Ông Trump nhắc Ukraine và phương Tây về khả năng của Nga
Cựu Tổng thống Mỹ đã lấy ví dụ về các chiến thắng vang dội của Nga trước đây, đồng thời nhắc đến vai trò của các nước châu Âu trong xung đột ở Ukraine.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Khi nói về việc phản đối Mỹ gửi hàng tỷ USD viện trợ bổ sung cho Ukraine, ông Trump ngày 20/2 đã gọi Nga là "cỗ máy chiến tranh" từng đánh bại nhiều kẻ xâm lược hùng mạnh.
"Tôi cảm thấy rất tệ. Người Ukraine và phương Tây phải nhớ điều này: Họ đang đối đầu với cỗ máy chiến tranh Nga. Moscow đã đánh bại Hitler và khiến Napoleon phải nếm trái đắng", ông Trump nói.
Cựu Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, nếu ông còn tại vị ở Nhà Trắng, xung đột Nga - Ukraine sẽ không nổ ra. Ông Trump cũng nhắc lại tuyên bố có thể chấm dứt xung đột trong 24 giờ.
Cũng tại buổi nói chuyện trước công chúng ngày 20/2, ông Trump tuyên bố châu Âu bị ảnh hưởng nhiều hơn Mỹ bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Vì vậy, châu Âu cần làm nhiều hơn để hỗ trợ Kiev.
"Mỹ cách châu Âu, nơi có xung đột, cả một đại dương, còn các nước EU thì không", ông Trump nói. "Bạn có biết vì sao châu Âu không chi nhiều tiền để hỗ trợ Ukraine không? Vì không ai đặt vấn đề đó với họ".
Thượng viện Mỹ gần đây đã thông qua dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ USD, bao gồm khoản tiền hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, số phận dự luật này vẫn chưa được định đoạt tại Hạ viện. Việc Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson chưa đưa dự luật này ra bỏ phiếu tại Hạ viện càng làm tăng thêm thách thức mà Ukraine phải đối mặt.
Đầu tháng này, trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump đã đề cập đến dự luật an ninh biên giới và khoản viện trợ nước ngoài trị giá 60 tỷ USD dành cho Ukraine.
"Đừng ngờ nghệch đến vậy. Chúng ta cần một dự luật nhập cư và biên giới riêng. Không nên bị ràng buộc với việc viện trợ nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào", ông Trump tuyên bố.
Trái ngược với việc ông Trump phản đối Mỹ viện trợ Ukraine, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, bằng cách duy trì viện trợ tài chính, vũ khí cho Ukraine, Mỹ sẽ ngăn chặn một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga trong tương lai. Theo đài RT, lập luận đó của chính quyền ông Biden dựa trên giả định, sau khi đánh bại Kiev, Moscow sẽ tấn công một thành viên của NATO, buộc Mỹ phải đưa quân tới hỗ trợ.
Giới lãnh đạo Nga đã bác bỏ có ý định tấn công thành viên NATO và coi cuộc xung đột ở Ukraine là do NATO châm ngòi. Kịch bản duy nhất mà quân đội Nga có thể được điều tới một quốc gia thành viên NATO là Moscow bị NATO tấn công trước, ông Putin nói với phóng viên Mỹ Tucker Carlson trong cuộc phỏng vấn gần đây.