Nữ cán bộ Công an xã, người con thân yêu của đồng bào S'tiêng
Trong 14 gương tiêu biểu tại chương trình giao lưu và tuyên dương các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức ngày 17/5, có Thượng úy Thị Kim Phượng, cán bộ Công an xã Lộc An, huyện Lộc Ninh.
Một ngày cuối tháng 5/2024, chúng tôi đến Công an xã Lộc An vào khoảng hơn 11 giờ trưa, thấy Thượng úy Thị Kim Phượng đang miệt mài rà soát làm sạch dữ liệu và lọc danh sách các trường hợp chưa làm định danh điện tử. Trung tá Nguyễn Xuân Phong, Trưởng Công an xã Lộc An cho biết, đồng chí Phượng là một hình mẫu cán bộ tận tụy, với tinh thần làm hết việc chứ không hết giờ.
Thượng úy Thị Kim Phượng (SN 1994) là người con của đồng bào S’tiêng, sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân năm 2018, Kim Phượng nhận quyết định phân công tác tại Đội An ninh, Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đến tháng 4/2020, thực hiện Đề án của Bộ Công an đưa Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã, Thị Kim Phượng được điều động về công tác tại xã biên giới Lộc An.
Mặc dù gặp không ít khó khăn tại cơ sở, nhưng với sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, Kim Phượng nhanh chóng làm quen địa bàn, nắm chắc tình hình an ninh, trật tự và giải quyết các công việc một cách phù hợp, hiệu quả.
Thượng úy Thị Kim Phượng cho biết, ban đầu khi được phân công về Công an xã, bản thân chị gặp không ít khó khăn như công việc đặc thù hơn, giải quyết nhiều lĩnh vực hơn, đi xuống địa bàn cơ sở, nhất là khi trời mưa to gió lớn đường giao thông nhiều nơi khó đi; nhận thức của người dân về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa cao, cho nên có những việc phải vừa làm vừa học; hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên mang trong lòng suy nghĩ mặc cảm, tự ti. Một số thủ tục hành chính cần các loại giấy tờ nhưng người đồng bào thiểu số không hiểu và cho rằng cơ quan Công an làm khó. Thượng úy Kim Phượng sử dụng tiếng người địa phương để giải thích cặn kẽ, có trường hợp phải phối hợp với trưởng ấp hoặc già làng để nói cho bà con hiểu.
Sau khi làm xong giấy tờ có kết quả, người dân mới hiểu quy định là như vậy chứ không phải Công an xã làm khó nên tự thấy phản ứng của mình là không đúng. Với sự kiên trì, nhỏ nhẹ, vui vẻ, gần gũi, thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật, đến nay bà con đã hiểu hơn và luôn đồng tình ủng hộ Công an xã. Một trong những điều để lại ấn tượng tốt đẹp với đồng bào là Kim Phượng luôn giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ để xua tan suy nghĩ mặc cảm, tự ti của bà con. Từ đó, tạo nên sự gần gũi, người dân mạnh dạn bày tỏ mong muốn của mình nên Công an xã cũng dễ hiểu được tâm tư của bà con. Tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa Công an và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những khó khăn, Thượng úy Thị Kim Phượng có được lợi thế là nơi đây có 46% người đồng bào dân tộc thiểu số nên Kim Phượng nói, nghe và hiểu được tiếng đồng bào. Từ đó, trong công tác tiếp dân, bản thân chị nhanh chóng hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Khi người dân đến làm thủ tục hành chính, bà con gặp được nữ cán bộ Công an là người đồng bào dân tộc mình thì rất phấn khởi, việc giao tiếp thuận lợi và dễ hiểu hơn, từ đó công việc cũng trôi chảy hơn. Bằng trách nhiệm và thái độ tận tình giải quyết công việc, phát huy tốt vai trò cá nhân, Thượng úy Thị Kim Phượng luôn được người dân tin tưởng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên các mặt công tác.
Chị Điểu Thị Yến Nhi ở ấp 1, xã Lộc An chia sẻ: “Kim Phượng là người hòa đồng, gần gũi, dễ tiếp xúc với đồng bào, tận tình hướng dẫn cho bà con làm các thủ tục có liên quan. Những việc đồng bào không hiểu thì chị nhiệt tình trợ giúp để bà con hiểu cặn kẽ. Ví dụ như khi đi làm căn cước công dân (CCCD), cán bộ Công an hay Mặt trận Tổ quốc là người Kinh giải thích nhưng có những từ người dân không hiểu, đến khi chị giải thích bằng tiếng đồng bào thì bà con mới hiểu rõ hơn. Tôi cũng lấy gương của Kim Phượng để dạy con cái cố gắng học tập để sau này cũng được giống như vậy”.
