Phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản
Chiều 1/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Các đại biểu Quốc hội đánh giá, tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, ban hành văn bản.
Tình trạng nợ đọng văn bản ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho rằng, công tác xây dựng pháp luật trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết vẫn còn tình trạng chậm, nợ đọng, phản ứng chính sách chưa thực sự kịp thời. Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù Quốc hội, Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế.
Đại biểu lấy ví dụ các văn bản quy định chi tiết thuộc lĩnh vực do Ủy ban Xã hội phụ trách chưa đáp ứng yêu cầu về thời hạn ban hành. Các Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng… còn tồn tại tình trạng nợ ban hành văn bản hướng dẫn.
Theo đại biểu, việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phần nào trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng trong thực thi chính sách cho các nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng người có công với cách mạng, nhóm đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật), các nội dung bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động trong quy định tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể.
“Mặc dù khó trong cân, đong, đo, đếm được những trở ngại, những thiệt thòi của việc nợ, chậm ban hành văn bản, nhưng qua đó có thể thấy rằng hệ thống các văn bản ban hành chậm và nợ chính là chướng ngại vật làm tắc con đường chính sách của Nhà nước đến với người dân", đại biểu nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho rằng, hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, cùng với đó là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức là thước đo và là cơ sở quan trọng nhất để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã làm tương đối tốt nội dung công việc này. Tuy nhiên, Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công.
Đại biểu cho biết, tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. Đại biểu nhấn mạnh, việc chậm trễ này gây lãng phí cơ hội thực hiện chương trình, cũng là lãng phí cơ hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc thụ hưởng các chính sách của nhà nước.
Phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời hạn
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) kiến nghị, cần tập trung hoàn thiện nhanh các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, quản trị xã hội và tổ chức thực hiện một cách thực chất. Mặc khác, khẩn trương xây dựng các đề án lộ trình cụ thể để thực hiện cải cách tiền lương, tạo động lực cho bộ máy hành chính, cho cán bộ, công chức, viên chức cống hiến và yên tâm công tác; nâng cao trách nhiệm, đạo đức thực thi công vụ. Đồng thời, cần sớm có quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao nếu xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ các khó thăn vướng mắc trong thực tiễn.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì với các cơ quan của Quốc hội ngay trong năm 2024 thực hiện giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức theo Luật Cán bộ, công chức trong năm 2022” trên phạm vi cả nước. Trong đó, tập trung vào nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức (Chương II) và những việc cán bộ, công chức không được làm tại Mục 4, Điều 18 quy định những điều bị cấm liên quan đến đạo đức công vụ: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao, gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Hà Nam cho rằng, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phải tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương xây dựng quy trình hóa, cá nhân hóa trách nhiệm từng công việc, từng lĩnh vực, lấy hiệu quả thực sự làm cơ sở đánh giá cán bộ; tiếp tục chỉ đạo siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống chính trị, phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, đi liền với thường xuyên kiểm tra, giám sát. Khi mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đều quan tâm, kiên quyết thực hiện cá thể hóa trách nhiệm, chắc chắn sức mạnh của hệ thống chính trị sẽ ngày càng được củng cố.
Các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để nâng cao hơn nữa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thu dòng vốn
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) quan tâm 3 nội dung, đó là điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và điều hành ngân sách.
Về điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn, đại biểu tán thành nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cho rằng việc điều chỉnh lần này Chính phủ đã tập hợp danh mục các công trình, dự án và phụ lục kèm theo trình Quốc hội rất đầy đủ và phù hợp với đề xuất của các địa phương. Đặc biệt, đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phố rất mong muốn sớm được triển khai Dự án tuyến đường ven biển kết nối 13 tỉnh, thành phố trong khu vực.
Để triển khai thực hiện tuyến đường này, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tháo gỡ một số điểm nghẽn, cho phép thực hiện một số cơ chế hỗ trợ như: Cơ chế cho vay lại đối với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo tỷ lệ 90 - 10 (90% vốn cấp phát và 10% các tỉnh vay lại). Đối với các hạng mục liên tỉnh (như các cầu lớn nối liền hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang, Bến Tre - Trà Vinh), đề xuất Chính phủ cho tiếp cận vốn theo hướng Chính phủ cấp phát vốn vay 100% (có thể giao Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư) hoặc giao cho UBND một tỉnh làm chủ đầu tư để thực hiện. 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận 6 nhóm nhà tài trợ khác nhau, đại biểu đề nghị Trung ương giao cho một Bộ chủ trì làm đầu mối, cùng với 13 địa phương đàm phán vấn đề này để đảm bảo thực hiện cho đồng bộ.
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, với thời gian 2 năm (2022 - 2023) theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và tiến độ giải ngân như hiện nay rất khó cho các địa phương đến cuối năm có thể thực hiện xong các chương trình, dự án, nhất là các địa phương được giao vốn trong năm 2023.
Đại biểu kiến nghị đối với các địa phương được giao vốn trong năm 2023, Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện qua năm 2024 - 2025, đồng thời kiến nghị có sự điều tiết linh hoạt giữa hai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình đầu tư công trung hạn 2020 - 2025 vì thời gian thực hiện của hai chương trình gần nhau, nhằm khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thu dòng vốn.