Nông nghiệp sạch, nông dân trách nhiệm

Xây dựng nền nông nghiệp sạch, cùng với hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò như 'bà đỡ', người nông dân cần chủ động và trách nhiệm để thay đổi, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Tại hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với nông dân Thủ đô năm 2024 diễn ra ngày 29-11 vừa qua, một vấn đề thu hút sự quan tâm là nông dân cần thực hiện sản xuất sạch, giảm thiểu phát thải ra môi trường. Thực hiện công việc quan trọng này, cùng với hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò như “bà đỡ”, người nông dân cần chủ động và trách nhiệm để thay đổi, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Thực tế thời gian qua, nông dân Thủ đô đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, nỗ lực áp dụng khoa học, kỹ thuật, cây con giống mới vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cung ứng cho người tiêu dùng. Việc này đã giúp hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, với năng suất và giá trị thu nhập cao, như: Sản xuất lúa chất lượng cao; sản xuất rau an toàn; trồng cam Canh, bưởi Diễn; chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa… Đáng chú ý, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với lợi thế và tiềm năng của Hà Nội, đến nay, thành phố đã có trên 2.700 sản phẩm.

Những sản phẩm nông sản, làng nghề của Thủ đô được sản xuất từ ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng quy trình sản xuất tốt đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, nền nông nghiệp sản xuất hiện đại với những nông sản đạt chất lượng, sạch, an toàn đã giúp gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

Với định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch và an toàn, bên cạnh đòi hỏi cập nhật các kiến thức khoa học, kỹ thuật tiên tiến, người nông dân cần có trách nhiệm với chính bản thân và xã hội trong từng phần việc làm ra sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Nhìn rộng ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội cùng bà con nông dân cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm…

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần lựa chọn phân khúc thị trường, lựa chọn những mô hình đặc thù riêng không đại trà, tạo điểm nhấn riêng của nông nghiệp Thủ đô. Thời gian tới, với những điểm mới trong Luật Thủ đô năm 2024, lĩnh vực nông nghiệp Hà Nội sẽ có cơ sở để quy hoạch sản xuất theo vùng, có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn.

Với vai trò chủ thể, người nông dân Thủ đô cần thay đổi nhận thức, tư duy mới để phát triển nền nông nghiệp Thủ đô trở thành nền nông nghiệp tri thức, nông nghiệp thông minh. Nói cách khác, làm sao để nông nghiệp Hà Nội phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái.

Đúng như lời chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với nông dân Thủ đô năm 2024 là: Định hướng của thành phố đến năm 2030, nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp sạch, từ đất, nước đến không khí... Hà Nội phải tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu nông sản và làng nghề Hà Nội. Nông dân phải biết “thổi hồn” vào sản phẩm, phải có câu chuyện cho sản phẩm nông sản và làng nghề. Các sản phẩm phải có chứng nhận và phải xây dựng được thương hiệu “Made in Hanoi”.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nong-nghiep-sach-nong-dan-trach-nhiem-686092.html