Núi Xuân Đài, động Hồ Công và những bài thơ khắc trong hang núi

Trên mảnh đất xứ Thanh ít nơi nào có hình sông dáng núi hữu tình như Vĩnh Lộc. Nằm ở nơi sông Mã chảy qua, Vĩnh Lộc có tiềm năng về phát triển kinh tế du lịch với hơn 100 di tích - danh thắng, trong đó có hơn 40 di tích đã được xếp hạng. Ở mỗi địa chỉ ấy là rất nhiều câu chuyện lịch sử văn hóa, ghi dấu bao bước chân của các bậc tiền nhân.

Trên vách đá ngay bên phải cửa động vẫn còn 4 chữ “Sơn bất tại cao” của Nguyễn Nghiễm, thân sinh Đại thi hào Nguyễn Du.

Dạo bước trong không gian thoáng đãng ở xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc), nhấc từng bước chân lên núi Xuân Đài, ấn tượng của chúng ta là dãy núi có màu đặc trưng của đá, tưởng như được đẽo gọt kỳ công thành những hình vuông vắn rồi xếp chồng lên nhau. Theo sách “Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo, viết: “Núi ấy có nham thạch chồng chất, tầng lớp cao vọt như một ngọn lâu đài ôm lấy nhau tựa như chiếc thuyền”. Nơi đây theo các nhà khảo cổ học cũng là một trong địa chỉ công trường khai thác đá cổ, từng được vương triều Hồ sử dụng để khai thác đá xây kinh thành Tây Đô.

Đến nay núi Xuân Đài vẫn sừng sững và được ấp ôm xung quanh là khung cảnh vùng quê bình yên. Leo lên dãy núi Xuân Đài, tìm đến động Hồ Công, du khách phải đi trên những bậc đá dài khoảng 1km, hai bên là những mảng đá tai mèo sắc lẹm, nhưng chính sự chênh vênh ấy, tạo nên vẻ đẹp riêng có. Không phải ngẫu nhiên mà ngay giữa đường lên động có một phiến đá lớn cao quá đầu người, mặt trước được người xưa khắc nổi bốn chữ Hán rất lớn “thanh kỳ khả ái”. Đó là lời mà chúa Trịnh Sâm đã không thể không thốt lên trước cảnh hư hư thực thực ở đây.

Trên vách đá ngay bên phải cửa động vẫn còn 4 chữ “Sơn bất tại cao” của Nguyễn Nghiễm, thân sinh Đại thi hào Nguyễn Du.

Nếu núi Xuân Đài là tổng thể bức tranh thì động Hồ Công là trung tâm thu hút mọi ánh nhìn. Cái đẹp ấy đã được mệnh danh “Tam thập lục Nam thiên, Hồ Công đệ nhất” (trời Nam có 36 động, động Hồ Công đẹp nhất). Tương truyền, xưa có một vị thầy thuốc tên là Hồ Công. Vai đeo quả bầu nhỏ, ông thường ra chợ bán thuốc chữa bệnh, tối đến lại thu mình chui vào quả bầu để ngủ. Người ta thấy lạ hỏi: Quả bầu nhỏ thế mà sao ông vào ngủ được? Ông nói: Nhà ngươi có muốn chui vào thử xem thế nào không? Người ấy bằng lòng, ông liền hóa phép cho anh ta chui vào trong quả bầu thì thấy trong đó có đủ: trời, đất, trăng sao, nhà cửa... Người đó là Phí Trường Phòng, sau này khi biết mình đã được gặp bậc đại tiên đã xin theo học đạo rồi cũng đắc đạo thành tiên. Hai thầy trò ở trong động đá trên dãy núi Xuân Đài. Ngày nay, đến động Hồ Công chúng ta vẫn nhìn thấy hai pho tượng đá.

Vẻ đẹp của động đã được sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ lại có hang đá quanh co dài mười trượng, chỗ tận cùng có giếng đá sâu khôn cùng...”. Từ trong hang bước ra, nhìn xuống dưới là làng mạc, đồng ruộng, phóng tầm mắt ra xa thấy được núi Tiến sĩ, hình như một nhà nho áo mũ chỉnh tề đang ngồi đọc sách.

Có núi Xuân Đài, có động Hồ Công... là suối nguồn thi cảm để các bậc vua, chúa, tao nhân, mặc khách đến vãn cảnh và để lại bút tích trên các vách động.

Bài thơ chữ Hán sớm nhất do Thiên nam động chủ Lê Thánh tông sáng tác. Lý do được vua Lê Thánh tông đưa ra là: “Mùa xuân Nhâm Tý năm thứ 9, đời Hồng Đức, ta vào Lam Kinh chiêm yết lăng miếu, lúc trở về dừng thuyền bên dòng Lệ Giang (tức sông Mã). Nhân buổi gió êm nắng dịu, vua lên núi chơi động. Nhân lên cao trông xa, thấy mây bể mênh mông trong cảnh đời vất vả, ta cảm hứng làm bài thơ này khắc vào vách đá”. Đó là bài thơ “Đề Hồ Công động”:

“Thần gọt quỷ đẽo tạo nên dãy núi muôn trùng,

Thành nơi cửa cao nhà rộng giữa vũ trụ bao la.