Được Ban Chỉ huy Công an xã giao phụ trách chính thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD, Kim Phượng hoàn thành tốt tiến độ, góp phần bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” lâu dài. Để đạt được điều này, chị tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn xã làm thủ tục cấp CCCD, đăng ký định danh điện tử. Đặc biệt, trong đợt cao điểm 90 ngày đêm triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 và Đề án 06/CP, Công an xã Lộc An đạt kết quả rất cao, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Kim Phượng.
Để đạt được tiến độ theo kế hoạch, Thượng úy Thị Kim Phượng có nhiều cách làm hay trong công tác điều tra cơ bản, rà soát, phân loại và thu thập tài liệu; tích cực tuyên truyền người dân làm CCCD, định danh điện tử. Trong đó, Kim Phượng cùng đồng đội trực tiếp đến nhà người dân để tuyên truyền những tiện ích của CCCD gắn chíp, hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID. Kết thúc đợt cao điểm đã nâng tổng số hồ sơ thu nhận CCCD của Công an xã đạt 97,5%; thu nhận hồ sơ định danh điện tử mức độ 2 vượt chỉ tiêu được giao. Các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư trong đợt cao điểm đảm bảo hoàn thành 100% theo đúng tiến độ.
Già làng Điểu PLô ở ấp 1, xã Lộc An cho biết: “Người dân ở đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên khi có Kim Phượng về đây rất tiện, nhiệt tình tuyên truyền trong lĩnh vực an ninh, trật tự, giao thông và tất cả các mặt giấy tờ làm CCCD, định danh điện tử… Kim Phượng vừa là người đồng bào dân tộc S’tiêng, vừa là người địa phương ở đây nên khi bà con cần thì chị giải thích cho bà con hiểu”.
Thượng úy Thị Kim Phượng cũng đã tham mưu Ban Chỉ huy Công an xã khai thác thông tin, dữ liệu công dân, nhất là dữ liệu phục vụ kết nối và chia sẻ trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm quản lý tốt địa bàn, đối tượng, phục vụ công tác xác minh, truy nã, truy tìm tội phạm. Chị còn tham mưu chỉ huy duy trì thực hiện, nhân rộng các mô hình đảm bảo an ninh, trật tự như: “Khu dân cư giữ gìn an ninh, trật tự - an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Camera an ninh”,... góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn xã biên giới.
Trung tá Nguyễn Xuân Phong, Trưởng Công an xã Lộc An cho biết: “Đồng chí Phượng là người được đào tạo bài bản từ Trường Đại học An ninh nhân dân. Khi về cơ sở, được phân công phụ trách mảng dữ liệu quốc gia về dân cư và tham mưu thực hiện các đề án như Sản xuất, cấp và quản lý CCCD, Đề án 06/CP, phụ trách địa bàn ấp 1, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu Ban Chỉ huy Công an xã trong công tác chuyên môn. Đồng chí Phượng nhanh chóng học hỏi, tiếp thu và có cách làm hay, sáng tạo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thể hiện tinh thần vì nhân dân phục vụ”.
Với những nỗ lực của mình, Thượng úy Thị Kim Phượng đã được lãnh đạo UBND huyện Lộc Ninh và Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước khen thưởng. Đồng thời, vinh dự là đại diện duy nhất của Công an tỉnh Bình Phước và là một trong 75 gương thanh niên Công an xã tiêu biểu đại diện cho lực lượng Công an xã chính quy trên cả nước được Bộ Công an tuyên dương “Thanh niên Công an xã xung kích lập công vì an ninh Tổ quốc” năm 2022 tổ chức tại Hà Nội ngày 24/3/2023.
Ông Điểu Sơn, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết: “Quá trình công tác tại Công an xã, đồng chí Phượng luôn là tấm gương mẫu mực, cán bộ đảng viên trẻ; là người bản địa, am hiểu tiếng nói cũng như các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc nên đã phát huy được năng lực. Đây là điều kiện rất thuận lợi để chúng tôi đào tạo, bồi dưỡng một cách tốt nhất để đồng chí Phượng phát huy hơn nữa trong thời gian tới”.