PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai là nhiệm vụ quan trọng

Đảng ta đã xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Trao đổi với Báo Đồng Nai, PGS-TS NGUYỄN QUỐC DŨNG, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II cho rằng, việc Đồng Nai tổ chức học tập và triển khai chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện” có ý nghĩa rất quan trọng, sâu sắc.

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng

Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

* việc Đồng Nai lựa chọn nội dung chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện” có ý nghĩa như thế nào?

- Toàn bộ di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kho báu văn hóa của dân tộc, hàm chứa nhiều lĩnh vực rộng lớn và phong phú, đặc sắc và sáng tạo, rất trí tuệ và đậm chất nhân văn. Trong đó, tư tưởng về văn hóa, con người chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Tư tưởng của Người về văn hóa đã dẫn dắt, định hướng việc xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa Việt Nam.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Cùng với đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Ngày 12-12-2023, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.

Tại hội nghị học tập và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2024, Phó bí thư thường thực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp, các ngành triển khai học tập chuyên đề năm 2024 và Nghị quyết 12 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thường xuyên, sâu rộng tới cán bộ, đảng viên. Đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, về xây dựng văn hóa, con người nói riêng gắn với nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp…

Chính vì vậy, việc Đồng Nai tổ chức học tập triển khai chuyên đề này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

* Ông đánh giá như thế nào về nội dung Nghị quyết 12 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa XI?

- Việc Đồng Nai ban hành nghị quyết nói trên là một minh chứng cho thấy, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai đã nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước; góp phần thúc đẩy, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và con người Đồng Nai nói riêng. Tại nghị quyết, Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu.

Mặt khác, trong bối cảnh thế giới, cả nước cũng như Đồng Nai đang hội nhập quốc tế, để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại đảm bảo đúng định hướng là một vấn đề rất lớn, rất quan trọng. Nghị quyết 12 đã khẳng định đường lối, chủ trương, đưa ra những giải pháp để phát triển văn hóa. Đặc biệt, nghị quyết còn chỉ ra một vấn đề, mục tiêu rất quan trọng, đó là đẩy mạnh những sản phẩm văn hóa và dịch vụ công nghiệp văn hóa. Đây là hướng phát triển rất đúng, góp phần quảng bá hình ảnh của Đồng Nai và tạo nên giá trị gia tăng cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, Nghị quyết 12 còn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, bảo đảm ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

* Thưa PGS-TS, để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai thời kỳ mới, cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào?

- Đó chính là việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng văn hóa gắn liền với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế và phòng, chống các biểu hiện suy thoái, tiêu cực về văn hóa.

Ban TVTU tổ chức học tập và triển khai chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện”. Ảnh: H.Thảo

Đó là xây dựng con người phát triển toàn diện trên các phương diện về đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục; xây dựng con người hài hòa cả trên phương diện cá nhân và tập thể, cộng đồng; xây dựng con người đồng bộ theo thành phần xã hội - nghề nghiệp, địa bàn sinh sống; xây dựng con người hội nhập quốc tế và phòng, chống các yếu tố tiêu cực tác động đến con người.

Để làm tốt được những nhiệm vụ trên, cần chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận và đoàn thể. Chú trọng phát huy vai trò của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ; phát triển đội ngũ nhà giáo và nhân viên ngành Giáo dục.

Cùng với đó, cần dựa vào dân để xây dựng văn hóa và con người. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, giáo dục; làm tốt công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền về xây dựng văn hóa, con người; đảm bảo kỷ cương, xử lý nghiêm minh các tiêu cực, sai phạm về văn hóa, giáo dục.

* Ông có thể chia sẻ thêm về nội dung xây dựng văn hóa gắn liền với xây dựng Đảng, hệ thống chính trị?

- Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XI xác định: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình...”. Do đó, việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế luôn được quan tâm, chú trọng.

Để làm tốt được nhiệm vụ này, cần tiếp tục lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW ngày
20-10-2021 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Người cũng luôn coi trọng xây dựng đạo đức của đội ngũ cán bộ. Do đó, cần phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

* Xin cảm ơn ông!

Hồ Thảo (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202401/pgs-ts-nguyen-quoc-dung-xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-dong-nai-la-nhiem-vu-quan-trong-5ff5da5/