Ông Trump sẵn sàng giảm thuế quan nếu nhận được nhượng bộ lớn

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, sẵn sàng giảm thuế quan nếu các đối tác thương mại đưa ra nhượng bộ 'ấn tượng' trong quá trình đàm phán. Phát biểu này trái ngược với thông điệp từ một số cố vấn cố vấn của ông nhấn mạnh, thuế đối ứng của Mỹ là không thể thương lượng.

Tổng thống Donald Trump trao đổi với phóng viên tháp tùng ông trên chuyên cơ Air Force One hôm 3-4. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Donald Trump trao đổi với phóng viên tháp tùng ông trên chuyên cơ Air Force One hôm 3-4. Ảnh: Bloomberg

Trao đổi với các phóng viên có mặt trên chuyên cơ Air Force One hôm 3-4, ông Trump bảo vệ chính sách thuế quan dù thị trường chứng khoán Mỹ suy sụp. Tổng thống Mỹ hài lòng khi thấy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang giảm và tin rằng cơn chấn động kinh tế sẽ lắng xuống

“Mọi nước đang liên hệ với chúng ta. Đó là điều tốt đẹp của những thứ chúng ta đang làm. Chúng ta đang ở vị thế kiểm soát”, ông nói.

Hôm qua, người đứng đầu Nhà Trắng đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hiệu lực vào ngày 9-4 tới. Trong đó, có hơn 60 đối tác thương mại chịu mức thuế đối ứng cao từ trên 10% đến 50%. Mức thuế đối ứng cao hơn dự báo đã kích hoạt làn sóng bán tháo ở các thị trường chứng khoán khắp toàn cầu khi nhà đầu tư lo ngại viễn cảnh nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Chốt phiên giao dịch hôm 3-4, chỉ số S&P 500 giảm gần 5%, khiến vốn hóa “bốc hơi” khoảng 2.500 tỉ đô la Mỹ.

Khi được hỏi liệu chính quyền có xem xét giảm thuế đối ứng, ông Trump cho biết sẵn sàng làm điều này nếu các nước đề xuất “điều gì đó ấn tượng”, ám chỉ đến sự nhượng bộ lớn về thương mại. Ông lấy trường hợp của TikTok như là ví dụ về cách Washington sử dụng thuế quan để đàm phán thương mại với các nước.

Ông khẳng định, sẵn sàng giảm thuế quan cho Trung Quốc nếu Bắc Kinh phê duyệt thương vụ bán lại hoạt động tại Mỹ của nền tảng video ngắn TikTok cho các công ty Mỹ. Nhà Trắng đặt ra thời hạn cuối cho thương vụ này là ngày 5-4.

Diễn biến trên mở ra hy vọng đàm phán cho các nước bị áp thuế đối ứng cao, đặc biệt là các nền kinh tế xuất khẩu ở châu Á. Trước đó, một số cố vấn của tổng thống nhấn mạnh, thuế đối ứng không phải để đem ra đàm phán.

Trao đổi với hãng tin CNBC, Peter Navarro, cố vấn thương mại cấp cao của ông Trump phủ nhận thuế quan mới sẽ được sử dụng như một công cụ để đàm phán các điều khoản thương mại tốt hơn với các nước khác.

Tuy nhiên, các nước vẫn chưa rõ nhượng bộ như thế nào để gây “ấn tượng” với ông Trump.

Đầu tuần này, Israel đã hủy tất cả thuế quan áp vào hàng hóa của Mỹ với hy vọng tránh được thuế đối ứng của ông Trump. Tuy nhiên, Nhà Trắng thông báo, hàng hóa của Israel sẽ chịu thuế đối ứng 17%.

Trong những tháng gần đây, Nhật Bản cam kết tăng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và đầu tư vào dự án đường ống dẫn khí đốt ở bang Alaska. Tokyo cũng ám chỉ ưu tiên của các nhà thầu Mỹ trong kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng. Trong khi đó, tập đoàn đầu tư công nghệ SoftBank của Nhật Bản dẫn đầu trong gói đầu tư cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo ở Mỹ với quy mô lên tới 500 tỉ đô la.

Những nỗ lực này không giúp Tokyo thoát khỏi đòn thuế đối ứng của Mỹ. Hàng hóa của Nhật Bản bán vào Mỹ sẽ chịu mức thuế đối ứng 24%, theo thông báo hôm qua của Nhà Trắng.

Các quan chức Nhật Bản cho biết sự thất bại của những lời đề nghị trên đặt ra câu hỏi liệu những nhượng bộ thương mại tiếp theo có mang lại kết quả hay không.

Một số nhà phân tích nhận định, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ còn giảm nữa nếu không có kỳ vọng rộng rãi rằng, ông Trump sẽ nới lỏng thuế đối ứng.

“Tôi hy vọng những mức thuế thuế đối ứng này sẽ được đàm phán giảm xuống và không gây ra một cuộc chiến thương mại trả đũa giống như hồi thập niên 1930. Chúng tôi hy vọng, nghệ thuật đàm phán vẫn là động lực thúc đẩy Tổng thống Trump", Ed Yardeni, Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường bình luận.

Theo Bloomberg, CNBC

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ong-trump-san-sang-giam-thue-quan-neu-nhan-duoc-nhuong-bo-lon/