Ninh Bình - ký ức mẹ (Kỳ 2)
Gần nửa đêm một năm ấy, tôi đang chuẩn bị ngủ thì có điện thoại.
![Quang cảnh làng quê Trường Yên (Hoa Lư) những năm bao cấp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2024_12_07_442_50920443/5cad7230857f6c21356e.jpg)
Quang cảnh làng quê Trường Yên (Hoa Lư) những năm bao cấp.
Nhà văn Nguyễn Trọng Luân trên đường đi thăm lại chiến trường xưa, ông là lính đánh nhau ở đường 7 năm 1975 (lính đánh nhau ở đường 7 xưa, đường 25 bây giờ có 2 ông trở thành nhà văn là ông Khuất Quang Thụy và ông Nguyễn Trọng Luân), gọi tôi, nói là ông Sương Nguyệt Minh gửi ông một cái lọ nhựa, chả biết là cái gì, ông chuẩn bị nhận, nhắn địa chỉ nhà tôi mang đến.
Sương Nguyệt Minh là nhà văn, đại tá quân đội, ông hay so bì với tôi: Ông là Ninh Bình một nửa, tôi mới toàn tòng. Nhưng ông mang nợ Ninh Bình và phải nhớ mà trả nợ, không ai có quê lại xa quê lâu thế mà không nhớ? Trời ơi sao ông biết tôi không nhớ? Tôi sẽ viết về ông nhà văn toàn tòng Ninh Bình tài hoa này vào một dịp khác, giờ trở lại cuộc... rêu đá.
Tôi dậy mở cửa đón ông Nguyễn Trọng Luân. Ông đi tắc xi tới, ôm khư khư một cái lọ nhựa lớn, loại vốn dùng đựng cái gì đấy, tận dụng lại để đựng quà của ông Sương Nguyệt Minh. Nó là rêu đá, nhưng đã phơi khô. Trưa sau tôi làm ngay một đại tiệc mời bạn bè. Thì nấu nước sôi ngâm lại cho rêu mềm. Nước mắm chanh ớt tỏi, với lạc rang, cứ thế trộn với nhau, thành một món nộm hấp dẫn cả những kẻ kén ăn nhất.
Một nửa nữa, nấu riêu cua, đúng chuẩn riêu cua Ninh Bình, là có... cua, mẻ, cà chua. Trời ạ, nó ầm ĩ tiếng suỵt soạt ở nhà tôi hôm ấy. Giờ thì chịu rồi. Nghe nói rêu đá khô vẫn còn, nhưng để ăn được nó giờ khó hơn ăn yến. Giờ hầu như chỗ nào cũng có yến, chứ ngày xưa nó là món chỉ vua mới được dùng.
Lại nhớ cách mươi năm chi đó, một đêm lạnh cắt ruột mùa giáp tết, vẫn tôi và ông nhà văn Ninh Bình toàn tòng Sương Nguyệt Minh, ngồi ở nhà hàng của một người cháu ông Minh ở ngay thành phố Ninh Bình. Cháu bảo 2 chú ăn gì cháu làm, tự tay cháu làm, rồi 3 chú cháu mình ngồi.
Tôi dè dặt ý tứ nhìn ông Minh, ông bảo ưu tiên ông Hùng, thế là tôi vừa dõng dạc vừa thẽ thọt: cho chú rau lang chấm mắm cáy nhé, nộm hoặc riêu cua rêu đá nhé. Nửa tiếng sau thì rau lang luộc mắm cáy mang lên, tất nhiên kèm "phụ gia" là thịt gà, cá rán, chân giò vân vân.
Rồi ông cháu khúm núm xoa tay: Chú ơi, bảo cháu lấy gan giời bây giờ cháu có thể tìm ra, chứ rêu đá thì quả là, khó hơn dựng lại núi Xẻ chú ạ. Mà đúng thật. Rêu đá nó là sự hôn phối, giao hoan vĩ đại giữa mưa và đá vôi, mà phải là đá vôi cổ tích. Mà giờ, cái núi Xẻ ấy còn đâu nữa.