Công danh trên đời đều là mộng cả,

Ngày tháng trong bầu nhàn nhã vô cùng.

Châu đem rơi xuống như rồng biến hóa ở đất Hoa Dương,

Ngọc trắng lạnh lẽo từ suối chảy từ cõi trời Bích lạc.

Ta muốn cưỡi gió lên tận đỉnh núi cao chót vót,

Để ngắm hết biển mây ở giữa bầu trời bao la”.

Sau đó, vua Lê Hiến tông trong một lần vãn cảnh nơi này cũng có bài “Ngự chế đề Hồ Công động”: “Cưỡi ngựa thong dong đến động trời/ Bám mây leo thẳng hỏi cửa tiên/ Trăng vui chơi ca hát sau miếu cổ/ Đất mở cửa sổ thông với thái cực/ Tùng quế tung hoành phân rõ cảnh tiên cảnh tục/ Non sông thu vào trong ngòi bút thi nhân/ Nghe đồn tiếng lạ nơi đây có tiên khách đã hóa cánh lông trong quả bầu tiên/ Mong được vận thái bình muôn vạn năm”.

Hơn 200 năm sau, dưới cái nhìn của một danh sĩ, Ngô Thời Sĩ đã cảm nhận vẻ đẹp của động Hồ Công qua bài thơ khi ông đi nhận chức Liêm án ở Thanh Hoa: “Năm 1743, phụng chỉ nhà vua làm chức Liêm án xứ Thanh Hoa. Nhân việc công rỗi rãi, lên núi nhân lúc cảm hứng làm một bài thơ đề ở vách đá viết rằng: Một quả bầu treo ở trên cao nơi phía đông rừng Thiền/ Nghe nói Hồ Công ngụ ở trong đó/ Chất thủy ngân đã tích tụ như thế nào mà tạo được những phiến thạch nhũ óng ánh như vậy/ Núi sông ngàn năm vẫn tự tại, động đá vẫn trống không như cũ/ Thánh nhân biến hóa không gì không làm được/ Trái đất sinh ra mất đi không biết đâu cho cùng/ Vũ trụ vốn theo sở thích của mình/ Lẽ nào còn cần phải đi khắp thế gian để xét hỏi thủa trời đất buổi hoang sơ”.

“Thanh kỳ khả ái”- lời cảm thán mang cảm hứng ngợi ca của chúa Trịnh Sâm trước cảnh sắc núi Xuân Đài, động Hồ Công.

Vào những năm 1750-1754, Nguyễn Nghiễm, thân phụ của Đại thi hào Nguyễn Du sau khi chinh phạt quân giặc Ai Lao, trở về thăm động đã làm bài thơ “Hồ ngọc động” khắc trên đá nhằm ca ngợi vẻ đẹp của động. Hiện nay trên vách đá ngay bên phải cửa động vẫn còn rất rõ 4 chữ “Sơn bất tại cao”. Nghĩa đầy đủ của 4 chữ Hán này là dựa vào câu “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh/ Giang bất tại thâm, hữu long tất ứng” (núi không cao mà có tiên tất linh thiêng/ sông không sâu mà có rồng tất ứng nghiệm).

Ông Cao Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Lộc cho biết thêm: Ngoài bút tích của vua Lê, chúa Trịnh, tại đây còn rất nhiều bài thơ bằng chữ Hán của các thi sĩ nổi tiếng như “Du Hồ Công động tự thuật chi nhất thủ” của Trịnh Quốc Hiền, “Trùng tu Xuân Đài sơn Hồ Công Động Du Anh tự” (Phùng Khắc Khoan)... Bài thơ để lại bút tích gần nhất là của Trần Đình Khuyến sáng tác vào năm Bảo Đại thứ 5 (1930) với tựa đề “Du Hồ Công động tức cảnh” và bài thơ của Nguyễn Dao (người Nam Định), sáng tác năm Quý Dậu (1933).

Phải hữu tình, phải phiêu bồng lắm thì động Hồ Công mới có đến cả chục bài thơ ngợi ca. Bên cạnh vẻ đẹp kỳ thú thì sắc màu lịch sử và huyền thoại đã góp phần khiến núi Vân Đài, động Hồ Công thêm “khả ái” dẫn dụ mọi người cùng vào chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian.

Về núi Xuân Đài, động Hồ Công hôm nay, hình sông dáng núi vẫn còn đó, khung cảnh nơi “Thanh kỳ khả ái” với những nét chữ khắc trên đá vẫn khiến chúng ta ngỡ ngàng, yêu thêm đất và người quê Thanh. Đặc biệt, chúng tôi còn được ông Trần Quảng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Khang cho biết thêm: “Động Hồ Công thời chiến tranh chống Pháp còn là nơi sản xuất và kho chứa súng đạn, vũ khí, quân lương, thuốc men của quân đội”.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/nui-xuan-dai-dong-ho-cong-nbsp-va-nhung-bai-tho-khac-trong-hang-nui/30512.htm