Nước Mỹ khủng hoảng vì thiếu y tá

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và số ca nhiễm tăng cao do biến chủng mới, nhiều y tá tại xứ cờ hoa trở nên kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, theo New York Times.

Cyndy O'Brien, y tá hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Ocean Springs, thuộc hệ thống y tế Singing River (bang Mississippi, Mỹ), đã không thể tin vào mắt mình khi đến nơi làm.

Nhiều người bệnh nằm dài trên ô tô và thở hổn hển, trong khi 3 chiếc xe cấp cứu với bệnh nhân nặng đậu ngoài bãi đỗ xe. Phía sau cổng bệnh viện, hàng tá người chen lấn, cố gắng có được sự chú ý của y tá.

"Tình cảnh cứ như ở vùng chiến vậy. Chúng tôi bị quá tải bệnh nhân và không biết đưa họ vào đâu", bà nói với New York Times.

Tuy nhiên, sự quá tải này không phải do thiếu chỗ. Gần 30% trong số 500 giường bệnh của hệ thống Singing River không có người. Với 169 vị trí y tá không được đảm đương, quản lý bệnh viện phải giữ giường trống.

Tình trạng thiếu hụt y tá là vấn nạn lớn tại các bệnh viện. Đại dịch kéo dài hơn 1,5 năm ở Mỹ đang thử thách kỹ năng và thể lực của các y tá hơn bao giờ hết, khi hàng loạt bệnh nhân nặng làm quá tải phòng cấp cứu.

Dù thiếu hụt đồ bảo hộ cá nhân, các y tá vẫn kiên định với công việc. Họ thậm chí di chuyển tới các tâm dịch để làm tình nguyện viên. Hơn 1.200 y tá đã qua đời vì virus SARS-CoV-2.

Giờ đây, khi biến thể Delta lan rộng khắp nước Mỹ, các y tá dần suy kiệt và tổn thương tinh thần trầm trọng. Nhân sự ngành này lại thiếu hụt do nhiều người nghỉ hưu sớm hoặc đổi sang công việc bớt căng thẳng hơn như làm ở trường học, trại hè, phòng khám tư nhân.

"Chúng tôi kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thân", bà O'Brien nghẹn ngào chia sẻ.

 Bà Cyndy O'Brian, y tá cấp cứu, cảm thấy kiệt sức khi dịch bệnh kéo dài.

Bà Cyndy O'Brian, y tá cấp cứu, cảm thấy kiệt sức khi dịch bệnh kéo dài.

Quá tải bệnh nhân, thiếu người chăm sóc

Lee Bond, giám đốc điều hành Singing River, đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt y tá trong năm vừa qua. Hệ thống y tế công gặp khủng hoảng vì các y tá kiệt sức hoặc được mời làm cho các bệnh viện tư dồi dào tài chính.

Bang Mississippi chỉ có 1/3 dân số được tiêm chủng đầy đủ, nên ông Bond lo sợ rằng tình hình sẽ xấu đi trong thời gian tới khi trường học mở cửa trở lại và Thống đốc Tate Reeves từ chối ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang.

"Các y tá mệt mỏi, quá tải và cảm thấy không được trân trọng", ông Bond nói.

Trên khắp nước Mỹ, tình trạng thiếu nhân lực phức tạp hóa việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, dẫn đến thời gian chờ được cấp cứu lâu hơn và đội ngũ y tế khó chăm sóc người bệnh kỹ càng.

Tình trạng thiếu y tá, điều dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng các bộ phận khác của bệnh viện.

Khi không có y tá để chăm sóc những bệnh nhân nhẹ, phòng cấp cứu và hồi sức tích cực (ICU) không thể chuyển người bệnh ra ngoài, gây tắc nghẽn hệ thống.

20% các phòng ICU đạt 95% sức chứa, theo đánh giá của New York Times, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì chất lượng điều trị cho người bệnh nguy kịch.

"Khi bệnh viện thiếu nhân lực, nhiều người sẽ chết", Patricia Pittman, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Lực lượng Y tế tại Đại học George Washington, cho biết.

 Các bệnh nhân phải chờ rất lâu để được chữa trị do hệ thống y tế quá tải.

Các bệnh nhân phải chờ rất lâu để được chữa trị do hệ thống y tế quá tải.

Thống đốc bang Oregon (Mỹ) đã điều động 1.500 Vệ binh Quốc gia giúp đỡ bệnh viện thiếu nhân lực. Giới chức bang Florida (Mỹ) đang kêu gọi người dân "cân nhắc lựa chọn khác" trước khi gọi 911.

"Nếu bị trẹo cổ chân, bạn sẽ phải đợi đến lượt. Các y tá của chúng tôi đang cố gắng hết mình, nhưng họ cũng chỉ làm được tới vậy", Maureen Padilla, quản lý y tá tại hệ thống bệnh viện Harris Health, nơi có 400 vị trí còn trống, cho biết.

Hệ thống y tế khủng hoảng

Tại bang Mississippi, nơi có số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng gấp đôi trong 2 tuần vừa qua, các quan chức y tế cảnh báo rằng hệ thống bệnh viện công sắp sụp đổ.

