Omicron mang ác mộng trở lại với ngành du lịch thế giới

Hơn 2.000 chuyến bay đã bị hủy trên khắp thế giới chỉ riêng trong ngày 28/12. Ngành công nghiệp nhà hàng và vận tải cũng lao đao vì sự xuất hiện của biến thể virus mới.

Theo CNN, hàng nghìn chuyến bay đã bị hủy. Các kế hoạch trở lại văn phòng bị hoãn lại. Apple cũng đóng cửa toàn bộ cửa hàng trên khắp New York (Mỹ). Dịch Covid-19 một lần nữa gây ra tình trạng hỗn loạn cho nền kinh tế.

Tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. “Đây chắc chắn là bước lùi trên con đường phục hồi của nền kinh tế”, bà Kathryn Wylde - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Partnership for New York City - chia sẻ.

Khi số ca nhiễm mới tăng mạnh, nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. “Tình trạng này càng kéo dài, càng khó để thu hút mọi người trở lại văn phòng”, bà Wylde nói thêm.

Tình trạng hỗn loạn do dịch bệnh được thể hiện rõ ràng nhất ở các sân bay. Chỉ riêng trong ngày 28/12, hơn 2.000 chuyến bay đã bị hủy trên khắp thế giới. Một phần nguyên nhân là số lượng phi hành đoàn nhiễm Covid-19 tăng cao.

Biến thể virus mới đã mang cơn ác mộng trở lại với người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: Reuters.

Nhà hàng hoạt động cầm chừng

Cùng với đó là thời tiết khắc nghiệt. Tất cả đã gây ra cơn ác mộng cho vô số du khách Mỹ trong kỳ nghỉ lễ này. “Cả thế giới đều chán ngán với tình trạng này”, ông David Kelly - chiến lược gia trưởng tại JPMorgan Funds - bình luận.

Trong khi đó, các nhà hàng - một trong những ngành kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch - cũng đang lao đao vì biến thể Omicron. 90.000 nhà hàng - khoảng 14% nhà hàng ở Mỹ - đã đóng cửa vĩnh viễn trong đại dịch, theo Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ.

Theo ông Sean Kennedy, Phó chủ tịch của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ, nhiều nhà hàng phải chật vật với tình trạng thiếu hụt lao động và giá bán buôn tăng mạnh. Giờ đây, niềm tin của người tiêu dùng cũng lao dốc vì số ca nhiễm virus mới gia tăng.

Theo dữ liệu từ OpenTable, trong tuần kết thúc vào ngày 20/12, số lượt khách tại các nhà hàng giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Bà Aneta Markowska, nhà kinh tế trưởng tại Jefferies, nhận định khi những văn phòng như của Jefferies đóng cửa, các quán cà phê và dịch vụ toàn nhà cũng phải dừng hoạt động, giáng thêm đòn vào nền kinh tế.

Các nhà hàng - một trong những ngành kinh doanh dễ tổn thương nhất bởi virus - cũng đang lao đao vì biến thể Omicron. Ảnh: Reuters.

Các công ty công nghệ lớn như Amazon, Facebook và Twitter cũng không tham gia Hội chợ Điện tử Tiêu dùng - hội chợ thương mại thường niên được tổ chức bởi Tổ chức Công nghệ Tiêu dùng.

Ngay cả tàu điện ngầm ở thành phố New York cũng bị cắt giảm hoạt động do tình trạng thiếu nhân viên do dịch Covid-19 gây ra.

Nhiều nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022. Bà Markowska cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% trong quý I/2022, mức tồi tệ nhất kể từ khi kinh tế bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2020.

Ông Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics - cũng chuẩn bị hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Nguyên nhân là ảnh hưởng từ biến thể virus mới và kế hoạch chi tiêu thất bại của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

“Chúng có thể không đủ để đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, những điều này sẽ cản trở làn sóng phục hồi”, ông giải thích.

Chuỗi cung ứng chao đảo

Còn quá sớm để kết luận về việc Omicron có chặn đứng quá trình phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu hay không. Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính dẫn đến mức lạm phát kỷ lục tại Mỹ.

“Một trở ngại lớn là tình trạng gián đoạn sản xuất ở các nước khác, sự thiếu hụt tài xế xe tải và nhân viên kho bãi”, ông Gus Faucher - nhà kinh tế trưởng tại PNC - cho biết.

“Omicron khiến mọi người không thể trở lại là việc. Điều đó làm trầm trọng thêm vấn đề của chuỗi cung ứng và đẩy giá lên cao”, ông nói thêm.

Theo ông Alex Constantinescu - CEO của Alex International Transport 94 SRL, công ty vận hành 130 xe tải vận chuyển các sản phẩm dược phẩm và thực phẩm trên khắp lục địa, ngành vận tải đường bộ đã đối mặt với tình trạng thiếu tài xế từ trước đại dịch.

Chúng có thể không đủ để đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, những điều này sẽ cản trở làn sóng phục hồi

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics

Giờ, cuộc khủng hoảng lao động của ngành càng trở nên sâu sắc hơn. Công ty của ông Constantinescu đã phải tăng lương khoảng 30% trong vòng 3 năm qua.

"Nhiều giờ ngủ trên đường, trong cabin và không biết liệu những người mình tiếp xúc có nhiễm Covid-19 hay không, nghề lái xe tải đã không còn hấp dẫn", ông chia sẻ.

"Đại dịch càng khiến công việc này trở nên kém hấp dẫn", ông nói thêm.

Tại Anh, trong quý II/2021, số lượng tài xế lái xe tải hạng nặng đã giảm 23%, tương đương khoảng 72.000 người, so với năm 2019, theo Logistics UK.

Ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đưa ra những biện pháp kiểm soát và cách ly nghiêm ngặt để theo đuổi chiến lược "Zero-Covid" (đưa số ca nhiễm mới về 0). Điều này khiến các tài xế xe tải e ngại vận chuyển hàng hơn.

Cuối cùng, theo CNN, tác động đối với nền kinh tế, chuỗi cung ứng và cuộc sống hàng ngày sẽ được quyết định bởi việc Omicron tồn tại trong bao lâu, cũng như cách mọi người phản ứng với virus.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/omicron-mang-ac-mong-tro-lai-voi-nganh-du-lich-the-gioi-post1286407.html