Petrosetco hụt hơi vì kế hoạch tham vọng

Lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, nhưng Petrosetco liên tục không hoàn thành. Năm 2023 cũng không phải ngoại lệ.

Khi kế hoạch kinh doanh không sát thực tế

Khác với những doanh nghiệp chưa niêm yết, các công ty niêm yết do yêu cầu công bố thông tin định kỳ, thường sẽ phải lên kế hoạch kinh doanh ngay từ đầu năm để nhà đầu tư có cơ sở, từ đó đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch, cũng như xem xét liệu trong năm tài chính, công ty có điều gì đột biến, tạo câu chuyện hấp dẫn để hỗ trợ giá cổ phiếu.

Trong đó, đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là kế hoạch kinh doanh trong năm tài chính, đánh giá triển vọng ngành của Ban Lãnh đạo, từ đó giúp nhà đầu tư có thêm cơ sở để đưa ra quyết định và kiểm chứng kết quả kinh doanh theo từng quý và kết thúc năm tài chính.

Tại Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco, mã PET), mặc dù chưa kết thúc năm tài chính, nhưng Công ty sẽ khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Cụ thể, năm 2023, ước tính lợi nhuận Petrosetco đạt khoảng 180 tỷ đồng (không công bố lợi nhuận trước thuế hay sau thuế). Trong khi, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Ban Lãnh đạo Petrosetco đã đưa ra kế hoạch kinh doanh tương đối lạc quan, với doanh thu 18.000 tỷ đồng (tăng 2%), lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng (tăng 43% so với thực hiện trong năm 2022).

Như vậy, kết thúc năm tài chính với lợi nhuận đạt 180 tỷ đồng, Petrosetco không hoàn thành kế hoạch năm, cho dù mức lợi nhuận 180 tỷ đồng là trước thuế hay sau thuế.

“Những ảnh hưởng tiêu cực mà thị trường trong nước phải chịu đến từ sự tác động của bối cảnh toàn cầu đặc biệt nhạy cảm và đầy biến động. Trong tình hình khó khăn chung của gần như tất cả các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ và cung ứng dịch vụ, các lĩnh vực hoạt động chính của Petrosetco cũng chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và nhu cầu thị trường giảm sâu, song song với bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, ông Vũ Tiến Dương, Tổng giám đốc Petrosetco lý giải nguyên nhân lợi nhuận không đạt kế hoạch năm 2023.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên, Petrosetco không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm. Nếu xét từ năm 2018 đến năm 2022, Công ty đã có 3 trên 5 năm không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Trong đó, riêng năm 2022, Petrosetco lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế 336 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm tài chính chỉ ghi nhận 167 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch năm.

Có thể thấy, Ban Lãnh đạo Petrosetco luôn lên kế hoạch kinh doanh tham vọng, nhưng thường không đạt. Cuối năm khi không hoàn thành kế hoạch thì nêu ra nhiều yếu tố mang tính khách quan, thay vì thừa nhận việc lên kế hoạch không sát với thực tế thị trường.

Cổ phiếu thiếu động lực khi người đứng đầu bán ra

Ngoài việc lên kế hoạch kinh doanh không sát thực tế, sau 3 quý của năm 2023 kinh doanh lao dốc, nhà đầu tư còn chứng kiến động thái bán cổ phiếu của Ban Lãnh đạo Petrosetco.

Trong đó, ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch HĐQT Petrosetco bán ra 2 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 4,9%, về 3,04% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 24/11 đến ngày 5/12; Công đoàn Petrosetco đã bán ra toàn bộ 1.566.577 cổ phiếu PET, giảm sở hữu từ 1,46%, về 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 24/11 đến ngày 1/12. Mới đây nhất, ông Cao Trường Sơn - cổ đông lớn tại Petrosetco vừa bán ra 250.000 cổ phiếu PET, giảm sở hữu từ 5,1%, về còn 4,87% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Petrosetco.

Thực tế, lãnh đạo và cổ đông lớn bán ra cổ phiếu PET trong bối cảnh cổ phiếu đã có nhịp tăng mạnh từ cuối năm 2022 và đang có dấu hiệu chững lại. Thống kê từ ngày 15/11/2022 đến ngày 19/12/2023, cổ phiếu PET đã tăng hơn 130%, từ 11.620 đồng/cổ phiếu, lên 26.750 đồng/cổ phiếu và là một trong những cổ phiếu tăng nóng nhất thị trường.

Với việc liên tục tăng cao trong bối cảnh kinh doanh lao dốc, tính tới ngày 19/12/2023, theo dữ liệu trên iBoard của Công ty chứng khoán SSI, định giá cổ phiếu PET đang giao dịch vùng P/E là 36,4 lần. Trong đó, nếu xét giai đoạn bình thường từ năm 2013 đến 2022, P/E của ngành chỉ dao động từ 7,44 lần đến 23,28 lần và P/E của cổ phiếu PET dao động từ 3,8 lần đến 18,53 lần.

Như vậy, nếu so sánh dữ liệu lịch sử, định giá cổ phiếu PET hiện tại không còn rẻ sau nhịp tăng hơn 130% từ đáy cuối năm 2022 tới nay, điều này cũng dễ lý giải vì sao, lãnh đạo và cổ đông lớn lại liên tục bán ra và giảm sở hữu tại Petrosetco.

Cả Chủ tịch Phùng Tuấn Hà và Tổng giám đốc Vũ Tiến Dương đều là người làm thuê cho Công ty, được điều động và bổ nhiệm theo sự phân công của nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - cổ đông lớn nhất đang sở hữu 23,21% vốn điều lệ Petrosetco.

Được biết, ông Phùng Tuấn Hà được giới thiệu có 33 năm làm việc trong ngành dầu khí, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí và tham gia Petrosetco từ năm 2009; còn ông Vũ Tiến Dương có kinh nghiệm 29 năm làm việc trong ngành dầu khí, đảm nhiệm nhiều vị trí của các đơn vị liên quan Tập đoàn Dầu khí.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/petrosetco-hut-hoi-vi-ke-hoach-tham-vong-d205858.html