Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo

Nhiệm kỳ 2015-2020, trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo (GD&ĐT) chung, ngành giáo dục Hà Nam đã chủ động xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho phát triển sự nghiệp GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ…

Một tiết học của cô và trò Trường THPT B Kim Bảng.

Nhiệm kỳ của chất lượng và hiệu quả

Trong hàng loạt các chỉ tiêu được xây dựng, chỉ tiêu về quy hoạch trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường giáo dục mũi nhọn, phát triển nguồn nhân lực được ngành giáo dục ưu tiên tập trung thực hiện. Trong nhiệm kỳ này, hệ thống trường lớp đã bố trí, sắp xếp, xây dựng theo yêu cầu của Quy hoạch phát triển GD&ĐT Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đó, hệ thống trường lớp được quy hoạch bảo đảm tính lâu dài, bố trí hợp lý đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 121 trường mầm non, 119 trường tiểu học, 117 trường THCS, 24 trường THPT công lập, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp cấp tỉnh, 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 116 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; cùng hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đứng chân trên địa bàn.

Những năm qua, để giúp các cơ sở giáo dục có điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh và tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tạo cơ chế xây dựng, đẩy nhanh tiến độ, bàn giao cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Toàn ngành hiện có 5.990 phòng học các cấp, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt gần 96,5%. Tổng kinh phí xây mới và sửa chữa các hạng mục công trình trong các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh trung bình mỗi năm lên tới hàng chục tỉ đồng.

Sự quan tâm đầu tư này có giá trị rất lớn, giúp toàn ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Tính đến thời điểm 01/12/2019, tổng số trường công lập thuộc tỉnh đạt chuẩn quốc gia là 362 trường (đạt 97,05%), trong đó có tới 115 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Cũng trong nhiệm kỳ này, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp, kết quả thi học sinh giỏi… cũng ghi được nhiều dấu ấn. Nếu như năm 2015, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh mới đạt 95,58%; năm 2016, điểm trung bình tất cả các môn thi xếp thứ 5/63 tỉnh, thành cả nước và tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 96,14%; năm 2017, điểm trung bình các môn thi xếp thứ 4/63 tỉnh, thành cả nước, tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,85% thì đến các năm 2018, 2019 điểm trung bình các môn thi của tỉnh ta đã vươn lên xếp thứ nhất và thứ nhì toàn quốc, với tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt tới trên 99,17%. Liên tiếp từ năm 2016 đến 2019, Hà Nam đứng top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia. Chất lượng giáo dục của tỉnh ta được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa khi đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi khu vực, quốc tế và các kỳ thi chọn học sinh giỏi. Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2018-2019, Hà Nam có 184 giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, trong năm 2019, từ giáo dục mũi nhọn đã giúp tỉnh có được 1 Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế, 1 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen của Ban tổ chức Olympic Vật lý châu Á.

Chất lượng đội ngũ vẫn được đặt lên hàng đầu

Những năm qua, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành giáo dục xác định yếu tố con người, đội ngũ vẫn là yếu tố quan trọng nhất làm nên chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ giáo dục. Theo đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh và phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố tuyển dụng giáo viên các cấp bảo đảm công khai, khách quan, công bằng, chú trọng chất lượng trên cơ sở đánh giá năng lực thực tế của người dự tuyển, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong 2 năm 2016 và 2017, Hà Nam đã tổ chức hai kỳ thi tuyển giáo viên và tuyển dụng được 2.488 giáo viên các cấp học, góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên tương đối đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ tốt.

Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn các cơ sở giáo dục làm tốt công tác rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ, phân công lao động đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo đúng vị trí việc làm, đúng quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học. Hiện tỉ lệ trung bình giáo viên phổ thông các cấp đạt xấp xỉ 2,16 giáo viên/lớp (trong đó, cấp tiểu học là 1,38 giáo viên/lớp; THCS là 1,90 giáo viên/lớp, THPT là 2,25 giáo viên/lớp; THPT chuyên là 3,10 giáo viên/lớp).

Thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT giai đoạn 2017-2020", ngành đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhất là đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Tạo điều kiện cho đội ngũ toàn ngành tăng cường tự học, tự bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp. Đã có 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn chuyên môn đào tạo, tỉ lệ trên chuẩn đạt bình quân trên 69,8%.

Các mục tiêu mới cho phát triển nguồn nhân lực

Sau 5 năm, việc thực hiện Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu như: mạng lưới trường lớp cơ bản bảo đảm theo kế hoạch; chất lượng giáo dục được giữ vững và có bước phát triển; các chương trình, đề án ưu tiên được quan tâm chỉ đạo; quan tâm thu hút, phát triển giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề…

Trên cơ sở Kết luận số 66-KL/TU, ngày 15/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 10-KL/TU, ngày 19/9/2013 về Quy hoạch Giáo dục- Đào tạo tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh chỉ đạo tiếp tục rà soát, tính toán kỹ các số liệu, dự báo số liệu khảo sát ở tất cả các cấp học, từng giai đoạn và đánh giá tình hình thực hiện các đề án thành phần để đề xuất các nội dung điều chỉnh Quy hoạch giáo dục của tỉnh, bảo đảm bố trí đủ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp theo đúng định mức biên chế đúng chuyên môn đào tạo theo vị trí việc làm, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giáo dục tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục trong tỉnh.

Tập trung bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp lãnh đạo quản lý, giáo viên các cấp; 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp, chuẩn hiệu trưởng; 100% viên chức có trình độ, năng lực chuyên môn đạt chuẩn, phù hợp với vị trí việc làm; bồi dưỡng giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi để trở thành giáo viên cốt cán; có ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, ít nhất 80% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm. Hằng năm, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.

Đẩy mạnh việc thực hiện các đề án về giáo dục, đặc biệt là Đề án thí điểm tuyển sinh THCS trong Trường THPT chuyên Biên Hòa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giữ vững chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn ở thứ hạng cao trong cả nước. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu 100% trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có ít nhất 60% trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn mức độ 2 vào năm 2025.

Theo kế hoạch, ngay những tháng đầu năm 2020, tỉnh ta sẽ tổ chức tuyển dụng gần 1.600 giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS, giáo dục thường xuyên (chưa kể số giáo viên đủ điều kiện theo quy định sẽ được xem xét tuyển dụng theo hình thức đặc cách). Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng giúp ngành giáo dục ổn định đội ngũ giáo viên về cả số lượng, chất lượng, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác GD&ĐT trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Thanh Hà

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/xa-hoi/no-luc-thuc-hien-cac-chi-tieu-giao-duc-va-dao-tao-20173.html