Ổn định thị trường bằng hành vi tiêu dùng đúng đắn

ĐBP - Thời gian qua, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định giá cả, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Có được kết quả đó nhờ sự nỗ lực của lực lượng chức năng trong đấu tranh với hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu, bình ổn thị trường.

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra hàng hóa tại địa bàn phường Điện Biên Phủ.

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra hàng hóa tại địa bàn phường Điện Biên Phủ.

Xác định giữ vững nguồn cung hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả và nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ là giải pháp bảo đảm quyền lợi nhân dân, mà còn là nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển lành mạnh, các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã thanh, kiểm tra 177 lượt cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 127 vụ với 127 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy hơn 1.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn rủi ro cao cho người tiêu dùng. Tịch thu nhiều hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu. Riêng lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 13 vụ, tổng số tiền xử phạt 133 triệu đồng, gồm 1 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và 12 vụ gian lận thương mại.

Không ít vụ việc cho thấy thủ đoạn vi phạm đang dịch chuyển lên môi trường mạng. Việc buôn bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử khiến công tác truy xuất, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng sử dụng tài khoản ảo, thông tin giả mạo, thay đổi địa chỉ liên tục, trong khi chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe.

Theo ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương, muốn xử lý tận gốc cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý theo kịp thực tiễn thương mại điện tử; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ số trong giám sát thị trường. Việc kết hợp công cụ theo dõi giao dịch trực tuyến với phương pháp nắm địa bàn truyền thống sẽ giúp phát hiện vi phạm nhanh và chính xác hơn. Đặc biệt, cần tập trung kiểm tra các ngành hàng thiết yếu như: thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm... Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể làm ngày một ngày hai mà là hành trình lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng chức năng, doanh nghiệp, chính quyền và người dân”.

Tâm lý ham rẻ, ngại tìm hiểu thông tin vẫn là kẽ hở khiến hàng giả, hàng kém chất lượng có đất sống. Khi việc mua sắm trở nên quá dễ dàng mà không đi kèm sự cảnh giác, thị trường dễ rơi vào vòng xoáy của hàng hóa phi pháp. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần đi vào chiều sâu, không dừng lại ở việc phổ biến kiến thức mà cần giúp người dân hình thành thói quen tự bảo vệ mình, đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi dễ bị tổn thương bởi thiếu thông tin.

Giữ cho thị trường lành mạnh không thể trông chờ hoàn toàn vào chế tài xử phạt. Điều cốt lõi là xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng tử tế, nơi đạo đức kinh doanh được đề cao và người tiêu dùng đủ tỉnh táo để từ chối “giá rẻ” đầy rủi ro. Trong thời đại thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, chợ không còn bó hẹp trong các phiên hay quầy sạp truyền thống, mà đã hiện diện trên từng thiết bị di động. Một cú nhấp chuột có thể mở ra cơ hội tiếp cận tiện lợi, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ rơi vào bẫy hàng giả nếu thiếu hiểu biết.

Công nghệ có thể giúp theo dõi và phân tích hành vi vi phạm hiệu quả hơn, nhưng ý thức người tiêu dùng vẫn là trên hết. Khi người dân biết hoài nghi trước giá rẻ bất thường, biết chọn đúng thay vì chọn dễ thì thị trường sẽ vận hành theo hướng minh bạch. Mỗi hành vi tiêu dùng có trách nhiệm chính là một hành động xây nền cho sự phát triển lành mạnh.

Từ đô thị tới thôn, bản vùng cao, từ cửa hàng truyền thống đến gian hàng online, mỗi quyết định mua sắm đều phản ánh lựa chọn của cá nhân trước thị trường. Nếu là những lựa chọn thông minh sẽ góp phần xây dựng thị trường công bằng, môi trường thương mại bền vững.

Bài, ảnh: Tú Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/on-dinh-thi-truong-bang-hanh-vi-tieu-dung-dung-dan