Ông Diệp Dũng bị bắt: Đối mặt án... 15 đến 20 năm tù?
Trong trường hợp bị kết tội, cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co-op Diệp Dũng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể ở mức cao nhất là từ 15 đến 20 năm tù nếu thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Ngày 16/12, Cơ quan An ninh điều tra – Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Diệp Dũng – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam.
Quá trình khám xét, Cơ quan An ninh điều tra – Công an thành phố Hồ Chí Minh thu giữ một số tài liệu phục vụ công tác điều tra. Các Quyết định, Lệnh của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Theo Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, các quyết định, lệnh trên được thực hiện sau quá trình xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm theo Kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op).
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co-op Diệp Dũng bị khởi tố về tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng nên chế tài sẽ rất nghiêm khắc.
Theo kết luận trước đó của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, cuối năm 2019, vốn hình thành từ lợi nhuận tích lũy của Saigon Co.op gần 3.200 tỷ đồng. Một năm sau đó, đơn vị này quyết định tăng vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình tăng vốn này có nhiều dấu hiệu bất thường từ các Hợp tác xã (HTX) thành viên. Trong đó, nhiều HTX dù báo lỗ trong hoạt động kinh doanh nhưng có số vốn góp tăng gấp nhiều lần so số tiền báo lỗ; Thanh tra cũng xác định, 20/26 HTX thành viên có góp vốn nhưng không có hồ sơ góp vốn; có nhiều cá nhân, tổ chức bên ngoài không phải là xã viên HTX thành viên nhưng vẫn góp vốn.
Kết luận thanh tra cũng cho thấy, việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng an ninh kinh tế của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung; có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Bởi vậy cơ quan Thanh tra đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xém xét xử lý hình sự cựu lãnh đạo này và các đồng phạm khác có liên quan về tội Lạm quyền trong thi hành công vụ.
Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định tại điều 357, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Luật sư Cường cho rằng, như vậy, theo quy định của pháp luật, chủ thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn. Đây là một tội danh trong nhóm tội phạm về chức vụ theo quy định của pháp luật.
Hành vi lạm quyền trong khi thi hành là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước gây thiệt hại đến quyền lợi của nhà nước, của tổ chức, cá nhân từ 10 triệu đồng trở lên.
Theo quy định pháp luật, người phạm tội phải là người có hành vi lạm quyền. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là vượt quá quyền hạn của mình, tức là làm một việc ngoài phạm vi chức trách.
Nếu người phạm tội lạm quyền nhưng không phải trong khi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp quy định tại Điều 357 Bộ luật hình sự, mà tùy trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.
Hậu quả của hành dấu hiệu bắt buộc, thiệt hại phải từ 10 triệu động trở lên. Nếu hành vi lạm quyền chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này. Ngoài thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì còn có những hậu quả khác không phải lại dấu hiệu bắt buộc nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt như: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có những thiệt hại vật chất, có thiệt hại phi vật chất.
Trong trường hợp bị kết tội, cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co-op Diệp Dũng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể ở mức cao nhất là từ 15 đến 20 năm tù nếu thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Mời độc giả xem thêm video Khởi tố thêm 4 bị can tại Công ty Tân Thuận: