Ninh Thuận: Bảo vệ môi trường biển hướng đến phát triển kinh tế bền vững

Là tỉnh ven biển với chiều dài bờ biển hơn 105km và vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2 cùng điều kiện khí hậu đặc thù nắng và gió, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.

Ninh Thuận được xem là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, với nhiều vịnh, bãi biển đẹp, cùng điều kiện khí hậu đặc thù nắng gió quanh năm. Đây là những lợi thế giúp tỉnh phát triển kinh tế biển, du lịch, các ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn, năng lượng tái tạo, cảnh biển và công nghiệp ven biển,…

 Ninh Thuận có nhiều bãi biển đẹp

Ninh Thuận có nhiều bãi biển đẹp

Nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế biển cũng như những lợi thế của địa phương, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo, đề ra mục tiêu đưa tỉnh này trở thành tỉnh mạnh về biển trong giai đoạn tới. Cụ thể, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định 5 trụ cột phát triển chính, có tính cạnh tranh cao, trong đó, kinh tế biển là một trong hai động lực tăng trưởng mới.

Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo định hướng phát triển tỉnh nhà, kinh tế biển được tập trung phát triển theo xu hướng hiện đại, toàn diện. Các nhóm ngành kinh tế biển được chú trọng đầu tư phát triển bao gồm: phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; phát triển đô thị, du lịch biển và các loại hình dịch vụ biển; phát triển công nghiệp ven biển; phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy hải sản; kinh tế hàng hải; khai thác tài nguyên khoáng sản biển.

Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt từ 15 -16%/năm, chiếm từ 41 - 42% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP); thu nhập bình quân đầu người khu vực ven biển gấp 1,2 lần trở lên so với bình quân toàn tỉnh; lao động làm việc trong các ngành kinh tế biển khoảng 60 - 65 nghìn người. Đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển, cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm 45 - 46% GRDP.

 Kinh tế biển là một trong hai động lực tăng trưởng mới của Ninh Thuận

Kinh tế biển là một trong hai động lực tăng trưởng mới của Ninh Thuận

Cũng theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận công bố nhiều dự án thuộc nhóm ngành kinh tế biển, bao gồm 10 dự án thương mại – dịch vụ, du lịch; 14 dự án xây dựng và kinh doanh bất động sản; 9 dự án năng lượng, năng lượng tái tạo; 9 dự án công nghiệp chế biến và 5 dự án nông nghiệp.

Cùng với đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở ban ngành địa phương, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng tăng cường các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên nguồn vốn Nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển tạo động lực thực sự cho phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là hạ tầng du lịch, đô thị, giao thông, đê kè, hạ tầng nuôi trồng thủy hải sản, hậu cần nghề cá...; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển bền vững kinh tế biển có trọng tâm, trọng điểm.

Năng lượng, năng lượng tái tạo là lĩnh vực quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế biển mà UBND tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, lĩnh vực này chiếm tỷ trọng khoảng12% GRDP, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối...). Đồng thời thu hút đầu tư phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết tại Hội nghị COP26.

 UBND tỉnh Ninh Thuận chú trọng bảo vệ môi trường biển

UBND tỉnh Ninh Thuận chú trọng bảo vệ môi trường biển

UBND tỉnh Ninh Thuận chú trọng ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp ven biển, khu công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến thủy sản, công nghiệp hóa chất, sản xuất muối, sản phẩm sau muối, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu.

Đồng thời, phát triển nuôi biển gắn với chế biến thủy sản; cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ bền vững; xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Tỉnh tích cực thúc đẩy các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hình thành khu đô thị du lịch ven biển.

Trong xu thế tăng trưởng mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế về cảng biển, cảng cạn và Trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam của tỉnh với quy mô khoảng 43.900 ha. Đồng thời, tỉnh tập trung khai thác để tạo kết nối vùng, liên vùng, thu hút đầu tư phát triển vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, phát triển kinh tế biển phát triển bền vững luôn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường biển. Theo đó, tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường biển như: thu gom rác thải biển, trồng rừng phòng hộ ven biển, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân... Nhờ vậy, môi trường biển Ninh Thuận được bảo vệ tương đối tốt, góp phần thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện và bền vững.

Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero" Hội thảo do Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global tổ chức sẽ được diễn ra vào ngày 5/6/2024 tại Hà Nội.

Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)...

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ninh-thuan-bao-ve-moi-truong-bien-huong-den-phat-trien-kinh-te-bien-87993.html