Các vùng khác có thể còn đá vôi như Tam Cốc Bích Động, nhưng "đá vôi cổ tích" thì kiếm đâu ra, thêm nữa, mưa giờ cũng khác... Là tôi vẫn cứ nhớ cái thuở lau thau ấy, mỗi khi mưa xong là bà tôi đi lấy nhún đá, nó chính là món rêu này đấy. Đang tươi đành đạch thế, về nhúng nước nóng rồi ăn. Hôm nào sang, bà mua 2 xâu cua, cái món này giờ cũng hiếm, là cua xâu ấy, giờ người ta bán mớ hoặc bán cân.
Ngày xưa khoảng 5- 6 con 1 xâu, hai xâu khoảng hơn 10 con, tất nhiên cua để xâu là phải to. Xâu cua nó có 2 thanh tre nhỏ kẹp lấy mai cua như con cua phải cõng cái thang ấy, cả dãy cua cõng 2 thanh tre ấy, rất đẹp và tiện.
Về bà nấu riêu cua, múc vào những cái bát chiết yêu, là cái bát tô miệng loe ra đáy chiết lại, giờ cũng rất hiếm. Món ấy ăn với rau muống chẻ thì thôi rồi. Đấy, ký ức nó cứ thế mà rồi khi có dịp nó bùng lên, và đòi. Và... thất vọng, vì giờ nó thuộc hàng đặc sản cao cấp rồi. Tức là rất hiếm, hiếm tới vô vọng.Thì những người nghiện ký ức, nghiện món ăn thời trân trời cho ấy bèn nghĩ cách. Và một trong những cách ấy là làm rêu khô. Hình như không có bán đại trà, ông bạn nhà văn phải nhờ người nhà thu gom, phơi khô rồi gửi cho tôi, vừa nhem thèm quê vừa thỏa mãn quê. Thì nó cũng như giờ có rươi quanh năm ấy, chứ thực ra nó cũng là món thời trân của đất trời, chỉ xuất hiện một năm có mấy ngày. Nhưng giờ vào nhà hàng lúc nào cũng có, tất nhiên một mặt nó là rươi cấp đông, mặt nữa khách ăn không phải ai cũng đủ trình để phân biệt đấy là rươi hay... thịt lợn đúc trứng...
Tôi ra Ninh Bình đúng hôm giỗ vua Lê Đại Hành. Đang hí hửng là cũng có tí con cháu, tôi được giải thích là, họ Lê nhà ta không trực hệ. Nhưng vẫn không giảm sự tự hào của anh em tôi. Tối ấy chúng tôi vào thắp hương ở đền vua Đinh, vua Lê. Nghe nói Ban tổ chức phải vời mấy bà mấy chị ở tận huyện nào đấy về cắm hoa. Mà quả thật, các giỏ, lẵng hoa ở đây được cắm rất đẹp. Trăng lung linh xuyên qua các tàng cây khiến khu đền hai vua này thêm huyền ảo.
Có rất nhiều giai thoại về mối quan hệ tay ba giữa vua Đinh Tiên Hoàng, bà Dương Vân Nga và thập đạo tướng quân Lê Hoàn, người sau này sẽ là vua Lê Đại Hành mà tôi đang kính cẩn thắp hương đây. Người đề cao, người chê trách.
Nhưng nghĩ, được như bà Dương Vân Nga hỏi có mấy người. Và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn rõ ràng là một vị tướng tài, và là một vị vua giỏi. Giờ vùng Hoa Lư quê ngoại tôi luôn tự hào là đất 2 vua. Cái cụm từ đền vua Đinh vua Lê luôn được nhắc một cách trìu mến và đầy tự hào đối với những người dân ở đây. Mẹ tôi là người nấu ăn rất ngon dù thời của bà, mỡ, mì chính là những thứ mà vàng còn ghen tị vì chúng được quý hơn. Tức điều kiện để trổ tài không có, nhưng bằng những gì được phân phối thời bao cấp bà đã biến những tạm bợ thành đại tiệc.
Những liên miên sơ tán, chở anh em tôi và cả gia tài trên cái xe đạp, liên miên ở trọ nhà dân mà nhà dân thì cũng rất nghèo, mà đến đâu bà cũng kiếm được những thứ để chế biến thành sơn hào hải vị trong mắt và miệng anh em tôi, sau mới biết là bà thừa hưởng từ ông ngoại, ông là cai bếp cho Pháp.
