Nỗi lo cho tương lai
Đại dịch Covid-19 thu hút sự quan tâm của người dân thế giới, làm ảnh hưởng tới một vấn đề khác cũng rất đáng lo ngại là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Thiên tai và thiệt hại trong năm 2020 là lời cảnh báo đanh thép nếu con người tiếp tục không có những hành động quyết liệt.
Đại dịch Covid-19 thu hút sự quan tâm của người dân thế giới, làm ảnh hưởng tới một vấn đề khác cũng rất đáng lo ngại là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Thiên tai và thiệt hại trong năm 2020 là lời cảnh báo đanh thép nếu con người tiếp tục không có những hành động quyết liệt.
Dịch bệnh đã buộc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự kiến diễn ra vào tháng 11-2020 tại Xcốt-len (Anh), phải dời thời điểm tổ chức sang năm 2021. Sự kiện quan trọng này được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt trong phong trào chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nơi các nước cùng nhau đưa ra những cam kết mới mạnh mẽ hơn về cắt giảm khí thải, cập nhật từ lần cam kết đầu tiên vào năm 2015.
COP26 bị hoãn cũng dẫn tới việc nhiều quốc gia thay vì đệ trình cam kết tự nguyện đóng góp cắt giảm khí thải nhà kính mới theo đúng kế hoạch vào cuối năm 2020, đã trì hoãn sang năm 2021. Khủng hoảng kép về y tế và kinh tế trong năm 2020 khiến những nước này phải gác lại cam kết về chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng ghi nhận không ít động thái tích cực từ nhiều nền kinh tế lớn, như Liên hiệp châu Âu (EU) đưa ra mục tiêu tới năm 2030 cắt giảm 55% lượng khí thải; Anh vào năm 2030 sẽ cắt giảm 68% khí thải so mức năm 1990.
Thế giới cần nhìn nhận những cảnh báo khoa học với thái độ nghiêm túc hơn, khi tình trạng ấm lên toàn cầu đã dẫn đến nhiều thiên tai nghiêm trọng. Theo báo cáo của Tổ chức Christian Aid, thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu trong năm 2020 đã khiến ít nhất 3.500 người chết và hơn 13,5 triệu người mất nhà ở. Cháy rừng lan rộng ở Mỹ, Ô-xtrây-li-a và khu vực A-ma-dôn; các tảng băng ở hai cực Trái đất tan chảy ngày càng nhanh làm tăng mực nước biển. Khu vực Đại Tây Dương hứng chịu tới 30 cơn bão, con số lớn nhất trong lịch sử, gây thiệt hại 41 tỷ USD và khiến ít nhất 400 người chết. Theo Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, châu Á - Thái Bình Dương phải trải qua hơn 20 thảm họa tự nhiên, số lượng kỷ lục trong 20 năm qua.
Các nhà khoa học nhận định, nếu tiếp tục không có hành động quyết liệt, thế giới sẽ đối mặt tần suất xảy ra thảm họa tự nhiên ngày càng dày đặc và khắc nghiệt, thậm chí vượt quá tầm kiểm soát và ứng phó của con người. Để đạt mục tiêu hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2oC và hướng đến giới hạn mức tăng này ở 1,5oC vào cuối thế kỷ 21, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thế giới cần cắt giảm khí thải nhà kính 7,6% mỗi năm trong 10 năm tiếp theo. Dịch Covid-19 “vô tình” giúp thế giới đạt chỉ tiêu giảm khoảng 7% khí phát thải trong năm 2020 so năm 2019. Tuy nhiên, Liên hợp quốc lo ngại, nhu cầu cao về nhiên liệu hóa thạch của các quốc gia để thúc đẩy phục hồi sẽ khiến lượng khí thải tăng nhanh trở lại trong những năm tới.
Một trong những phương án triển vọng được đưa ra là kinh tế xanh, gồm các biện pháp như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ không phát thải, giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, đóng cửa các nhà máy than đá, đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiên nhiên như trồng rừng và bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, cần những thay đổi lớn hơn từ lối sống, cách sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và công nghệ.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ còn rất dài và cần sự nỗ lực, đồng thuận từ cộng đồng quốc tế. Những thiệt hại trong năm 2020 như lời cảnh báo về khí hậu nếu nhân loại tiếp tục từ chối hành động. Tạp chí y khoa chuyên ngành Lancet đã chỉ ra mối liên quan giữa các căn bệnh truyền nhiễm như Covid-19 và biến đổi khí hậu, cùng những tác nhân thúc đẩy như đô thị hóa, canh tác nông nghiệp có xu hướng xâm phạm vào môi trường sống hoang dã, tạo điều kiện để các mầm bệnh chuyển từ động vật sang người thường xuyên và dễ dàng hơn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, thúc đẩy những hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu, bởi bảo vệ khí hậu là trách nhiệm đối với thế hệ tương lai.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/noi-lo-cho-tuong-lai-632033/