Nông nghiệp đô thị có bước chuyển biến tích cực

Bằng những chủ trương, chính sách cụ thể và sát thực về phát triển nông nghiệp, nổi bật là Đề án phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2020, thời gian qua lĩnh vực này của thành phố Đông Hà đã bước đầu có bước chuyển biến tích cực. Phát triển nông nghiệp đô thị đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, thay đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi để tạo ra nhiều sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Trồng rau sạch ở phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà. Ảnh: HN

Kết quả nổi bật trong phát triển nông nghiệp đô thị của Đông Hà là đã xây dựng được một số vùng chuyên canh rau sạch, hoa, cây cảnh như vùng trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận với diện tích 5 ha ở Khu phố 3 và Khu phố 8, phường Đông Thanh; các mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới với diện tích khoảng 500m2 ở phường Đông Giang; các mô hình trồng hoa, cây cảnh trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăm sóc, tập trung ở phường Đông Giang, Đông Thanh với tổng diện tích khoảng 8,5 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường từ 30.000 - 40.000 chậu… Về nuôi trồng thủy sản, Đông Hà hiện có 66 ha nuôi tôm nước lợ, sản lượng trung bình hằng năm đạt trên 250 tấn, trong đó có 2 mô hình nuôi tôm theo phương pháp 2 giai đoạn; có tổng diện tích nuôi cá nước ngọt trên 60 ha. Bên cạnh đó, Đông Hà phát triển mạnh chăn nuôi dê, bò, gà, thỏ và nuôi heo theo hướng công nghiệp; trồng cây dược liệu, thanh long ruột đỏ, ổi lê Đài Loan cùng các mô hình nông lâm kết hợp ở Phường 3, Phường 4, phường Đông Lương…

Đối với lúa, đến năm 2019, diện tích canh tác của Đông Hà ước giảm còn 1.000 ha. Ngoài diện tích trồng lúa chất lượng cao chiếm 88%, Đông Hà có 2 mô hình cánh đồng lớn ở Hợp tác xã Phú Lễ và Hợp tác xã Trung Chỉ với diện tích tối thiểu 20 ha, áp dụng 1 loại giống, 1 quy trình sản xuất mang lại hiệu quả trên nhiều mặt với năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha, lợi nhuận tăng 10% so với phương pháp canh tác thông thường. Có các mô hình trồng lúa hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các loại giống như Thiên Ưu 8, LDA1, HN6 được triển khai ở nhiều hợp tác xã, sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp thu mua tại chỗ cũng tạo ra giá trị kinh tế cao hơn cho nông dân trong điều kiện diện tích trồng lúa hằng năm bị thu hẹp…

Phát triển nông nghiệp đô thị đã tạo ra bước đổi thay cơ bản trong tư duy sản xuất của nông dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Hoa, một người trồng rau sạch ở Khu phố 8, phường Đông Thanh chia sẻ: “Trước đây nông dân ở đây trồng rau theo kiểu truyền thống do vậy chất lượng không cao, không an toàn và có giá trị kinh tế thấp. Khi hợp tác xã triển khai trồng rau sạch thì người dân rất tích cực tham gia vì sản phẩm này mang lại lợi ích trên nhiều mặt và quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân và môi trường sinh thái”.

Ông Lê Chí Hồng, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đông Hà cho biết: “Phát triển nông nghiệp đô thị của địa phương bước đầu đạt được kết quả tích cực. Một số sản phẩm nông sản đã đáp ứng tốt thị hiếu của người tiêu dùng trên địa bàn về mẫu mã, tính an toàn, sạch, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đơn cử như sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Thanh được nhiều người tiêu dùng biết đến qua các kênh phân phối hay như hoa của làng hoa An Lạc, phường Đông Giang là sản phẩm không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của rất nhiều gia đình”.

Để thúc đẩy nông nghiệp đô thị phát triển, thành phố Đông Hà đã quan tâm bố trí nhiều nguồn lực. Từ năm 2017 đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho hạ tầng phục vụ sản xuất là gần 13,1 tỉ đồng; kinh phí đầu tư thực hiện các chính sách hỗ trợ về giống cây con, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, xây dựng các mô hình gần 2,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 vùng trồng hoa tập trung phường Đông Giang với diện tích trên 7 ha; xây dựng quy hoạch chi tiết mở rộng vùng nuôi tôm của Hợp tác xã Đông Giang 2 để đầu tư hạ tầng tiến đến nuôi tôm theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch chi tiết vùng nuôi cá nước ngọt 3 ha ở Khe Lấp, Phường 3…

Phát triển nông nghiệp đô thị ở thành phố Đông Hà vẫn có một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, đó là sự đồng thuận, quyết tâm trong thực hiện của một bộ phận người dân còn chưa cao, nhất là trong việc chủ động tìm hiểu, thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn trong sản xuất. Các mô hình sản xuất nông nghiệp mới nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ. Hạ tầng phục vụ nuôi tôm nước lợ còn hạn chế và nghề nuôi tôm vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch, có thương hiệu vẫn gặp phải không ít rào cản do quy mô thị trường nhỏ hẹp và thói quen của người tiêu dùng…

Phát triển nông nghiệp đô thị sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là thiếu đất sản xuất; tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông sản; bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng; góp phần giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm môi trường và cải thiện cảnh quan đô thị. Do vậy, thời gian tới thành phố Đông Hà tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của người dân. Tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất; hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, quy trình sản xuất nông sản an toàn cho nông dân. Quan tâm xây dựng chuỗi giá trị, kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Huy Quân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144594