Nỗ lực giải quyết căng thẳng, Somalia-Ethiopia vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận hòa giải
Vòng đàm phán thứ hai giữa Somalia và Ethiopia hôm 13/8, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, liên quan một vùng lãnh thổ ly khai đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
Các cuộc đàm phán được tổ chức tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm cách hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Phi.
Quan hệ giữa Somalia và Ethiopia đã xuống dốc vào tháng 1 năm nay, khi Addis Ababa đồng ý thuê 20 km bờ biển ở vùng Somaliland, vốn đang tìm cách ly khai Somalia, và công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ này.
Phía Somalia gọi thỏa thuận nói trên là bất hợp pháp và trả đũa bằng cách trục xuất đại sứ, đồng thời đe dọa trục xuất hàng nghìn binh sĩ Ethiopia đang đồn trú tại Somalia để giúp chống lại phiến quân Hồi giáo.
Các ngoại trưởng của Ethiopia và Somalia đã không tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp tại Ankara, thay vào đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan làm cầu nối qua lại giữa hai bên.
Theo ông Fidan, số lượng các vấn đề được thảo luận trong vòng đàm phán thứ hai tăng đáng kể so với vòng đàm phán đầu tiên và hiện đã có "sự thống nhất về một số nguyên tắc chính". Vòng đàm phán thứ ba dự kiến bắt đầu vào ngày 17/9 với mục tiêu đạt được một thỏa thuận "bền vững và khả thi" giữa hai bên.
Ngoại trưởng Somalia Ahmed Moallim Fiqi Ahmed xác nhận đã đạt được tiến triển và cho biết chính quyền Mogadishu đang tìm kiếm một kết quả phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ethiopia Taye Atske Selassie cho biết, nước này mong muốn tiếp tục đàm phán để tiến tới giải quyết những bất đồng hiện tại và bình thường hóa quan hệ với Somalia.