Phân phối ô tô: Kẻ tăng tốc, người tụt lại!
Sau khi gặp khó khăn trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, thị trường ô tô có dấu hiệu phục hồi, giúp doanh thu quý III của nhiều doanh nghiệp phân phối ô tô tăng trưởng, nhưng lợi nhuận có sự phân hóa rõ nét.
Bên trượt dốc
Công ty cổ phần City Auto (mã CTF) phân phối xe Ford và Huyndai tại Việt Nam, có hệ thống đại lý phủ rộng, nhưng lợi nhuận quý III/2024 giảm đến 90% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ đạt 2,5 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu trong quý III năm nay tăng 23%, đạt 2.076 tỷ đồng, nhưng giá vốn bán hàng lớn và chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng đều tăng, nên lợi nhuận lao dốc.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, City Auto ghi nhận doanh thu 5.400 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận sau thuế 11,8 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch năm nay là đạt doanh thu 8.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành được lần lượt 67% và 14,7%.
Công ty cổ phần Ô tô TMT (mã TMT) có kết quả kinh doanh quý III/2024 tệ hơn khi doanh thu giảm trên 20% so với quý III/2023, xuống hơn 355 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế âm 92,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 141 triệu đồng. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Ô tô TMT ghi nhận doanh thu 1.675,1 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế âm 191,7 tỷ đồng.
Ô tô TMT cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn tới kết quả kinh doanh thua lỗ là do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu và sự thay đổi của công nghệ khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu.
Nguyên nhân chủ quan là do chi phí tài chính cao kéo dài do hàng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí trong sản xuất - kinh doanh, Công ty buộc phải bán cắt lỗ để chuẩn bị cho chu kỳ kinh doanh mới, đồng thời triển khai tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm sản phẩm, nhà cung cấp và quản trị qua phần mềm.
“Với các biện pháp tái cấu trúc mạnh mẽ, Công ty chấp nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2024 để đảm bảo tính thanh khoản tốt với các tổ chức tín dụng và hướng tới sự phát triển bền vững”, lãnh đạo Ô tô TMT chia sẻ.
Bên tăng trưởng
Trái ngược với City Auto hay Ô tô TMT, kết quả kinh doanh quý III/2024 của Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã SVC) ghi nhận tăng trưởng mạnh: Doanh thu hơn 6.776 tỷ đồng, tăng 34,7%; lợi nhuận sau thuế 25,4 tỷ đồng, tăng 195% so với cùng kỳ năm 2023.
Savico cho hay, tình hình thị trường ô tô quý III/2024 tốt hơn quý III/2023 là yếu tố giúp Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty đạt 16.229 tỷ đồng doanh thu, tăng 13,6%; lợi nhuận sau thuế hơn 120 tỷ đồng, tăng 259% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, Savico đặt mục tiêu đạt doanh thu 24.230 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 135,7 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong 9 tháng, Công ty đã hoàn thành 67% kế hoạch doanh thu và 88,4% kế hoạch lợi nhuận.
Tương tự, Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã HAX) đạt 3.696 tỷ đồng doanh thu, 182,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng năm 2024, lần lượt tăng 27%, 805%, 888% so với cùng kỳ năm 2023. So với kế hoạch đạt 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2024, Công ty đã hoàn thành được 91%.
Như vậy, cả Haxaco và Savico đều đang tiến gần đến mục tiêu kinh doanh năm 2024, thậm chí Haxaco có thể thực hiện vượt kế hoạch khi dư địa tăng trưởng trong quý IV ở mức cao, nhất là đối với dòng xe MG, một thương hiệu ô tô phổ thông, tập trung vào xe có giá dưới 1 tỷ đồng.
Tại triển lãm Việt Nam Motor Show cuối tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài nhận xét, với sự ủng hộ của Chính phủ cùng nỗ lực đầu tư của các doanh nghiệp, thị trường ô tô Việt Nam dần đi vào ổn định, nguồn xe từ nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước dồi dào, nhiều mẫu xe mới ra mắt, giá xe giảm nhanh.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đánh dấu sự phát triển nhanh trong thời gian qua, khi nhiều nhà máy chính thức khánh thành và xuất xưởng các mẫu xe mới.
“Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 5 triệu xe ô tô; trong đó, xe ô tô con chiếm 67%, tương đương với tỷ lệ 50 xe/1.000 người dân. Tuy vậy, đây vẫn là một chỉ số rất nhỏ. Đối với thị trường gần 100 triệu dân, còn rất nhiều dư địa cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã được cải thiện nhanh chóng trong 5 năm qua và không ngừng tăng lên. Theo đó, nhu cầu sở hữu ô tô sẽ ngày càng lớn”, ông Trương Thanh Hoài nói.
Nhiều hãng ô tô lớn của thế giới khi vào Việt Nam nhìn thấy dư địa này nên tiếp tục chiến dịch mở rộng để tăng trưởng.
Bà Lê Thanh Hải, đại diện Nhóm các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) đánh giá, với dân số đông, điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi, cùng sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường ô tô.
Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng vừa là thách thức đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô trong việc giữ chân khách hàng và đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe của khách hàng.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 10/2024, cả nước nhập khẩu 9.227 ô tô nguyên chiếc các loại. Trước đó, trong tháng 9/2024, lượng ô tô nhập khẩu là 18.405 chiếc; lũy kế 9 tháng đầu năm nay là 124.983 chiếc, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với ô tô lắp ráp trong nước, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ trong 3 tháng kể từ đầu tháng 9/2024 đã góp phần cải thiện sức cầu. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 9/2024, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 19.500 xe, tăng 62%; doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 17.085 xe, tăng 30% so với tháng 8.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phan-phoi-o-to-ke-tang-toc-nguoi-tut-lai-post357790.html