Ô tô 'độ' đèn sương mù thế nào để được đăng kiểm?

Theo quy định mới, ô tô lắp thêm đèn sương mù dạng rời không được coi là cải tạo xe cơ giới, được đăng kiểm bình thường, tuy nhiên, việc lắp đặt phải tuân thủ theo TCVN 6978:2001 về phương tiện giao thông đường bộ.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay, nhiều chủ xe lựa chọn lắp đặt thêm đèn sương mù để tăng khả năng chiếu sáng khi tham gia giao thông vào ban đêm hoặc khi di chuyển trên đường đèo núi, thời tiết sương mù, hạn chế tầm nhìn.

Theo quy định mới, lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời không được coi là cải tạo xe cơ giới (ảnh minh họa).

Theo quy định mới, lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời không được coi là cải tạo xe cơ giới (ảnh minh họa).

Đây được cho là nhu cầu thiết yếu và cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, việc lắp đặt cũng không làm thay đổi kết cấu của phương tiện.

Do đó, tại Thông tư 43/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15/2 đã quy định một trong những trường hợp ô tô có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo, đó là: Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời. Chủ xe "độ" đèn này vẫn được đăng kiểm bình thường.

Tuy nhiên, một chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời phải thực hiện theo đúng quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6978:2001 về phương tiện giao thông đường bộ - lắp đặt đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu trên phương tiện cơ giới và moóc.

Cụ thể, phải tuân thủ các chỉ tiêu như: phải lắp đặt 2 đèn đối xứng có màu sắc trắng hoặc vàng; vị trí lắp đặt không cách mép ngoài cùng của xe lớn hơn 400mm và chiều cao không thấp hơn 250mm; hướng đèn về phía trước đầu xe; tắt mở đèn sương mù dạng rời độc lập với đèn chiếu sáng phía trước.

Ngoài ra, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết thêm, ngoài đáp ứng các tiêu chí trên, khi kiểm tra hạng mục đèn thông qua máy đo đèn, chùm ánh sáng từ đèn sương mù lắp thêm phải đảm bảo không hắt lên phía trên, phải nằm bên dưới đường nằm ngang mới được chấp thuận, xác nhận đạt hạng mục kiểm tra loại đèn này.

Bởi nếu chùm ánh sáng của đèn sương mù hắt lên phía trên có thể gây lóa mắt người điều khiển phương tiện khác lưu thông hướng ngược lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Việc lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rơi trên ô tô phải thực hiện đúng quy định tại TCVN 6978:2001 về phương tiện giao thông đường bộ - lắp đặt đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu trên phương tiện cơ giới và moóc, khi đăng kiểm mới đạt (ảnh minh họa).

Việc lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rơi trên ô tô phải thực hiện đúng quy định tại TCVN 6978:2001 về phương tiện giao thông đường bộ - lắp đặt đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu trên phương tiện cơ giới và moóc, khi đăng kiểm mới đạt (ảnh minh họa).

Đặc biệt, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện nay, nhiều chủ xe lắp đặt đèn sương mù dạng rời, thực hiện tại các gara sửa chữa, nhưng không biết kỹ thuật viên đấu công tắc tắt mở trực tiếp vào đèn pha. Chỉ khi đưa xe đi đăng kiểm, đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra hạng mục về đèn khi bật đèn sương mù, phát hiện đèn pha cũng bật cùng lúc, dẫn đến ô tô bị trượt đăng kiểm.

"Việc đèn sương mù đấu công tắc chung với đèn pha khi sử dụng rất nguy hiểm, đặc biệt khi lưu thông trong phố, trên các loại đường không phải đường cao tốc như đường làng, đường huyện, tỉnh lộ, quốc lộ…

Nguyên nhân là do ánh sáng phát ra đồng thời từ hai loại đèn này sẽ gây chói mắt, thậm chí gây ra tình trạng "mù tạm thời" với người tham gia giao thông khác, làm giảm khả năng quan sát, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông", lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm phân tích.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-to-do-den-suong-mu-the-nao-de-duoc-dang-kiem-192240515223440795.htm