Nỗi ám ảnh mang tên 'là ngực'
Cột mốc tròn 10 tuổi có thể là thời điểm đáng nhớ với nhiều người. Còn với Elizabeth John, năm nay 27 tuổi, người gốc Cameroon lớn lên ở bang Cross River (Nigeria), đó lại là nỗi sợ hãi. Một ngày sau sinh nhật lần thứ 10 của cô, 3 người phụ nữ lớn tuổi đã giữ chặt chân Elizabeth để mẹ cô ấn một hòn đá nóng vào bộ ngực đang phát triển của cô. Không ai dừng tay mặc cho cô bé Elizabeth hét lên vì đau đớn.
Nỗi ám ảnh khó phai
Theo Tổ chức Y tế châu Phi (AHO), một số cộng đồng ở Tây Phi tin rằng, việc là ngực sẽ khiến các cô gái trở nên kém hấp dẫn hơn, nhờ đó có thể bảo vệ họ khỏi việc bị quấy rối tình dục, hiếp dâm, hay tảo hôn.
Tuy nhiên, các tổ chức y tế và nhóm bảo vệ nhân quyền cho biết, đây là một hình thức cắt xẻo cơ thể gây hại đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ, góp phần làm tăng tỷ lệ bỏ học ở những bé gái phải trải qua hủ tục này.
Liên hợp quốc cho biết, hủ tục là ngực ảnh hưởng đến khoảng 3,8 triệu phụ nữ ở châu Phi và là 1 trong 5 tội ác ít được báo cáo nhất liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Theo dữ liệu từ tạp chí quốc tế "Annals of Medical Research and Practice", khoảng 25%-50% trẻ em gái ở các quốc gia như Cameroon và một số vùng của Nigeria bị ảnh hưởng bởi tập tục này.
Các quan chức của Liên hợp quốc cho rằng, việc làm này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các bé gái, tăng nguy cơ bị ung thư, khiến hai bên ngực phát triển không cân đối, không thể có sữa cho con bú. Nhiều người từng trải qua hủ tục này đã phải sống trong đau đớn suốt nhiều năm sau khi bị là ngực.
Năm 2021, khi Elizabeth John sắp sinh con, một bác sĩ giải thích rằng việc là ngực đã làm hỏng tuyến vú của cô, khiến việc cho con bú trở nên khó khăn và gợi ý một thủ thuật y tế có thể giúp cô.
"Sau khi bác sĩ nói với tôi rằng, việc là ngực có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh nở, vợ chồng tôi không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị, với chi phí là 5.700 USD. Tôi thất nghiệp, còn chồng tôi làm nghề nội thất", cô than thở.
Sau khi sinh con, Elizabeth đã phải vật lộn để cho con bú đúng cách. Bác sĩ khuyên cô nên dùng sữa công thức nhưng vợ chồng Elizabeth không đủ khả năng chi trả. Họ đã mất con khi bé được 4 tháng tuổi. Từ khi chồng cô mất việc vào năm ngoái, họ đã rất khó khăn để có tiền mua thức ăn, thường xuyên phải đi ăn xin. "Tôi không biết khi nào cơn đau sẽ dừng lại", Elizabeth nói.
Ushakuma Michael Amineka, bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện giảng dạy Benue State và là Phó Chủ tịch thứ hai của Hiệp hội Y khoa Nigeria, giải thích rằng việc là ngực có thể để lại những tác động lâu dài. "Hệ quả có thể bao gồm khó khăn trong việc tiết sữa vì nó có thể phá hủy mô vú và dẫn đến nhiễm trùng, gây đau đớn lâu dài và giảm lượng sữa mẹ", ông nói.
Cuộc đấu tranh chưa có hồi kết
Đối với Elizabeth John, những ảnh hưởng về sức khỏe của việc là ngực đã gây ra cho cô nhiều năm đau đớn. Hiện tại, Elizabeth sống ở Gbagyi, một cộng đồng thổ dân ở Thủ đô Abuja của Nigeria. Mỗi ngày trôi qua đều là một lời nhắc nhở về chấn thương thời thơ ấu của cô.
Elizabeth quyết tâm chấm dứt việc thực hành này trong chính gia đình mình. "Các con gái tôi sẽ không bao giờ phải chịu đựng nỗi đau mà tôi đã phải chịu đựng", cô nói.
Khi Elizabeth cố gắng cảnh báo các bà mẹ về những rủi ro sức khỏe của việc là ngực từ những trải nghiệm của chính mình, họ không tin cô và nghĩ rằng cô muốn khuyến khích sự gần gũi giữa hai giới.
Việc ngăn chặn hủ tục này rất khó khăn bởi nó đã ăn sâu vào quan niệm của nhiều người dân nơi đây. Họ không cho rằng đây là một hành vi bạo lực, thậm chí còn cho rằng phương pháp này là tốt cho bản thân các bé gái.
Một phụ nữ tên Roseline Desmond cho biết: "Trong cộng đồng này, một số nữ hộ sinh thậm chí còn thực hiện việc là ngực như một nguồn thu nhập, tương tự như việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Sau khi được giáo dục về tác hại của nó, tôi và một số phụ nữ khác đã ngừng việc thực hành này trong cộng đồng".
Là ngực được coi là hành vi vi phạm quyền con người, quyền trẻ em. Vấn đề này đã được nêu trong các điều ước quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Hiến chương châu Phi về quyền và phúc lợi của trẻ em.
Ở Nigeria, các tập tục như cắt bộ phận sinh dục nữ, là ngực, hôn nhân cưỡng bức đều là các hành vi vi phạm Đạo luật Chống bạo lực đối với cá nhân (VAPP). Đạo luật VAPP quy định: "Một người thực hiện các tập tục truyền thống có hại đối với người khác sẽ phạm tội và khi bị kết án sẽ phải chịu án tù 4 năm hoặc bị phạt tiền không quá 500.000 N (tương đương 300 USD) hoặc cả hai hình thức phạt nêu trên".
Olanike Timipa-Uge là Giám đốc điều hành của Teenage Network, một tổ chức phi lợi nhuận do những người theo chủ nghĩa nữ quyền điều hành. Tổ chức này tạo điều kiện tiếp cận giáo dục và sức khỏe cho thanh thiếu niên và hợp tác với Action Aid Nigeria để chống lại các tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Teenage Network đã tiếp cận các trẻ em gái vị thành niên để tuyên truyền về hậu quả của việc là ngực đối với tương lai của các em. Teenage Network đã nhiều lần gửi thư tới Bộ Phụ nữ liên bang kêu gọi bãi bỏ tập tục có hại này nhưng không nhận được phản hồi.
Nguồn: Al Jazeera
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/noi-am-anh-mang-ten-la-nguc-20240813175131423.htm