'NƯỚC NGỌT ĐẦU BỜ'

Những ai từng sinh sống tại nội ô xã tỉnh lỵ Phú Vinh (nay là 4 phường trung tâm thành phố Trà Vinh) trước năm 1975 chắc hẳn khó quên nỗi ám ảnh chuyện nước ngọt phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong những tháng mùa khô, nước con sông Long Bình bị nhiễm mặn và những chuyến xe đẩy thô sơ hối hả ngược xuôi tuyến Tỉnh lộ 35 (nay là Quốc lộ 53) từ Hòa Thuận ra vào nội ô mang 'NƯỚC NGỌT ĐẦU BỜ', sau nâng cấp một chút thành 'NƯỚC NGỌT ĐẦU BỜ A' không chỉ là hình ảnh quen thuộc, mà đã trở thành 'cứu cánh' để duy trì cuộc sống bình thường, trước khi trời đổ những cơn mưa đầu mùa.

Nhớ lại, vào cuối thế kỳ XIX, đầu thế kỷ XX, người Pháp quy hoạch nội ô tỉnh lỵ Trà Vinh (khi ấy là xã Long Đức) với chừng chục ngàn dân, theo những tuyến đường nội thị có dạng bàn cờ, phủ bóng cây xanh trên con giồng đất cát, nay là địa bàn hai Phường 1 và 2. Sau năm 1954, nội ô tỉnh lỵ mở rộng về phía đông, nay là địa bàn hai Phường 3 và 4. Mãi đến ngày hòa bình, địa bàn các ấp Long Bình (nay là Phường 5), Tri Tân (nay là Phường 6), Mỹ Tiền (nay là Phường 7) vẫn là vùng ven, vùng nông thôn đúng nghĩa.

Hồi đó, do điều kiện chiến tranh và tiềm lực kinh tế địa phương còn hạn chế, thực dân Pháp, rồi sau này là chính quyền Sài Gòn chưa quan tâm đúng mức việc cung cấp nước ngọt, chưa nói tới nước sạch, cho người dân nội ô tỉnh lỵ. Cả thị xã chỉ có 02 giếng khoan tại khu vực sân vận động (vị trí nhà thi đấu đa năng hiện nay), rồi được bơm lên bồn chứa đặt cạnh khám lớn và miếu tử trận, trên đường Hàng me với dung tích vài chục thước khối. Năng lực cung cấp nước ngọt rất hạn chế, chỉ gói gọn cho các công sở cùng một số hộ khá giả chung quanh đài nước, bán kính chừng nửa cây số.

Cũng do điều kiện chiến tranh, cộng với tiến trình đô thị hóa bước đầu, xã tỉnh lỵ Phú Vinh đón nhận nhiều lượt người dân khó khăn từ các huyện nông thôn nhập cư về, cư trú chen chúc tại 04 khu phố nội ô ra các ấp ngoại ô tỉnh lỵ. Dân số tăng đột ngột lên gấp đôi, gấp ba mà năng lực cấp nước của chính quyền thì vẫn… y như cũ nên chuyện nước ngọt cho ăn uống, sinh hoạt ngày càng trở nên nan giải, tới mức ám ảnh người dân nội ô tỉnh lỵ. Mà bất cứ đâu trên trái đất này, nước ngọt luôn là nhu cầu bức thiết số một của đời sống tối thiểu con người (cả động vật, thực vật cũng vậy).

Mang danh là dân đô thị mà đa phần người dân nội ô Phú Vinh nhà nào cũng có vài ba đến cả chục mái đầm, kê thành hàng bên đầu hồi, chứa nước mưa dùng cho ăn uống một cách tiện tặn suốt mấy tháng mùa khô. Cư dân trên địa bàn phía tây tỉnh lỵ, từ Thanh Lệ qua Mỹ Tiền, Chùa Phướng, Tri Tân… là đất giồng cát thì chòm xóm lân cận nhau xuống cái giếng hộc xài chung, lấy nước tắm giặt hàng ngày. Khổ cho mấy trăm hộ chuyên nghề dịch vụ ăn uống, mua bán hàng tươi sống như thịt cá, rau cải… tại chợ Trà Vinh và cư dân địa bàn từ Long Bình qua xóm Cù lao, xóm Lò heo… vốn nền đất phù sa bãi bồi, đào xuống vài tấc đất, nước đã tanh mùi bùn, mùi phèn không thể nào xài được. Không còn cách nào khác, họ đành trông cậy vào dòng nước trên sông Long Bình, đúng nghĩa với câu “nước sông gạo chợ”. Nghề “gánh nước mướn” ở tỉnh lỵ Phú Vinh ra đời từ cuối thập niên 1950 mà “công cụ lao động” chỉ là chiếc đòn gánh, đôi thùng thiếc (mỗi thùng 20 lít) và sức lực của những người mẹ, người chị cần lao. Ngày hai buổi, cứ con nước dưới sông lớn đầy, thì hàng chục phụ nữ kĩu kịt đưa gánh nước ngọt vào chợ, vào từng xóm dân cư. Bao giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống dòng sông để đổi lấy từng đôi nước ngọt cho đời. Sức người có hạn, với đôi gánh hơn 40 ký trên vai, các mẹ, các chị chỉ có thể đi xa chừng trăm thước, dọc theo hai bên bờ con sông Long Bình. Rồi gió chướng ngày một mạnh thêm, rồi con nước thủy triều tháng Chạp đưa nước mặn từ Biển Đông xâm nhập sâu vào sông Long Bình, cho tới tháng Tư âm lịch năm sau…

