Phải chăng nên cho sinh viên thực tập ngay từ năm học thứ 2?

Có ý kiến cho rằng, để các sinh viên tránh khỏi bỡ ngỡ khi ra trường, phải chăng các trường Đại học nên cho sinh viên đi thực tập sớm từ năm thứ 2.

Dở khóc dở cười doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập

Để sinh viên dễ dàng hòa nhập với môi trường công sở sau khi ra trường, các trường Đại học tại Việt Nam hiện nay đã chủ động liên kết, phối hợp với nhiều doanh nghiệp đưa sinh viên tới thực tập. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phải dở khóc, dở cười khi tiếp nhận các em đến thực tập.

Tại Hội nghị Công giới trường Đại học Kinh tế Quốc dân diễn ra vào ngày 2/11, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Quảng Ninh đánh giá rất cao sinh viên NEU năng động, thông minh và có tính cầu thị. Tuy nhiên, dù không phải tất cả, nhưng vẫn có một số sinh viên có tính cách “trẻ con”.

 Vị nữ lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Quảng Ninh. (Ảnh: NEU)

Vị nữ lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Quảng Ninh. (Ảnh: NEU)

Có trường hợp doanh nghiệp đang tổ chức sự kiện, khi đi được nửa đường, chỉ vì một vài lý do trẻ con nào đó mà sinh viên thực tập xin nghỉ ngang, bỏ dở công việc được giao.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp giao việc nhưng các em không hoàn thành, cũng không báo cáo và đột ngột nghỉ giữa chừng khiến dự án bị “gãy”.

“Chúng tôi đã có 2 dự án bị “gãy” vì lý do này. Các em sinh viên phải hiểu rằng, khi nhà trường giới thiệu sinh viên tới doanh nghiệp thực tập, tức là nhà trường đã bỏ uy tín của mình để các em tiếp cận với công việc mà mình đang học. Các em cũng đã trưởng thành, đã 18 tuổi và phải có trách nhiệm với công việc và uy tín của mình. Đừng để cái tôi cá nhân mà ảnh hưởng tới uy tín của một tập thể”, vị nữ lãnh đạo này cho biết.

Cũng tại Hội nghị này, lãnh đạo một doanh nghiệp khác trong ngành dữ liệu chia sẻ: Các em sinh viên khi thực tập, thậm chí đã ra trường vẫn còn lơ ngơ, lóng ngóng chưa biết môi trường công sở thế nào. Thậm chí, nhiều em còn chưa có kỹ năng hoàn chỉnh.

Trước thực tế này, vị này đề nghị NEU nghiên cứu, xây dựng môi trường sandbox (môi trường thử nghiệm). Tại đây, sinh viên sẽ không phải chịu áp lực KPI, không phải chịu áp lực thành tích. Trong quá trình thử nghiệm, các em sinh viên có thể làm đúng, cũng có thể sai, thậm chí là sai nhanh nhưng đó chính là cơ hội cho các em trưởng thành nhanh hơn.

“Đặc điểm của môi trường sandbox là nơi cho các em thử nghiệm những cái mới, cho phép sinh viên dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm, dám đề xuất. Các đề xuất này có thể chưa đúng, nhưng từ những cái chưa đúng đó có thể đúc kết, điều chỉnh, sửa chữa lại cho tới khi nào hoàn thiện để đưa ra thị trường”, vị này cho biết.

Phải chăng nên cho sinh viên thực tập ngay từ năm thứ 2?

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đại Lý thuế D&P Việt Nam cho rằng, hiện nay ngày càng nhiều doanh nghiệp “chào đón” sinh viên đến thực tập, thậm chí còn khuyến khích các em đóng góp ý kiến cho doanh nghiệp. Dù vậy, và Dung cho rằng, một số các em sinh viên khi thực tập vẫn còn thiếu sót nhiều kỹ năng.

 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: VV)

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: VV)

Do đó, để nâng cao cả về kỹ năng “cứng” và kỹ năng mềm, bà Dung cho rằng, các chương trình học cần gắn kết hơn với thực tiễn, các môn học cần bổ sung cần phải cập nhật thường xuyên những nhu cầu mới của thị trường lao động.

Đồng thời, các trường Đại học cần tăng trường kỹ năng mềm cho sinh viên, kể cả kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng giao tiếp thông qua các khóa học, hội thảo hoặc các câu lạc bộ.

“Để các em sinh viên tránh khỏi bỡ ngỡ khi ra trường, phải chăng các trường Đại học nên cho sinh viên đi thực tập sớm từ năm thứ 2, có thể làm việc trong 1 tuần, 1 tháng, thậm chí là 1 quý để các em hiểu được môi trường công sở, văn hóa doanh nghiệp thế nào. Điều này có thể giúp các em sinh viên khi ra trường có thể dễ dàng hòa nhập với công việc mình lựa chọn”, bà Dung nói.

Ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Pro Sports chia sẻ, việc tạo điều kiện cho người học sau khi tốt nghiệp có khả “thực chiến” tham gia thị trường lao động rất quan trọng.

Vấn đề đặt ra là làm sao có thể vừa học vừa “thực chiến”, đừng để rơi vào tình trạng, sinh viên đến doanh nghiệp cho có, và làm sao để trong thời gian thực tập ngắn ngủi đó, sinh viên phải có động lực thực sự, khao khát vươn lên. Nhiều em đến doanh nghiệp rất có khát vọng, mong muốn phát triển, nhưng các em lại nhanh chán.

“Phải đốt cho các em một thứ rất quan trọng, đó là nghị lực. Ở đâu có nghị lực, ở đó có con đường. Trong hành trình chia sẻ của thầy cô, bên cạnh kiến thức mới (tiếng Anh, Tin học), có một cái lõi, chính là nghị lực và một khao khát chiến thắng”, ông Chính nói.

 PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NEU)

PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NEU)

Tại Hội nghị Công giới trường Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và cơ sở đào tạo tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo gắn kết thực tiễn, tạo sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức nói riêng và thị trường lao động nói chung.

Các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc.

“Chính sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức trong quá trình đào tạo là yếu tố bắt buộc, tạo cơ hội cho sinh viên/học viên có thể hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết và bước chân vào thế giới việc làm một cách chủ động”, PGS.TS Bùi Huy Nhượng nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phai-chang-nen-cho-sinh-vien-thuc-tap-ngay-tu-nam-hoc-thu-2-post319723.html