Phải mạnh tay hơn nữa để xử lý dứt điểm nạn đòi nợ thuê biến tướng!
Dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm nhưng tình trạng biến tướng vẫn diễn ra; bạn đọc đề nghị cần phải có biện pháp để xử lý dứt điểm vấn nạn này.
Mới đây, loạt bài viết liên quan đến vấn nạn đòi nợ thuê trái pháp luật như: “Phúc thẩm hơn 100 bị cáo trong vụ đòi nợ thuê núp bóng công ty luật” và “Nghiêm trị nạn đòi nợ thuê bất chấp pháp luật” đã thu hút sự quan tâm lớn của bạn đọc.
Những vụ việc này không chỉ phơi bày thủ đoạn tinh vi, manh động của các nhóm đòi nợ biến tướng mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường quản lý, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Các bị cáo trong vụ đòi nợ thuê núp bóng công ty luật. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Cấm kinh doanh đòi nợ thuê là đúng đắn, nhưng chưa đủ!
Bạn đọc MinhHue...@gmail.com chia sẻ: ““Những vụ đòi nợ thuê không chỉ đe dọa con nợ mà còn kéo theo gia đình, bạn bè, thậm chí cả trường học. Như vụ Công ty Luật TNHH Pháp Việt, nhóm đòi nợ đặt bình gas trước cổng trường để khủng bố tinh thần cô hiệu trưởng, dù khoản nợ không liên quan đến nhà trường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược đạo đức xã hội và cần bị trừng trị nghiêm minh. Cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý, truy quét tận gốc các tổ chức đứng sau để ngăn chặn tình trạng đòi nợ thuê biến tướng, đảm bảo an ninh trật tự”.
Bạn đọc Phú Đạt Nguyễn thì bình luận: "Để giải quyết triệt để vấn đề này, thiết nghĩ cần có những biện pháp mạnh mang tính răn đe đối với cả hai phía – chủ nợ và con nợ. Cụ thể, mức phạt hành chính và hình sự nên được tăng gấp đôi hoặc hơn, đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng... Chỉ khi có những chế tài nghiêm khắc (ví dụ như Nghị định 168) người vi phạm mới thực sự e ngại và chấp hành. Việc tuyên truyền mềm mỏng nếu không đi kèm biện pháp mạnh mẽ sẽ khó mang lại hiệu quả thực tế".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nthoa016 bình luận: "Đúng vậy! Các nhóm đòi nợ thuê thường xuyên sử dụng chiêu trò uy hiếp, gây áp lực tâm lý không chỉ đối với con nợ mà còn cả gia đình, người thân của họ, những người hoàn toàn không vay nợ và cũng không có trách nhiệm trả nợ. Việc liên tục bị khủng bố tinh thần qua điện thoại, tin nhắn khiến nhiều người rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi".
"Từ ngày 1-1-2021, kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính thức bị cấm theo Luật Đầu tư 2020. Đây là quyết định hoàn toàn hợp lý vì trong thực tế, hoạt động này đã bị biến tướng thành một dạng xã hội đen có tổ chức, gây mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, việc chỉ cấm mà không có giải pháp thay thế đã khiến nhiều cá nhân, tổ chức tìm cách “lách luật” bằng cách núp bóng công ty luật hoặc doanh nghiệp thu hồi nợ. Nếu không có cơ chế thu hồi nợ hiệu quả, tình trạng này sẽ tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người" - bạn đọc Minhminh...gmail.com bình luận.

Một cổng nhà bị tạt sơn và ghi chữ " trả nợ đi". Ảnh: HUỲNH DU
Không để "vòi bạch tuộc" đòi nợ thuê lộng hành
Trao đổi với PLO, Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị cấm từ ngày 1-1-2021 sau 14 năm tồn tại, do phát sinh nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Những tưởng, sau khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm hoạt động, hoạt động này đã phải chấm dứt, thì “vòi bạch tuộc” của nó vẫn không thật sự chấm dứt.
Thay vì tuân thủ quy trình thương lượng hoặc khởi kiện theo pháp luật, nhiều tổ chức đòi nợ biến tướng dưới danh nghĩa “mua bán nợ” để tiếp tục hoạt động trái phép. Chúng sử dụng các chiêu trò như đe dọa qua điện thoại, cắt ghép hình ảnh bôi nhọ danh dự, thậm chí kéo đến tận nhà, nơi làm việc để gây áp lực. Đáng lo ngại, một số công ty luật cũng tham gia vào hoạt động này, lợi dụng vỏ bọc pháp lý để đòi nợ trái phép.
Dù lực lượng chức năng đã có chỉ đạo xử lý nghiêm, vấn nạn này vẫn tồn tại do khó khăn trong truy vết trên không gian mạng, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế và chế tài chưa đủ sức răn đe.
"Để giải quyết dứt điểm, cần sự vào cuộc quyết liệt từ công an địa phương, siết chặt quản lý các công ty mua bán nợ và xử lý nghiêm những tổ chức vi phạm. Người dân khi bị quấy rối cần chủ động từ chối thương lượng và trình báo ngay cho cơ quan chức năng.
Có như vậy, "vòi bạch tuộc" biến tướng của việc đòi nợ thuê với những hành động bạo lực, xúc phạm, đe dọa người khác buộc phải chấm dứt và không còn đất sống nếu cả xã hội cùng vào cuộc đấu tranh với nó", luật sư Phát nêu quan điểm.
Nếu con nợ không chây ì...
Bạn đọc Dương Trung Thuận chia sẻ: "Chuyện đòi nợ biến tướng thì không phải bàn cãi, cần phải trị thật mạnh tay. Thế nhưng, nhìn một cách khách quan thì mọi chuyện cũng bắt nguồn từ những con nợ chây ỳ, cố tình không trả. Thực tế, nhiều chủ nợ rơi vào cảnh mất tiền, mất của nhưng lại có nguy cơ vướng vòng lao lý nếu sử dụng biện pháp đòi nợ sai cách, trong khi không ít con nợ vẫn nhởn nhơ thách thức, thậm chí công khai tuyên bố “Tao không trả, làm gì được tao”. Vậy công bằng ở đâu? ".
"Việc con nợ cố tình chây ỳ, không trả nợ là thực tế tồn tại. Tuy nhiên, thay vì để các tổ chức đòi nợ thuê biến tướng lộng hành, cần xây dựng một cơ chế thu hồi nợ minh bạch, hợp pháp, đảm bảo quyền lợi cho cả chủ nợ và con nợ", bạn đọc Thanh...@gmail.com nêu quan điểm.
Bạn đọc Quynhnguyen...@gmail.com chia sẻ: "Các chuyên gia nên tham khảo mô hình thu hồi nợ từ các quốc gia phát triển, những nước có chỉ số hạnh phúc cao và cả các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam để xây dựng quy định phù hợp thực tế. Việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen là không thể chấp nhận, nhưng cũng không thể bỏ qua thực trạng nhiều con nợ cố tình vay rồi không trả, thậm chí bỏ trốn. Cần có cơ chế để đảm bảo công bằng cho chủ nợ".