Ông bà xưa từng tổng kết “hễ đói thì đầu gối phải bò”, mà đói nước ngọt còn nguy cấp bội phần so với đói cơm, đói gạo. Trời dứt mưa, nước dưới sông Long Bình trở mặn, thì người dân nội ô tỉnh lỵ Trà Vinh tìm lần ra nguồn nước ngọt ở các giếng hộc trên giồng Thanh Lệ, Mỹ Tiền, Chùa Phướng… Dù không có khảo nghiệm khoa học nào nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, không đâu nguồn nước ngọt dồi dào và chất lượng cho bằng trên giồng cát Đầu Bờ. Hồi đó, chưa có ấp Đầu Bờ mới chia tách như hiện nay, mà địa danh này là khu vực tiếp giáp ba ấp Kỳ La, Đa Cần, Bích Trì được coi là trung tâm của xã Hòa Thuận, nằm cách nội ô tỉnh lỵ hơn hai cây số, về phía đông. Chính nguồn nước ngọt đặc hữu Đầu Bờ đã làm nên những làng nghề khá nổi tiếng tồn tại và phát triển cả trăm năm qua như xóm trồng rẫy hàng bông (Bích Trì), xóm Hàng xáo (Kỳ La), xóm Lò bún, xóm Bánh phồng (Đa Cần), xa hơn một chút là xóm Rượu Xuân Thạnh…

Nước ngọt Đầu Bờ được lấy từ những giếng thơi trên địa phận ấp Bích Trì, phía dưới Ngã ba Đầu Bờ chừng 200 thước tới khu vực ngang với cổng rào chùa Giữa. Ban đầu, đây là những giếng mà đồng bào Khmer địa phương lấy nước tưới rẫy hàng bông, sau được vét sâu, mở rộng thành những giếng thơi đường kính chục, mười lăm thước, sâu bốn, năm thước, chung quanh là những cội đào lộn hột che kín, chuyên cấp nước ngọt đưa vào tiêu thụ trong nội ô tỉnh lỵ. Phương tiện vận chuyển là những chiếc thùng phuy sắt tráng kẽm 200 lít được đặt cố định theo chiều dọc trên chiếc xe đẩy tay. Thân thùng phuy có lớp sơn chống rỉ sét màu xanh hoặc đỏ và bao giờ cũng trang trọng dòng chữ “NƯỚC NGỌT ĐẦU BỜ” như sự khẳng định về chất lượng. Phía trên thân thùng phuy là miệng thùng được làm bằng thùng đạn đại liên cắt bỏ phần đáy để đổ nước vào thùng và khi đầy thì khóa chặt lại. Phía dưới cùng có vòi bằng đoạn tuýp sắt gắn với đoạn ruột xe đạp để chủ động lượng nước ra bằng cách mở hay bóp đoạn ruột xe lại. Để tăng thêm lượng nước cho mỗi chuyến vận chuyển, người ta dùng thanh gỗ làm thành cái sàn phía trước thùng phuy, giữa hai “gọng xe” và đặt lên đó 04 hoặc 06 thùng thiếc. Nghĩa là, về lý thuyết, mỗi chuyến xe có thể vận chuyển xấp xỉ 300 lít nước. Đến giữa thập niên 1960, nghề đẩy xe nước dần lấn át nghề gánh nước mướn trong nội ô tỉnh lỵ Trà Vinh. Một gia đình có hai lao động, tự sắm cho mình chiếc xe nước, mỗi ngày làm hơn chục chuyến cũng đủ lo chuyện cơm áo trong nhà. Còn những người nghèo khó hơn, không sắm nổi chiếc xe, hoặc chỉ tranh thủ thời gian nhàn rỗi, thì cũng không gì phải lo, bởi chủ giếng nước bao giờ cũng có vài chiếc để sẵn, mướn ngày hay mướn chuyến, tùy hỉ. Nghề nào cũng có những thuật ngữ chuyên dụng, nghề xe nước cũng vậy. Người đẩy xe “lấy nước” từ chủ giếng - lấy nhưng trả tiền; người đẩy xe “đổi nước” cho người tiêu dùng - đổi nhưng lấy tiền.

