Nỗ lực lấp khoảng trống tiêm chủng

Bức tranh y tế toàn cầu vừa xuất hiện một điểm sáng nổi bật, với số lượng trẻ em được tiêm chủng định kỳ đã phục hồi sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề tiêm chủng vẫn tồn tại và gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.

Trẻ được tiêm vaccine đầy đủ sẽ tăng khả năng miễn dịch.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo cho biết, số trẻ em được tiêm vaccine định kỳ trong năm 2022 đã tăng bốn triệu trẻ so với năm trước đó. Giám đốc Chương trình tiêm chủng và vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Kate O’Brien nêu rõ, đây là một tín hiệu tích cực và các nước trên thế giới nhìn chung đang chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng phục hồi gần bằng mức trước đại dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định, dữ liệu trên phản ánh một thành tựu đáng khích lệ trong công tác tiêm chủng toàn cầu; đồng thời nêu rõ, trẻ em sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất nếu việc “phủ sóng” vaccine không được thúc đẩy.

Trên thực tế, tỷ lệ tiêm chủng thời gian qua trượt dốc nghiêm trọng do dịch Covid-19 bùng phát, cùng ảnh hưởng từ các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực. Cách đây không lâu, UNICEF cho biết, khoảng 67 triệu trẻ em trên thế giới bỏ lỡ một phần hoặc toàn bộ các mũi tiêm vaccine cơ bản trong giai đoạn 2019-2021 do các biện pháp phong tỏa và tình trạng gián đoạn trong chăm sóc y tế bởi đại dịch Covid-19. Việc này làm dấy lên nguy cơ bùng phát các bệnh nguy hiểm như bại liệt, sởi…, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe trẻ em.

Dù số liệu sơ bộ về tiêm chủng cho thấy những tín hiệu phục hồi, song duy trì đà phát triển tích cực này là thách thức không hề nhỏ, trong bối cảnh hàng loạt vấn đề toàn cầu có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động tiêm chủng. Báo cáo của UNICEF cho thấy, vẫn còn 20,5 triệu trẻ em bỏ lỡ ít nhất một mũi tiêm định kỳ trong năm 2022. Con số này cao hơn so với mức 18,4 triệu trẻ vào năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát. Tỷ lệ bao phủ vaccine ở hầu hết các quốc gia thu nhập thấp cũng phục hồi chậm chạp.

Các chuyên gia y tế có cơ sở để quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước. Trong số 73 nước từng ghi nhận tỷ lệ tiêm vắc-xin giảm mạnh trong thời kỳ dịch Covid-19, đến nay, chỉ có 15 nước ghi nhận mức độ bao phủ vaccine về lại mức trước đại dịch, trong khi có tới 34 nước ghi nhận tỷ lệ tiếp tục sụt giảm hoặc trì trệ, còn lại là các nước đang trên đà phục hồi.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo cho biết, số trẻ em được tiêm vaccine định kỳ trong năm 2022 đã tăng bốn triệu trẻ so với năm trước đó. Giám đốc Chương trình tiêm chủng và vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Kate O’Brien nêu rõ, đây là một tín hiệu tích cực và các nước trên thế giới nhìn chung đang chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng phục hồi gần bằng mức trước đại dịch Covid-19.

Đặc biệt ở châu Phi, nhiều trẻ em phải chịu thiệt thòi, không được tiêm chủng định kỳ bởi sống ở các vùng sâu, vùng xa hay ở khu vực xảy ra xung đột. WHO đang phối hợp UNICEF, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Quỹ Bill & Melinda Gates nhằm khắc phục tình trạng suy giảm tiêm chủng định kỳ cho trẻ em. Liên minh GAVI cho biết, liên minh này sẽ tiêm phòng cho 300 triệu trẻ em trong giai đoạn 2021-2025, giúp ngăn ngừa thêm 7-8 triệu ca tử vong.

Một nguyên nhân khiến hoạt động tiêm chủng định kỳ sụt giảm là do một bộ phận người dân có xu hướng phớt lờ việc tiêm vaccine, không chỉ đối với bệnh Covid-19 mà cả những căn bệnh khác. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Hiệp hội Nhi khoa Brazil (SBP) thực hiện cho thấy, lý do phổ biến nhất khiến các bậc cha mẹ không đưa con mình đi tiêm phòng là sợ tác dụng phụ và không tin tưởng vào hiệu quả của vaccine. Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ từng nhận định, thông tin sai lệch về vaccine là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng.

Vaccine đã cứu sống nhiều người, giúp họ tránh được các căn bệnh nguy hiểm và giảm chi phí về y tế. Đặc biệt, tiêm chủng giúp bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bệnh tật ngay trong quãng thời gian đầu đời. Bởi vậy, thúc đẩy bao phủ vaccine đồng đều để không quốc gia nào bị tụt lại phía sau là nhiệm vụ chung cấp thiết của toàn thế giới.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/no-luc-lap-khoang-trong-tiem-chung-156554.html