Phản ứng của các bên về cuộc tập trận hải quân của bộ ba Iran – Nga - Trung

Iran đã khởi động cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên với Nga và Trung Quốc ở phía bắc Ấn Độ Dương. Điều này khiến dư luận thế giới hết sức quan tâm.

Ba lãnh đạo của Nga - Trung Quốc - Iran

Ba lãnh đạo của Nga - Trung Quốc - Iran

Điều đáng nói, cuộc tập trận kéo dài bốn ngày diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran vào tháng 5 năm ngoái.

Iran nói tập trận vì hòa bình

"Thông điệp của cuộc tập trận này là hòa bình, hữu nghị và an ninh lâu dài thông qua hợp tác và đoàn kết ... và hiệu quả của nó sẽ cho thấy Iran không thể bị cô lập", Chuẩn đô đốc Gholamreza Tahani nói trên truyền hình nhà nước. Tahani nói thêm rằng các cuộc tập trận bao gồm giải cứu các tàu đang bốc cháy hoặc các tàu bị tấn công bởi cướp biển và tập trận bắn mục tiêu, với cả sự tham gia của cả hải quân Iran và Vệ binh Cách mạng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ tư, Thiếu tướng Lực lượng Vũ trang Iran Abolfazl Shekarchi nói rằng "điều quan trọng và cốt yếu" là an ninh được thiết lập ở Ấn Độ Dương và biển Ô-man. "Ấn Độ Dương và biển Ô-man là một trong những tuyến thương mại quan trọng của thế giới và nhiều quốc gia đi lại trong (hai) khu vực và do đó việc thiết lập an ninh là điều quan trọng và cốt yếu", Shekarchi tuyên bố. Shekarchi nói thêm rằng các cuộc tập trận quân sự sẽ nhằm tăng cường sức mạnh và kinh nghiệm để đảm bảo an ninh thương mại quốc tế trong khu vực.

Trên bản đồ, biển Ô-man là một tuyến đường thủy đặc biệt nhạy cảm khi được kết nối vịnh Ba Tư thông qua Eo biển Hormuz, nơi khoảng một phần năm lượng dầu của thế giới đi qua đó.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết hôm thứ sáu rằng các cuộc tập trận quân sự chung cho thấy Iran và các đối tác cam kết bảo đảm an ninh các tuyến đường thủy quan trọng. “Các cuộc tập trận quân sự chung của chúng tôi ở biển Ô-man / Ấn Độ Dương với các đối tác Nga và Trung Quốc thể hiện rõ cam kết rộng lớn hơn của chúng tôi trong việc bảo đảm an ninh các tuyến đường thủy quan trọng”, ông Zar Zarif đã tweet.

Zarif nói thêm rằng Iran luôn nhất quán việc sẵn sàng hợp tác với các nước láng giềng ở bờ phía nam vịnh Ba Tư để đảm bảo an ninh với các tuyến hàng hải thương mại trong khu vực dựa trên sáng kiến hòa bình Hormuz.

Trung Quốc nói tập trận để hợp tác

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm thứ năm cho biết, cuộc tập trận sẽ "tăng cường trao đổi và hợp tác giữa hải quân ba nước". Ông cho biết tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường của hải quân Trung Quốc là "Xining" đang tham gia cuộc tập trận.

Trong khi Bộ quốc phòng Trung Quốc nói cuộc tập trận mang thông điệp hòa bình thì chuyên gia quân sự Trung Quốc lại nói cuộc tập trận là thông điệp gửi tới Washington

Trang Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) đã trích dẫn lời của ông Tống Trung Bình, một chuyên gia và nhà bình luận quân sự Trung Quốc, nói rằng biển Ô-man là một nơi nhạy cảm và cũng rất quan trọng đối với vận tải năng lượng toàn cầu, và tình hình của nó có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và an ninh của Trung Quốc.

Ông Tống tin rằng cuộc tập trận chung sẽ làm giảm căng thẳng tại khu vực khi hai quốc gia có ảnh hưởng (Nga, Trung Quốc) đang sát cánh cùng nhau để bảo vệ hòa bình và ổn định của Vịnh Ba Tư. "Một động thái như vậy sẽ thúc giục Mỹ không được khởi động các hành động quân sự đơn phương hoặc gây thêm áp lực đối với Iran", ông nói.

Các động thái đã gửi một tín hiệu rõ ràng đến Mỹ: vấn đề Iran nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán dựa trên thỏa thuận trước đó thay vì các hành động quân sự. Mỹ nên ngừng thổi bùng ngọn lửa, ông Tống nói.

Tăng cường hợp tác quân sự thông qua các cuộc tập trận như vậy cũng sẽ giúp củng cố nền kinh tế, năng lượng và an ninh quốc gia của Trung Quốc, bên cạnh việc bảo vệ các kênh năng lượng và giao thông khu vực, Hoàn cầu thời báo hôm thứ năm trích lời ông Tống kèm lưu ý rằng Trung Quốc cần tăng cường chiến lược hộ tống ở nước ngoài.

Một cuộc tập trận như vậy cũng giúp cải thiện khả năng của Quân đội Giải phóng Trung Quốc (PLA) trong các nhiệm vụ chống khủng bố, chống cướp biển và hoạt động nhân đạo, ông Tống nói.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ sáu cho biết, họ đã gửi ba tàu từ Hạm đội Baltic bao gồm tàu khu trục, tàu chở dầu và tàu kéo cứu hộ - tham gia cuộc tập trận

Cuộc tập trận hải quân quy mô chưa từng có rơi vào thời điểm nhạy cảm

Associated Press đã đánh giá rằng cuộc tập trận ba bên là lần đầu tiên xuất hiện loại hình này vào thời điểm Iran đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có từ Mỹ.

Kể từ sau chiến thắng của Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, đây là lần đầu tiên nước này tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn như vậy có sự tham gia của hai cường quốc hải quân trên thế giới, ông Tah Tahani tuyên bố.

Nhưng cuộc tập trận chung thể bị Washington coi là khiêu khích. Căng thẳng đã tăng cao giữa Tehran và Washington kể từ năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015, được thế giới gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Đồng thời, ông Trump đưa ra lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay với Iran.

Mỹ đang theo dõi cuộc tập trận hải quân chung, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Robertson cho biết hôm thứ năm.

"Chúng tôi có nắm bắt cuộc tập trận đa phương đang được tiến hành giữa Iran, Trung Quốc và Nga ở biển Ả Rập", Robertson nói. "Chúng tôi đang theo dõi nó và sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác và đồng minh của mình để đảm bảo tự do hàng hải và tự do giao thương trên các tuyến đường thủy quốc tế".

Trang Times of Israel cũng đưa tin rằng cuộc tập trận này là cuộc tập trận ba bên đầu tiên kiểu như vậy khi Tehran tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Bắc Kinh và Moscow trong bối cảnh phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có từ Washington. Trang báo của Israel đánh giá cuộc tập trận nhằm để đáp trả các cuộc diễn tập của Mỹ trong khu vực

Trang Navy Times cũng cho rằng đó là phản ứng trước các cuộc diễn tập gần đây của Mỹ với đồng minh Ả Rập Saudi trong khu vực.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vu-khi-chien-luoc-quan-su-c-125/phan-ung-cua-cac-ben-ve-cuoc-tap-tran-hai-quan-cua-bo-ba-iran-nga-trung-128512.html