Ô tô Việt gặp áp lực từ các hiệp định thương mại tự do

Ký kết nhiều FTA có lộ trình giảm thuế về 0% là cơ hội mở rộng thị trường nhưng thực tế lại ngày càng khiến các doanh nghiệp gặp áp lực để duy trì sản xuất và thị phần.

Ngày 24/5, Tạp chí Hải quan tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề: "Công Nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?" nhằm làm rõ hướng đi, tìm những giải pháp tháo gỡ cho các vướng mắc của nền công nghiệp ô tô Việt Nam khi thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã tham gia.

Xe sang, siêu xe sẽ ngày càng rẻ

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng tiểu ban Hải quan thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 FTA, trong đó có nhiều FTA đã cam kết về ô tô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu của xe ô tô nguyên chiếc về 0%, điển hình là ATIGA 0% từ năm 2018; UK/EVFTA 0% từ năm 2028; CPTPP 0% từ 2027/MX 0% 2028.

"Đây là một cơ hội rất lớn cho thị trường ô tô để có thể đa dạng hóa sản phẩm và mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tế, ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu".

Bà Tuyết cũng cho biết, nhờ việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với lộ trình giảm mạnh thuế nhập khẩu. Cụ thể, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%.

Ví dụ, một chiếc xe phổ thông có giá khoảng 30.000 USD, khi nhập về Việt Nam năm 2024 phải nộp thuế nhập khẩu 38,1%, tương đương 11.430 USD, giảm 1.920 USD so với thời điểm năm 2023. Số tiền thuế còn có thể giảm hàng chục nghìn USD đối với các mẫu siêu xe nhập khẩu. Điều này có nghĩa ngày càng có nhiều người có cơ hội sở hữu các mẫu xe từ tầm trung, cao cấp cho đến xe siêu sang của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche, Ferrari, Lamborghini, Bugatti...

Điều này cũng làm các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Cơ hội hay thách thức?

Tại buổi tọa đàm, TS. Lê Huy Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công thương (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA và được thế giới công nhận là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường và đang tạo ra các thách thức.

"Từ góc độ xuất khẩu. Thị trường EU là thị trường có tiêu chuẩn cao, khoảng cách địa lý khá xa Việt Nam, vì vậy cơ hội xuất khẩu sẽ khó thành hiện thực nếu doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia mạng lưới cung ứng trong lĩnh vực ô tô, xe máy, và khả năng cạnh tranh cao.

Từ góc độ nhập khẩu. Thời gian bảo hộ 7-10 năm mặc dù là tương đối dài nhưng nếu ngành ô tô, xe máy Việt Nam tiếp tục trì trệ, thiếu chủ động trong cải thiện năng lực cạnh tranh thì nguy cơ bị thua trên sân nhà vẫn rất cao. Do đó, các doanh nghiệp ngành ô tô Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các cam kết EVFTA, chuẩn bị các điều kiện để tận dụng các cơ hội từ Hiệp định cũng như sẵn sàng cho tương lai cạnh tranh khi hết lộ trình bảo hộ thuế quan".

Theo ông Khôi, Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở đi tắt, đón đầu các xu hướng của thế giới. Cụ thể, cần chuyển dịch mạnh mẽ về sản xuất và tiêu dùng từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh. Điều này, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương phát biểu tại tọa đàm.

TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương phát biểu tại tọa đàm.

Còn ông Dương Bá Hải, Phó Trưởng phòng Phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) nhận định, việc tham gia các FTA ngoài mang lại cơ hội cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực về cạnh tranh.

Vì vậy, việc xây dựng các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng, cần bám sát vào các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó có sự kết hợp hài hòa, đồng bộ của nhiều chính sách có liên quan (bao gồm chính sách tài chính, chính sách đầu tư, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng...).

Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực. Các nước như Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc, với lợi thế là những nước đi trước, công nghệ và lao động phát triển ở trình độ cao hơn.

Tận dụng được lợi thế kinh tế khiến chi phí sản xuất thấp hơn, thì việc họ thành công chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong điều kiện thực hiện các FTA luôn tạo áp lực lớn nếu Việt Nam không quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách bền vững, không có các giải pháp phù hợp để phát triển ngành này trong tương lai.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/o-to-viet-gap-ap-luc-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-192240524141744094.htm