Số y tá hiện tại ít hơn đầu năm 2.000 người, theo Hiệp hội Bệnh viện Mississippi. Các bang lân cũng cận gặp khủng hoảng tương tự và không thể nhận bệnh nhân chuyển ngang.

Trong bối cảnh khắp nơi thiếu y tá, nhiều cơ sở y tế có nguồn tài chính dồi dào đã đẩy mức lương cho ngành nghề này lên cao ngất ngưởng, khiến các bệnh viện công ngày càng cạn kiệt nhân lực trong khi quá tải bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện Cấp cứu Texas (Mỹ), hiện có 150 y tá và 50 vị trí trống, đã mất nhiều nhân viên dày dạn kinh nghiệm cho các nhà tuyển dụng đề nghị trả lương 140 USD/giờ cùng mức thưởng 20.000 USD. Trong khi đó, bệnh viện chỉ trả 43 USD/giờ cho các y tá, thêm 2 USD cho những người làm ca đêm.

"Đó là một mức lương không tưởng. Điều này cho thấy hệ thống y tế đã quá cạn kiệt nhân lực", Patti Foster, giám đốc điều hành của hệ thống, chia sẻ.

 Nhiều y tá bỏ nghề hoặc chuyển sang công việc có mức lương tốt hơn, khiến những bệnh viện công càng thêm thiếu hụt nhân lực.

Nhiều y tá bỏ nghề hoặc chuyển sang công việc có mức lương tốt hơn, khiến những bệnh viện công càng thêm thiếu hụt nhân lực.

Theo Cục Thống kê Lao động, có khoảng 3 triệu y tá tại Mỹ vào năm 2019 và sẽ thêm 176.000 vị trí mới mỗi năm. Tuy nhiên, dự kiến trên được đưa ra trước đại dịch.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng tình trạng bỏ việc sẽ tiếp tục khi đại dịch kéo dài và sự kiệt quệ gia tăng.

Khảo sát cho thấy các y tá ngày càng căng thẳng do nhiều yếu tố: gánh vác khối lượng công việc khổng lồ, dằn vặt lương tâm khi không thể chăm sóc bệnh nhân tốt nhất có thể, mất tinh thần trước khu cấp cứu quá tải do nhiều người không chịu tiêm chủng và tiếp nhận thông tin sai lệch.

Các y tá rất tức giận vì rất nhiều người Mỹ từ chối tiêm vaccine. "Họ cảm thấy bị phản bội và không được tôn trọng", giáo sư Peter Buerhaus, chuyên gia về lực lượng y tá, cho biết.

Việc tăng cường đội ngũ y tá không dễ dàng. Nước Mỹ đào tạo khoảng 170.000 y tá mỗi năm, nhưng 80.000 ứng viên đạt chuẩn bị từ chối vào năm 2019 vì thiếu nhân lực giảng dạy, theo Hiệp hội Trường Điều dưỡng Hoa Kỳ.

"Chúng tôi không thể đào tạo kịp số y tá cần thiết. Nhưng ngay cả sau khi tốt nghiệp, họ cũng chưa đủ kinh nghiệm để chăm sóc bệnh nhân ở mức độ hiện tại", bác sĩ Katie Boston-Leary, giám đốc chương trình đào tạo tại Hiệp hội Y tá Hoa Kỳ, cho biết.

Nhiều người Mỹ không chịu tiêm vaccine, khiến các bệnh viện quá tải bệnh nhân Covid-19.

Nhiều người Mỹ không chịu tiêm vaccine, khiến các bệnh viện quá tải bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện Cấp cứu Texas đang gặp khủng hoảng toàn diện. Họ phải điều trị bệnh nhân ở hành lang và kêu gọi người quản lý hệ thống đưa mẫu bệnh đến phòng xét nghiệm. Trong những ngày gần đây, 90% trường hợp nhập viện có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 20/8, Cassie Kavanaugh, y tá trưởng của mạng lưới bệnh viện, đối mặt thêm thách thức: 10 nhân viên đã mắc Covid-19. Cô không thể thuê đủ máy thở cho bệnh nhân của mình.

Nhiều bệnh nhân mới chỉ ở độ tuổi 30-40 nhưng gặp triệu chứng trầm trọng hơn so với những trường hợp cô gặp trong đợt bùng dịch trước.

Kavanaugh đang phải làm việc 60 giờ/tuần trong cả vai trò y tá lẫn quản lý. Cô đau đớn khi chứng kiến nhiều đồng nghiệp và người thân nhập viện. Nỗi khổ càng thêm nặng nề khi cô dừng chân ở cửa hàng tạp hóa và thấy hầu như không ai đeo khẩu trang.

“Tôi không biết mình có thể trụ được bao lâu nữa. Giờ tôi đã nhận ra: nếu mọi thứ cứ tiếp tục như hiện tại, chúng ta chắc chắn sẽ mất thêm người. Là một y tá, điều đó gần như quá sức chịu đựng với tôi”, cô đau xót nói.

Mai Hoàng

Ảnh: New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-my-khung-hoang-vi-thieu-y-ta-post1254193.html