Nông dân ĐBSCL trắng đêm lo vỡ đê

Hàng trăm ngàn ha lúa ở ĐBSCL có thể mất trắng bất cứ lúc nào vì vỡ đê

Mực nước vùng hạ lưu sông Cửu Long đang rất cao và sẽ tiếp tục lên nhanh trong vài ngày tới trong khi hệ thống đê bao khu vực này khá yếu khiến người dân đứng ngồi không yên.

Cắt lúa non chạy lũ

Vừa thu hoạch xong 1,5 ha lúa hè thu muộn, anh Danh Sóc ngụ xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang thở phào nhẹ nhõm vì hết lo vỡ đê hay nước lũ tràn vào ruộng. Tuy nhiên, do lúa bị ngã đổ nên chỉ bán được 4.000 - 4.900 đồng/kg. "Mưa lũ dồn dập khiến lúa bị đổ và ngập nước, chúng tôi phải chi rất nhiều tiền để bơm nước chống ngập, gia cố bờ đê mới thu hoạch trọn vẹn được 1,5 ha" - anh Sóc cho biết.

Đê bảo vệ lúa ở huyện Giang Thành và Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang mong manh trước lũ

Vợ chồng anh Nguyễn Hùng Cường ngụ ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết vừa thu hoạch hơn 1 ha lúa non chạy lũ do sợ bị vỡ đê bao tại khu vực giáp ranh với cánh đồng Campuchia. "Hiện giờ nước lũ ở ngoài đê cao hơn trong đê khoảng 60-70 cm, nhiều người tranh thủ cắt lúa non để bán chứ không dám chờ lúa chín. Lúa non bán 2.000 đồng/kg vẫn hơn để lúa trên đồng, lỡ vỡ đê là mất trắng hết" - anh Cường lo lắng. Ông Lý Văn Biết cũng ngụ ở ấp Vĩnh Cầu cho biết đang lo sốt vó vì còn 1,5 ha lúa ngoài đồng, 1 tuần nữa mới thu hoạch theo thỏa thuận với thương lái. Theo ông Biết, ông đã nhận đặt cọc bán lúa giá 5.100 đồng/kg nên không thể cắt lúa non trong khi nước lũ mấp mé bờ đê nên đang lo đến mất ăn mất ngủ.

Tập trung ứng phó

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 40.000 ha lúa bị ngập úng hoặc đổ ngã do ảnh hưởng mua bão. Ông Nguyễn Huỳnh Trung, phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết do nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về khá mạnh trong khi hệ thống đê bao không bảo đảm an toàn, các ngành chức năng cùng những địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng lũ đang tập trung gia cố đê bao bảo vệ cho hơn 170.000 ha lúa hè thu muộn và thu đông, đặc biệt tại các huyện thuộc Tứ giác Long Xuyên như Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương và vùng Tây sông Hậu thuộc các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng và Gò Quao. "Đoàn công tác của UBND tỉnh Kiên Giang đã đi khảo sát tình hình lũ cũng như hệ thống đê bao tại các huyện thuộc Tứ giác Long Xuyên. Các đơn vị chức năng cùng với chính quyền địa phương thực hiện ngay việc gia cố những đoạn đê xung yếu vì có thể xảy ra sự cố đáng tiếc bất cứ lúc nào. Tất cả đều chủ động ứng phó để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh" - ông Trung cho hay.

Tại tỉnh An Giang đến thời điểm hiện tại đã có gần 900 ha lúa thu đông bị thiệt hại do mưa giông, tập trung chủ yếu ở vùng đê bao của thị xã Tân Châu. Tại huyện Tri Tôn cũng có gần 900 ha lúa bị thiệt hại do mưa lũ. Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết hiện khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô mực nước lên chậm, trên kênh Tri Tôn lên nhanh. Đến ngày 15-9, mực nước cao nhất ngày tại Xuân Tô có khả năng ở mức 3,9 m, tại Tri Tôn lên mức 2,7 m; trên các tuyến kênh, rạch khác trong nội đồng Tứ giác Long Xuyên (phía hạ lưu đập Tha La, Trà Sư) sẽ lên nhanh trong những ngày tới. Cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt cấp 1. Mực nước cao nhất ngày trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới khả năng ở mức 3,2 m; trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức 2,65 m; cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt cấp 3.

Trước diễn biến trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương tập trung các giải pháp để chủ động ứng phó với lũ lớn. Liên quan đến sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo chủ động kế hoạch hiệp đồng, hỗ trợ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" để hỗ trợ nông dân thu hoạch sớm diện tích lúa hè thu 2018 đã chín, nhất là các khu vực trũng thấp, không có đê bao, bờ bao bảo vệ. Đồng thời, tập trung bảo vệ diện tích xuống giống vụ thu đông năm 2018; thực hiện các giải pháp bảo vệ các lồng bè, ao nuôi thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất do lũ gây ra. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, bờ bao, cống bọng dưới đê; tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu.

Bài và ảnh: Thốt Nốt

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/nong-dan-dbscl-trang-dem-lo-vo-de-20180907213510462.htm