Nông thôn mới góp đà phát triển ở cửa ngõ Thủ đô

Với lợi thế là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, việc thúc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đang giúp huyện Đông Anh thay da đổi thịt từng ngày, tự tin chuẩn bị 'nâng cấp' lên thành quận.

Một trong những điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Đông Anh là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hàng hóa. Bởi, tuy hướng đến thành lập quận nhưng việc chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được cho là hướng đi thông minh giúp Đông Anh vừa hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, vừa xây dựng được đô thị hiện đại với nhiều không gian xanh. Và quan trọng hơn là thông qua những mô hình này sẽ giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông nghiệp gắn với đô thị sinh thái

Tiêu biểu như HTX Sông Hồng (xã Đại Mạch) đã lựa chọn phát triển bền vững để thích ứng nhu cầu thị trường. HTX xây dựng 1.500m2 nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ, hiệu quả kinh tế đạt 650 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, những năm gần đây, HTX còn mở rộng đầu tư công nghệ, máy móc sản xuất ống hút làm từ rau, củ, quả cung cấp cho thị trường nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Sản phẩm ống hút rau củ của HTX đã được đánh giá tiềm năng OCOP 5 sao với tính sáng tạo, độc đáo, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, có quy mô sản xuất lớn và được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Hay HTX dâu tây Vĩnh Ngọc (xã Vĩnh Ngọc) đang phát triển theo mô hình HTX kiểu mới và mang lại giá trị kinh tế, môi trường cao. HTX kết hợp trồng dâu tây, nho công nghệ cao gắn với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm. Điều này vừa tạo thu nhập, việc làm cho người dân địa phương, vừa giúp giải quyết bài toán tạo không gian xanh cho khách du lịch.

Với quy mô khoảng 5 ha, mỗi năm, HTX Vĩnh Ngọc thu hoạch khoảng 10 tấn nho và 5 tấn dâu tây, doanh thu gần 4 tỷ đồng. HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương, thu nhập 7-8 triệu đồng/người. Hoạt động của HTX đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Hiện, xã Vĩnh Ngọc cũng đã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao sau 8 năm đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đông Anh có 128 HTX hoạt động trong các lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều HTX đang giúp huyện hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn, cho năng suất, hiệu quả cao.

Cùng với phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, các HTX trên địa bàn huyện Đông Anh còn đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong xây dựng được nhãn hiệu tập thể. Hiện, huyện đang có 4 nhãn hiệu tập thể gồm: Gạo nếp cái hoa vàng xã Thụy Lâm; đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà; vùng sản xuất quất Tàm Xá; sản phẩm đậu làng Chài, xã Võng La.

Việc phát triển các vùng kinh tế hàng hóa gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp thông qua HTX thời gian qua đã giúp Đông Anh khẳng định giá trị nông sản, mở rộng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân và hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Như tại xã Cổ Loa, nhờ phát triển HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Cổ Loa, xã đã xây dựng được 3 sản phẩm OCOP 3 sao là hành lá, bí đỏ và lạc nhân, từ đó đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nâng cao đời sống tinh thần cho người dân

Không chỉ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, Đông Anh còn chú trọng đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân như đúng các nội dung mà chương trình nông thôn mới nâng cao hướng đến.

Tiêu biểu như tại xã Nam Hồng, hiện các tuyến đường liên thôn, liên xã đều đã được nhựa hóa hoặc đổ bê tông và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) theo quy định.

Một góc sân chơi thiếu nhi tại nhà văn hóa thôn Đìa, xã Nam Hồng.

Đường giao thông thôn xóm, đường điện, hệ thống chiếu sáng được đầu tư đồng bộ… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đi lại, phục vụ ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân. 5/5 thôn trong xã đều có sân chơi thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi được lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao hằng ngày.

Đến nay, xã Nam Hồng đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang trong tiến trình trở thành phường. Đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên, phát triển theo hướng văn minh đô thị nhưng vẫn giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất cách mạng.

Không chỉ tại xã Nam Hồng, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện Đông Anh hiện đều có hệ thống đường liên xã, đường trục thôn được nhựa hóa, bê tông hóa và bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn.

Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 100% số thôn đều có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi… Trong đó, việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa cũng đáp ứng tiêu chí "5 có" gồm: Có nhà văn hóa, có sân bóng đá, có công viên mini, có các điểm sinh hoạt cộng đồng, có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh. Tất cả những điều này nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.

Với sự cố gắng bền bỉ, đến nay, huyện đã tự chấm đạt và cơ bản đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới nâng cao với số điểm 99/100 điểm. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 73,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa là 153/155 (đạt 98,7%).

Đông Anh cũng có 96% số hộ đạt gia đình văn hóa; 88,17% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế cơ sở đạt và giữ vững danh hiệu chuẩn quốc gia; 100% thôn có nhà văn hóa, khu thể thao.

Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 84,1% (22/24 xã có nước sạch, huyện phấn đấu hết năm 2023 đạt 100% số xã có nước sạch).

Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, từ năm 2019, huyện không còn hộ nghèo và cũng không có hộ tái nghèo. Những kết quả này đang giúp Đông Anh đủ điều kiện lên quận. Sau khi thẩm định vào cuối tháng 10/2023, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng khẳng định Đông Anh đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ để báo cáo thành phố trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nâng cao hiệu quả HTX

Để có những kết quả trên, huyện Đông Anh đã triển khai rà soát quy hoạch các tiểu vùng nông nghiệp chuyên canh, quy mô lớn, hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, gắn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản phẩm chủ lực để cùng TP Hà Nội hoàn thành những kế hoạch trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ chuyên trách về nông thôn mới để hỗ trợ các xã trong quá trình triển khai các nội dung trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, huyện sớm xây dựng và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí hợp nhất trong đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường; xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Thời gian tới, Đông Anh xác định tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng kinh tế đô thị, nâng cao giá trị gia tăng, mang lại thu nhập cao cho người dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là tiền đề vững chắc để huyện trở thành quận giàu đẹp - văn minh - hiện đại, phát triển bền vững.

Theo đó, huyện tập trung phát triển các HTX nông nghiệp gắn với mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín. Để hỗ trợ các HTX, huyện sẽ tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực sản xuất, từng bước giúp người dân, HTX áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Đông Anh cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của HTX, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ để có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ ổn định…

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-thon-moi-gop-da-phat-trien-o-cua-ngo-thu-do-1096597.html