Ðổi mới công tác truyền thông về dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế còn nhiều khó khăn vì thế công tác truyền thông về dân tộc, tôn giáo cần đặc biệt chú trọng.

Thống nhất và kiên định quan điểm

Trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, 54 dân tộc anh em dù theo tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng đều một lòng cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vì hòa bình, độc lập, tự do.

Đất nước trải qua hơn 4000 năm lịch sử với bao nhiêu thăng trầm nhưng khối đại đoàn kết riêng có rất đáng tự hào thì vẫn không có gì thay đổi. Truyền thống đó ngày càng được hun đúc trở thành một sợi dây gắn kết những người con đất Việt dù ở bất kỳ đâu.

Ý thức được vai trò của vấn đề dân tộc, tôn giáo trong phát triển đất nước, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Ðảng và Nhà nước ta luôn quán triệt Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa ra các chủ trương, cơ chế chính sách nhằm làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Mục đích cuối cùng và duy nhất là “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” và "xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc".

Minh chứng cho điều này là hàng loạt đề án, chương trình mục tiêu quốc gia ra đời, nhằm hỗ trợ nguồn lực đầu tư toàn diện tư hạ tầng giao thông, điện, nước, trường học, cơ sở y tế, hạ tầng thương mại; giao đất, giao rừng; hỗ trợ giống vốn canh tác …để các dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, hải đảo phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất tinh thần. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cũng luôn tạo điều kiện cho mọi người dân được tự do lựa chọn và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

PGS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, chính sách tôn giáo được Ðảng và Nhà nước hết sức quan tâm, trong đó tập trung vào các nội dung: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; bình đẳng giữa các tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc; phát huy giá trị đạo đức, nhân văn, tích cực của các tôn giáo.

Ðặc biệt, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đưa ra quan điểm mới, đó là ngoài phát huy các giá trị tích cực, nhân văn của tôn giáo, cần tập trung phát huy các nguồn lực của tôn giáo; chống lợi dụng tôn giáo để chia rẽ đoàn kết tôn giáo, cũng như phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Về công tác thông tin, truyền thông, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng hàng trăm cơ quan báo chí cùng vào cuộc quyết liệt để đưa thông tin tới từng người dân ở khắp mọi miền tổ quốc. Trong đó tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phủ sóng thông tin, số hóa và đa dạng hóa các chương trình, tăng cường thời lượng tin/bài, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở với nhiều hình thức khác nhau; nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc; đẩy mạnh phổ biến các quan điểm, chủ trương của Ðảng, Nhà nước đối với cán bộ, nhân dân, đồng bào - nhất là với các chức sắc, tín đồ tôn giáo.

Nhờ đó chỉ sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Trở thành điểm sáng đáng học hỏi của cộng đồng quốc tế về công tác xóa đói giảm nghèo; phổ cập giáo dục; mọi công dân đều được chăm sóc y tế…Diện mạo khu vực nông thôn, miền núi ngày càng thay đổi, khang trang hơn. Trong phát triển kinh tế, đồng bào các dân tộc ở khu vực nông thôn, miền núi đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, sản xuất; ứng dụng thương mại điện tử để mua bán, trao đổi sản phẩm hàng hóa. Về sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo: Hàng loạt cơ sở thờ tự các loại hình tôn giáo được tu bổ, sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng mới; các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo ngày càng phát triển như khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo… Các Lễ hội của mọi tôn giáo đều trở thành hội lễ chung vui của toàn dân tộc như Lễ hội Đền Hùng, lễ Noel, lễ hội La Vang, chùa Hương…

Đặc biệt, người dân địa phương đã tận dụng những nguồn lực này để phát triển kinh tế du lịch thông qua các hoạt động cung cấp dịch vụ lễ lạt, ăn nghỉ, sản xuất nông sản, thảo dược cung cấp cho du khách; phát triển nghề thủ công, bán hàng lưu niệm…

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam đã ghi nhận tỷ lệ nghèo giảm đáng kể trong ba thập kỷ qua, giảm tỷ từ 80% năm 1992 xuống còn 7% ngay trước cuộc khủng hoảng COVID-19. GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của OECD đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua, đạt gần 25%.