Hơn hai cây số đường từ Đầu Bờ về nội ô tỉnh lỵ Trà Vinh là đoạn đường huyết mạch, nối liền giao thông vận tải đến các huyện ven biển phía Nam, được người Pháp trải nhựa hồi đầu thế kỷ XX nhưng ít được duy tu, nâng cấp trong suốt nhiều thập niên, cộng thêm sự tàn phá của chiến tranh nên nhanh chóng bong tróc nhựa, lồi lõm đá. Mỗi xe nước thường sử dụng hai lao động, người trước khom lưng kéo, người sau cong lưng đẩy (khi vào tới trước nhà chợ hay đầu hẻm, một người giữ xe và người còn lại gánh từng đôi nước đến từng sạp hàng hoặc nhà dân). Hàng năm, cứ khoảng tháng Chạp âm lịch, rồi cao điểm là sau tết Nguyên đán, đội quân hơn trăm chiếc xe ấy, từ hừng đông cho đến tối mịt, hối hả đưa dòng nước ngọt từ Đầu Bờ vào nội ô tỉnh lỵ. Đường dằn xốc, nước trong thùng phuy óc ách, nước trong những thùng thiếc phía trước sóng sánh, sóng sánh tràn ra ngoài, hao hụt dọc đường là không tránh khỏi nhưng riết rồi xe cũng quen đường, dù trời nhá nhem tối, họ dẫn thuộc lòng để luồn lách sao cho xe nước giữ được thăng bằng tốt nhất. Nước ít rơi vãi nhất cũng chính là thu nhập của mỗi chuyến xe, của cả ngày tăng thêm được một chút. Như để bù lại, nước Đầu Bờ luôn có giá cao hơn “vài chục phân”, nghĩa là vài mươi phần trăm và chỉ dùng cho việc ăn uống, so với nước Chùa Phướng hay nước Thanh Lệ dùng trong tắm giặt. Những cụ già sành chuyện ăn uống, ngoài hàng mái đầm chứa nước mưa trong nhà vẫn có một mái dành riêng chứa nước Đầu Bờ, chỉ để thưởng thức bình trà ngon mỗi bình minh.

Đầu thập niên 1970, nghề xe nước cũng có bước “cơ giới hóa”. Vài chủ giếng nước sử dụng mô-tơ bơm thay vì dùng sức người gánh hoặc ròng rọc câu từng thùng nước từ giếng đổ vào xe. Đơn giản là vậy nhưng chất lượng nước được cải thiện đáng kể, nhìn nước cứ trong vắt, gần như không còn cặn bẩn. Để phân biệt, các chủ giếng thường ghi thêm chữ A - NƯỚC NGỌT ĐẦU BỜ A - và giá cả cũng thêm được vài phân. Cũng thời gian này, hai gia đình ông Tư Chịnh và ông Sáu Mót đã mạnh dạn cải tiến chiếc xe lam hoặc đầu tư xe tải loại nhỏ gắn bồn 5.000 lít, 10.000 lít và tất nhiên, dòng chữ NƯỚC NGỌT ĐẦU BỜ A cũng to hơn, dễ nhìn hơn. Tuy nhiên, những chiếc xe nước đẩy tay vẫn có lợi thế cạnh tranh, bởi vừa không tốn nhiên liệu lại có thể luồn lách vào sâu trong nhà chợ, trong từng con hẻm, dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn.

Đến cuối thập niên 1980, nhất là sau khi tỉnh Trà Vinh được tái lập (tháng 5/1992), chính quyền triển khai nhiều dự án xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống cấp nước ngọt (rồi nước sạch) cho người dân, từ thành thị tới nông thôn. Thị xã Trà Vinh (rồi thành phố Trà Vinh) không còn vật vã trong những cơn “khát nước” và những chiếc xe mang dòng chữ “NƯỚC NGỌT ĐẦU BỜ” không còn xuôi ngược trên đường.

Nghề đẩy xe nước dần lui vào miền ký vãng.

TRẦN DŨNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/nuoc-ngot-dau-bo-36605.html