Nữ quân nhân đam mê sưu tầm hiện vật

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, Thiếu tá QNCN Phan Thị Thúy Nga, nhân viên Bảo tàng Quân khu 4 không nhớ hết mình đã đến bao nhiêu bản làng, gặp bao nhiêu nhân chứng lịch sử để mang về những kỷ vật, tư liệu, hình ảnh giá trị phục vụ trưng bày, giới thiệu khách đến tham quan, nghiên cứu. Khi nhắc đến hiện vật, hình ảnh nào chị cũng nhớ như in kỷ niệm về chuyến đi và những câu chuyện đầy xúc động gắn liền với các kỷ vật ấy.

Là phụ nữ, bên cạnh công việc cơ quan, chị còn phải thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ. Thế nhưng, mỗi khi có thông tin về các hình ảnh, kỷ vật có giá trị thì dù ở đâu chị cũng sẵn sàng cùng đồng đội đến tìm hiểu, nghiên cứu và thuyết phục người lưu giữ hiến tặng. Chị Nga chia sẻ: “Bảo tàng Quân khu 4 là nơi lưu giữ truyền thống hào hùng của quân và dân Khu 4 trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; là cầu nối công chúng với các giá trị lịch sử, văn hóa. Do vậy, là người làm công tác bảo tàng, chúng tôi luôn xác định rõ trách nhiệm của mình để tìm hiểu, sưu tầm được nhiều hơn những hình ảnh, hiện vật có giá trị, góp phần vào công tác lưu giữ và phát huy truyền thống vẻ vang của quân và dân Quân khu 4”.

 Thiếu tá QNCN Phan Thị Thúy Nga cùng đồng đội động viên cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nga, ở phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, nguyên chiến sĩ đặc công đã phá hủy máy bay Mỹ tại sân bay Udon (Thái Lan) năm 1972 hiến tặng hiện kỷ vật kháng chiến.

Thiếu tá QNCN Phan Thị Thúy Nga cùng đồng đội động viên cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nga, ở phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, nguyên chiến sĩ đặc công đã phá hủy máy bay Mỹ tại sân bay Udon (Thái Lan) năm 1972 hiến tặng hiện kỷ vật kháng chiến.

Nói là vậy nhưng để có những tư liệu, hình ảnh, kỷ vật đó thật không đơn giản chút nào. Chị và đồng đội đã vượt qua không biết bao khó khăn, gian khổ đến những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bất chấp mọi thời gian để tìm hiểu, thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng, xác định giá trị của hiện vật... Mỗi chuyến đi đều để lại cho chị những kỷ niệm đáng nhớ. Theo chị, khó khăn nhất là xác minh được ý nghĩa của hiện vật và thuyết phục những người lưu giữ hiện vật hiến tặng. Bởi, với họ những kỷ vật ấy rất đỗi thiêng liêng, trân trọng và đã gắn liền với họ biết bao kỷ niệm sâu sắc về những người thân yêu, về tình đồng đội và người dân nơi họ đã từng sống, chiến đấu mà trong đó chứa cả máu và nước mắt...

Ông Lê Văn Thống, quê ở xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là em trai của liệt sĩ Lê Văn Thể, nhập ngũ năm 1972, thuộc Trung đoàn 10, Sư đoàn 4, hy sinh năm 1974 tại Cần Thơ. Hơn 40 năm ông Thống nâng niu, giữ gìn bộ kỷ vật gồm 21 lá thư; 2 bức ảnh liệt sĩ gửi về cho gia đình; Giấy Chứng nhận của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội “Chứng nhận đồng chí Lê Văn Thể hoàn thành chương trình năm thứ 4, Khoa Ngữ Văn”; 1 cuốn sổ ghi chép viết bằng tiếng Nga; 1 cuốn sổ nhật ký ghi lại những kỷ niệm trong chiến trường của anh trai mình nhưng ông đã quyết định trao tặng Bảo tàng Quân khu 4.

“Mỗi kỷ vật đều có những câu chuyện riêng và được gia đình tôi nâng niu, giữ gìn như báu vật. Nhưng chúng tôi thấy chị Nga rất tâm huyết, trách nhiệm, nhiều lần lặn lội đến nhà tôi tìm hiểu, thuyết phục gia đình hiến tặng nên tôi quyết định tặng Bảo tàng Quân khu 4 để lưu giữ, bảo quản, trưng bày và giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ mai sau”, ông Thống xúc động nói.

Với Thiếu tá QNCN Phan Thị Thúy Nga, những lần được gặp gỡ, trò chuyện với các nhân chứng lịch sử, các cựu chiến binh, Mẹ Việt Nam anh hùng... và được nghe những câu chuyện xúc động của người lính trên chiến trường, về tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân trong gian khổ, ác liệt của cuộc chiến tranh, càng giúp chị thấu hiểu hơn những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước và cả nỗi đau mất chồng, mất con của những người vợ, người mẹ... Đó là những động lực tiếp thêm sức mạnh để chị thêm yêu nghề, gắn bó với công việc. Chị chia sẻ: “Được đi, được gặp các nhân chứng, trân quý những hy sinh thầm lặng mà to lớn của thế hệ đi trước, tôi càng muốn được cống hiến nhiều hơn, sưu tầm được nhiều kỷ vật mang giá trị lịch sử quý giá để từ đó góp phần tuyên truyền, tiếp thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay”.

 Đại diện gia đình liệt sĩ Lê Văn Thể trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Quân khu 4.

Đại diện gia đình liệt sĩ Lê Văn Thể trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Quân khu 4.

Khi đã có kỷ vật, để “thổi hồn” vào đó, chị lại phải dày công nghiên cứu, tìm hiểu, chắp nối những thông tin, những câu chuyện kể vốn không đầu, không đuôi, có khi còn không rõ thời gian, địa điểm của những người lưu giữ kỷ vật đó hàng chục năm trời nay tuổi đã cao, sức đã yếu, trí nhớ chỉ là tương đối, duy chỉ bản chất sự việc, tình đồng chí đồng đội, tình hậu phương và lòng yêu nước, chí căm thù giặc không hề phai nhạt...

Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, chị đã sưu tầm được gần 1.500 hình ảnh, hiện vật có giá trị; tham gia nghiên cứu, viết bổ sung và hoàn thiện 1.140 hồ sơ hiện vật để trưng bày phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia nghiên cứu, biên soạn, viết các tài liệu về kỷ vật kháng chiến, lãnh đạo Quân khu 4 qua các thời kỳ... Đặc biệt, chị đã tham gia và có hàng chục giải thưởng trong các cuộc thi như: Giải Nhì toàn quân Cuộc thi “Tìm hiểu mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”, “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Giải Ba Cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống “Công đoàn Quốc phòng 70 năm truyền thống vẻ vang” do Tổng cục Chính trị tổ chức; Giải Nhất cấp Quân khu, thi tìm hiểu truyền thống Phụ nữ Quân đội “70 năm chung nhịp bước quân hành”... Chị đã vinh dự được Tổng cục Chính trị, Bộ tư lệnh Quân khu 4, Cục Chính trị Quân khu 4 tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động công tác phụ nữ; liên tục nhiều năm liền là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bài, ảnh: HUY CƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nu-quan-nhan-dam-me-suu-tam-hien-vat-634154