, APAVE và Certifer tham gia công tác chứng nhận an toàn hệ thống.
"Việc khánh thành đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3 là minh chứng cho năng lực thực hiện tốt các dự án phức tạp và kỳ vọng trong lĩnh vực giao thông đô thị tại Việt Nam của toàn thể đội ngũ Pháp - Việt. Đồng thời, đây cũng là biểu tượng cho cam kết của Pháp trong việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc cung cấp những giải pháp công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất", Đại sứ Pháp nhấn mạnh.
Trong tương lai, tuyến đường sắt đô thị số 3 sẽ được kéo dài, tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo và xuống phía nam của thành phố Hà Nội tới Hoàng Mai, thêm 8km ngầm. Phần tuyến kéo dài này sẽ được hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ châu Âu là Cơ quan phát triển Pháp và Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng phát triển châu Á.
Với kinh nghiệm đúc kết từ tuyến số 3, các công ty Pháp sẵn sàng huy động để góp phần giảm phát thải các-bon trong lĩnh vực giao thông bằng cách tham gia các dự án giao thông đường sắt đang triển khai tại Việt Nam.
Nâng cao chất lượng đời sống người dân
Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cảm ơn Chính phủ cùng các cá nhân, tổ chức Pháp đã đồng hành và tài trợ trong suốt quá trình thực hiện đoạn đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố.
Nguồn tài trợ từ Chính phủ Pháp thể hiện tình hữu nghị, sự hợp tác bền chặt giữa hai nước Việt Nam-Pháp. Sự hỗ trợ cùng với kinh nghiệm chuyên môn từ các đơn vị thi công đã góp phần tạo nên một nền tảng vững chắc giúp dự án tiếp tục tiến triển, vượt qua khó khăn, thách thức.
"8h ngày 8/8/2024 vừa qua đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi đoạn trên cao của Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố, đoạn Nhổn - ga Hà Nội chính thức khai thác thương mại. Ngay lập tức, sự kiện đã tạo nên một sự "bùng nổ" với niềm hân hoan, với những tín hiệu tích cực của người dân dành cho phương tiện mới của Thủ đô.
Thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho thấy sau 15 ngày đầu tiên đưa vào khai thác miễn phí, tuyến phục vụ khoảng 750.000 lượt hành khách đi tàu. Trong đó, lượng khách trải nghiệm tăng đột biến vào cuối tuần với hơn 100.000 lượt và ngày thấp nhất gần 35.000 lượt. Đến nay, sau hơn 1 tháng vận hành, đoạn trên cao của Dự án đã trở thành phương tiện thường nhật, được người dân tin tưởng và lựa chọn đi lại hàng ngày", ông Nguyễn Bá Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, dự án đang từng ngày cải thiện đời sống của người dân phía Tây Hà Nội. Tuy vậy, theo ông Sơn, đoạn ngầm dài 4km của tuyến đường sắt đô thị số 3, một trong những hạng mục phức tạp nhất của dự án, vẫn đang trong quá trình thi công, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng từ các bên liên quan.
Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, dự án này thực sự là biểu tượng cho sự kiên định và quyết tâm giữa Việt Nam-Pháp trong việc thực hiện hệ thống giao thông hiện đại, bền vững.
Cũng trong khuôn khổ buổi họp, ông Eric Alix, Tổng giám đốc RATP Systems, nhà thầu thực hiện những công đoạn cuối cùng của tuyến đường sắt đô thị số 3, đã giới thiệu về quy mô, tính ứng dụng của dự án trong đời sống của người dân Việt Nam.
Được biết, RATP Systems dự định tiến hành đánh giá lại toàn bộ hệ thống giao thông đô thị Hà Nội, hướng tới tích hợp công nghệ thông minh, cho phép nhà khai thác tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Alix hy vọng, các dự án này sẽ góp phần cải thiện và hiện đại hóa hệ thống giao thông tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Tại buổi họp báo, đại diện các công ty xây dựng, nhà thầu lớn của Pháp cũng đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và quản lý hệ thống giao thông bền vững trên khắp thế giới; đồng thời mong muốn kết hợp với các trường đại học ở Hà Nội, tạo điều kiện thực tập cho sinh viên ngành xây dựng của các trường.
Dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội được kỳ vọng nâng cao chất lượng đời sống người dân. Việc phát triển mạnh mẽ hệ thống đường sắt này không chỉ nhằm giải quyết ách tắc giao thông, một vấn đề nhức nhối của thành phố bao năm qua, mà còn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng không khí cho người dân Thủ đô.