Có được kết quả nêu trên, ngoài các cơ chế chính sách thì công tác thông tin tuyên truyền giữ một vai trò quan trọng. Nhờ có thông tin thường xuyên, kịp thời đã góp phần nâng cao nhận thức, giúp người dân lựa chọn được thông tin đúng, hữu ích để áp dụng vào cuộc sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế.

Ðổi mới công tác truyền thông về dân tộc, tôn giáo để mỗi người dân có nhận thức đầy đủ

Cần đổi mới công tác tuyên truyền

Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định về kinh tế - xã hội cũng như công tác thông tin truyền thông song theo ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) thuộc Ủy ban Dân tộc vẫn còn những tồn tại nhất định trong việc tiếp cận thông tin do đồng bào các dân tộc thiểu số thường sinh sống ở vùng miền núi, biên giới. Địa bàn rộng, chia cắt, nhiều nhóm dân tộc khác nhau về ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa cũng như khả năng tiếp cận thông tin…, nên ở một số địa phương, công tác thông tin, truyền thông vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, với công nghệ thông tin, internet và các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, rồi mạng xã hội đủ loại hình phát triển; thông tin đa dạng, nhiều chiều, thậm chí thông tin giả mạo, xấu độc rất nhiều nên cần có các giải pháp mới. Đặc biệt là những thông tin về sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng - lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị lợi dụng vào các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế.

PGS Chu Văn Tuấn chia sẻ, lâu nay, công tác thông tin, truyền thông về tôn giáo vẫn chủ yếu là về chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước, mà chưa có nhiều nội dung tuyên truyền về các giá trị tốt đẹp, đóng góp của tôn giáo; sự tham gia của tôn giáo với các vấn đề của đời sống xã hội. Chính vì vậy, xã hội chưa hiểu về tôn giáo, thậm chí e ngại tuyên truyền về tôn giáo.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ông Hà Việt Quân cho rằng, cần phải bỏ qua một số định kiến nhất định trong việc tiếp cận thông tin của đồng bào. Cũng như cần chú trọng lựa chọn hình thức, phương pháp thông tin sáng tạo, đổi mới, phù hợp hơn với người DTTS. Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân, 130 triệu thuê bao điện thoại với 65 triệu người dùng mạng xã hội, nhưng chúng ta vẫn không tận dụng hết được lợi thế mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ để truyền thông về các vấn đề dân tộc, tôn giáo

Còn PGS Chu Văn Tuấn đưa ra, đó là người làm công tác thông tin, truyền thông phải được trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết cơ bản về tôn giáo, tránh sai sót, tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng. Tích cực tuyên truyền về tôn giáo, để cộng đồng hiểu hơn về những giá trị cũng như đóng góp của các giáo dân và các tổ chức tôn giáo.

Đối với cơ quan báo chí, bên cạnh việc phát hiện kịp thời các âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch trên không gian mạng, mỗi cơ quan báo chí cần thúc đẩy chuyển đổi số, sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước để lan tỏa thông tin tích cực, chính thống; từ đó giúp nhân dân hiểu đúng về những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, tôn giáo”.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới diễn biến khó lường; thông tin bùng nổ có cả mặt tốt và mặt xấu; đời sống kinh tế đi lên, các giá trị truyền thống đang dần thay đổi, xu hướng con người sống thực dụng hơn, nhất là giới trẻ có xu hướng xa rời nghiên cứu lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc. Do đó, Nhà nước cần có định hướng, lựa chọn những thông tin có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu của cộng đồng và xu hướng mới để truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề dân tộc- tôn giáo.

Nguyên Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/oi-moi-cong-tac-truyen-thong-ve-dan-toc-ton-giao-trong-tinh-hinh-moi-282659.html