Ninh Bình: Nâng cao năng lực sản xuất nhờ khuyến công

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của chương trình khuyến công, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Hiệu quả đáng ghi nhận

Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, năm 2023 khuyến công Ninh Bình được phê duyệt 7.828 triệu đồng cho triển khai 35 đề án, trong đó có 3 đề án khuyến công quốc gia, kinh phí 3.500 triệu đồng; 32 đề án kinh phí khuyến công địa phương, kinh phí 4.328 triệu đồng.

Ngay sau khi được phê duyệt, Sở Công Thương Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị thụ hưởng triển khai thực hiện. Theo đó, cả 3 đề án khuyến công quốc gia đã hoàn thành theo kế hoạch phê duyệt.

Với kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương, trong quá trình thực hiện đã có 4 đề án xin dừng không thực hiện. Như vậy, sau khi điều chỉnh, kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 của Ninh Bình hỗ trợ cho 28 đề án. Đáng chú ý có 13 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ 2.200 triệu đồng, đã hoàn thành 10 đề án với kinh phí hỗ trợ 1.730 triệu đồng, đạt 78,6% so với kế hoạch phê duyệt; 2 đề án hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn với tổng kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng, hoàn thành đạt 100% so với kế hoạch phê duyệt... Những đề án này được đánh giá đặc biệt cao bởi tính kịp thời, thiết thực và hiệu quả với doanh nghiệp.

Đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ gỗ nội thất” tại Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Đức Huy. Ảnh Văn Đốc

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Ninh Bình còn thực hiện một số nội dung khác như, hỗ trợ: Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tư vấn, cung cấp thôn tin; hỗ trợ lãi vay; nâng cao năng lực quản lý và năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công...

Theo nhận định từ Sở Công Thương Ninh Bình, các đề án khuyến công đã khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ... Nguồn kinh phí khuyến công đã được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội tại địa phương.

Công tác khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn, nội dung cụ thể, rõ ràng, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa bàn nông thôn.

Tiếp tục phát huy hiệu quả

Sang năm 2024, khuyến công tiếp tục là công tác được ngành Công Thương Ninh Bình chú trọng. Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 29 đề án với kinh phí 5.488 triệu đồng cho 22 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, gồm: 1 đề án Hỗ trợ đào tạo nghề lao động địa phương với kinh phí hỗ trợ 140 triệu đồng cho 70 lao động; 13 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiển tiến vào sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ 2.200 triệu đồng; 1 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng; 4 đề án thuộc chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với tổng kinh phí hỗ trợ 390 triệu đồng; 1 đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, kinh phí hỗ trợ 1.400 triệu đồng và 2 đề án hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường với kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương, Sở Tài chính thẩm định và cấp ứng 70% kinh phí, tương đương khoảng 1.784 triệu đồng, Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp tỉnh (Trung tâm) đã hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đã đăng ký. Với 9 đề án còn lại, Trung tâm tiếp tục hướng dẫn xây dựng đề án để trình Sở Công Thương và Sở Tài chính thẩm định.

6 tháng cuối năm, Trung tâm tập trung kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thụ hưởng kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án nhằm hoàn thành kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 đã được phê duyệt.

Với mục tiêu quản lý sử dụng có hiệu quả kinh phí khuyến công đã được giao. Thực hiện công tác thanh quyết toán, thanh lý hợp đồng thực hiện các đề án khuyến công theo đúng quy định của Nhà nước, Sở Công Thương Ninh Bình tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế/Kinh tế-Hạ tầng các huyện, thành phố và đơn vị thụ hưởng khẩn trương thực hiện đúng tiến độ các đề án khuyến công đã được phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trong việc thực hiện đề án, giúp tháo gỡ khó khăn, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí khuyến công đúng mục đích, giải ngân kịp thời, thực hiện thanh quyết toán đúng quy định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên phương tiện thông tin đại chúng giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nắm được chính sách của nhà nước về công tác khuyến công để cùng phối hợp tham gia.

Quan tâm xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm với nguồn kinh phí lớn nhằm tạo sự bứt phá và có bước chuyển biến rõ rệt cho sự phát triển của ngành. Ngoài các hoạt động khuyến công theo đề án có hỗ trợ tài chính, cần tăng cường hoạt động tư vấn khuyến công hỗ trợ phi tài chính cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ninh-binh-nang-cao-nang-luc-san-xuat-nho-khuyen-cong-319766.html