Phân loại, tái chế rác thải: Đừng để doanh nghiệp phải đơn độc

Việc phân loại sẽ giúp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng.

Bằng cách này, rác thải sẽ trở thành những nguyên liệu tái chế để làm ra những vật dụng có ích, phục vụ cho cuộc sống của con người. Thế nhưng, đến thời điểm này, công tác phân loại, tái chế rác tại Hà Nội vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Khối lượng thu gom giảm dần

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), trong giai đoạn 2021 – 2022, diễn biến phức tạp của dịch Covid–19 và một số nguyên nhân khách quan đã ảnh hưởng rất lớn đến khối lượng thu gom rác tái chế trên địa bàn 5 quận trên địa bàn TP. Trong giai đoạn này, lượng rác tái chế được phân loại, thu gom đạt 2.472 tấn, tương đương với khối lượng thu gom trung bình đạt 5 tấn/ngày.

Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội tổ chức chương trình đổi rác lấy quà tặng. Ảnh: Vân Nhi

Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội tổ chức chương trình đổi rác lấy quà tặng. Ảnh: Vân Nhi

Cụ thể, trong năm 2022, tính đến tháng 11/2022 khối lượng thu gom đạt được 998 tấn, giảm còn 68% so với năm 2021 (giấy đạt 644 tấn, chiếm 64%; nhựa đạt 275 tấn, chiếm 35%; kim loại đạt 79 tấn, chiếm 6%). Tại quận Hoàn Kiếm, công tác thu gom, phân loại với khối lượng ổn định và gia tăng liên tục theo từng năm, trong năm 2022 tính đến tháng 11/2022 đạt 528 tấn, tăng 113% so với năm 2021. Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, trong khoảng thời gian này khối lượng thu gom rác tái chế đạt khối lượng 127 tấn, tăng 167% so với năm 2021.

Tuy nhiên, công tác thu gom trên địa bàn các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa lại có chiều hướng giảm. Cụ thể, tại quận Ba Đình, trong khoảng thời gian này, lượng rác tái chế được thu gom mới đạt 16 tấn, giảm còn 7% so với năm 2021; quận Hai Bà Trưng đạt 94 tấn, giảm còn 36% so với khối lượng đạt được năm 2021; quận Đống Đa đạt 233 tấn, giảm còn 55% so với khối lượng đạt được năm 2021.

Phân tích về lý do sụt giảm khối lượng rác tái chế được thu gom, đại diện Công ty Urenco cho hay, năm 2021 - thời gian dịch Covid–19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9, khối lượng thu gom rác tái chế có xu hướng tăng mạnh do các vựa thu gom rác tái chế trên địa bàn các quận không được phép hoạt động để phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi Hà Nội bước vào giai đoạn bình thường mới của dịch Covid–19, khối lượng thu gom rác tái chế trong năm 2022 đã giảm mạnh, chỉ còn đạt 68% so với năm 2021.

Dẫn chứng về việc này, đại diện Công ty Urenco cho biết, sau thời gian dừng hoạt động thu gom tái chế rác do ảnh hưởng của dịch Covid–19, từ ngày 6/11/2021, Chi nhánh Hoàn Kiếm đã tổ chức trở lại các điểm thu đổi rác tái chế lấy quà tặng Greenday tổ chức vào thứ Bảy hàng tuần trên địa bàn và bắt đầu từ ngày 11/6/2022 hoạt động trên đã được tổ chức trở lại ở 4 quận còn lại… Tuy nhiên, khối lượng rác tái chế của những buổi Greenday chỉ đạt khoảng 1/3 so với thời gian trước dịch.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Urenco Nguyễn Thanh Sơn, có nhiều nguyên nhân khiến khối lượng rác tái chế giảm. Trong đó, yếu tố giá thu mua rác tái chế thấp khiến các Tổ công nhân môi trường rất khó cạnh tranh với các đại lý thu mua rác tái chế trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các chi nhánh chưa thể triển khai thực hiện làm việc hết với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các quận, phường đã triển khai, do mất nhiều thời gian và khó gặp được người phụ trách... Mặt khác, do thiếu các chủng loại xe máy, thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, sơ chế phân loại chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nên việc thu gom, vận chuyển rác tái chế gặp nhiều khó khăn.

Việc tổ chức phân loại, thu gom tái chế rác nếu làm tốt không chỉ đem lại hiệu quả về mặt môi trường mà còn tác động lớn đến toàn xã hội. Mô hình thu gom rác tái chế tại của Hội Phụ nữ xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì là một ví dụ điển hình. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Duyên Hà Nguyễn Thị Điệp chia sẻ, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Hội Phụ nữ xã đã triển khai mô hình “Biến rác thành tiền” tại địa bàn.

“Trạm thu gom rác được đặt ở một góc rộng trong làng, người dân có thể dễ dàng nhìn thấy và bỏ rác tái chế vào thùng. Bên cạnh đó, các thùng rác được thiết kế chắc chắn, có lợp mái tôn... để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường” – bà Nguyễn Thị Điệp chia sẻ và nhấn mạnh, khi lượng rác đầy, Hội Phụ nữ sẽ tổ chức bán lấy tiền để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, việc phân loại sẽ giúp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng. Bằng cách này, rác thải sẽ trở thành những nguyên liệu tái chế để làm ra những vật dụng có ích, phục vụ cho cuộc sống của con người. Do đó, việc tổ chức, phân loại rác tái chế nói riêng và các loại rác thải sinh hoạt nói chung không chỉ là trách nhiệm của các DN mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Từ ngày 1/6/2021 – 31/6/2022 dưới sự hỗ trợ của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, Công ty Urenco đã triển khai thực hiện công tác phân loại, thu gom, vận chuyển trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, đạt 108% so với mục tiêu của dự án đặt ra ban đầu. Tiếp đó, từ ngày 11/11/2021 – 31/3/2022, Công ty Urenco tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động thực hiện Thỏa thuận hợp tác “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và tái chế rác thải nhựa trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó, triển khai thực hiện công tác hỗ trợ quà tặng từ các sản phẩm do Công ty Unilever Việt Nam tài trợ đối với lực lượng công nhân Urenco thu gom rác tái chế hàng ngày và các ngày đổi rác lấy quà tặng (Greenday) vào các buổi sáng thứ Bảy hàng tuần, kết quả đạt được 41,1 tấn nhựa tái chế trên địa bàn 5 quận.

Vân Nhi – Thanh Thủy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phan-loai-tai-che-rac-thai-dung-de-doanh-nghiep-phai-don-doc.html