Và có lẽ vì lý do ấy mà hồi cải cách ông bị đấu tố, sau sửa sai được hạ thành phần thành trung nông lớp dưới. Cái thời Mỹ oanh tạc Thanh Hóa dữ dội nhất, ba mẹ tôi lai (chở) hai anh em bằng xe đạp từ thị xã Thanh Hóa về làng Đa Giá gửi ở nhà bà dì ngoại. Bà dì này là em ruột bà ngoại, ở gần nhà bà ngoại tôi. Nhà bà té ra cũng cách thị xã Ninh Bình có mấy cây số, và Ninh Bình cũng là rốn bom, cũng nằm trong mấy thành phố thị xã miền Bắc khi ấy bị hủy diệt: Hà Nội, Hải Phòng, Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh…
Và quả là, về được vài tháng, tôi chứng kiến một cuộc máy bay ném bom khu vực động Thiên Tôn kinh hoàng. Ai ở Thanh Hóa thời ấy đều biết 2 ngày lịch sử 3- 4 tháng 4, nhà máy của mẹ tôi cũng lấy tên là nhà máy Diêm 3-4, nên có người trêu là loại diêm đánh 34 que mới cháy. Bây giờ xài diêm xịn nên không nhớ thời ấy, quả là có khi quẹt cả 10 que chưa cháy.
Mọi thứ đều làm thủ công, từ kéo gỗ dưới sông Mã lên, cưa khúc ra, chẻ thành miếng rồi thành que diêm, xếp từng que một vào khay và… dùng tay bê cả khay nhúng vào chậu thuốc. Đầu diêm to oành hoặc dính 2,3 que với nhau vì được nhúng thủ công vào thuốc, có khi bật phát xòe lửa xém cả tay.
Để tiết kiệm thì bao diêm chỉ phết phốt pho một phía, thậm chí làm một cái bao diêm bằng giấy to như tút thuốc, nhét que diêm vào đấy, bỏ một mẩu thuốc phốt pho quẹt trên miếng bìa bằng 2 ngón tay lên trên cùng, nên diêm nhiều khi còn rất nhiều mà miếng phốt pho đã hết, bèn quẹt diêm vào bất cứ thứ gì nham nhám, thế mà vẫn lên lửa mới tài.
Trẻ con tụi tôi thích nhất là tha hồ ăn trộm thuốc làm pháo, suốt ngày nổ râm ran, và cũng nhiều đứa bị bỏng, bị cháy quần áo…
Ngày 3/4 chính là ngày máy bay Mỹ lần đầu tiên đánh ra Miền bắc. Và chị Hằng, chị Tuyển xuất hiện ở trận này với tư cách là tự vệ Nam Ngạn, Hàm Rồng. Hồi ấy Nam Ngạn là bến than, nơi các sà lan than cập bến để phục vụ cho năng lượng của thị xã Thanh Hóa, đặc biệt là Nhà máy Nhiệt điện Hàm Rồng, hồi ấy, bản thân việc cái nhà máy ấy ngạo nghễ đứng, dù xiêu vẹo và đầy thương tích, đã như một tự hào của người dân Thanh Hóa và cũng đầy thách thức với không lực Hoa Kỳ…
Mẹ tôi làm Phó Giám đốc Nhà máy Diêm 3/4 này. Sau này đi làm, có tiền, anh em tôi mời bà đi ăn, chọn nhà hàng cơm niêu, toàn món Bắc để bà đỡ nhớ quê. Bà bảo, chúng tôi đi làm cách mạng để thoát cơm niêu nước lọ, thế mà đến các anh cơm niêu nước lọ lại thành đặc sản.
Là đi ăn cơm niêu, mọi người uống bia, bà uống nước suối, và tôi trót bảo chai nước suối này giá bằng nửa lít xăng đấy mẹ? Sau bà thấy tôi thanh toán niêu cơm 25.000 thời ấy, đĩa rau muống 20.000, đĩa cá rô rán 100.000 thì bà choáng!
Giờ bà nằm cùng ba tôi ở độn cát làng Thế Chí Tây, Thừa Thiên Huế, và mỗi lần về giỗ mẹ tôi đều rưng rưng vì bà được các anh em con cháu họ Văn bên chồng rất quý, họ áo dài khăn đóng xếp hàng thắp hương cho mệ, o, dì, mợ... là mẹ tôi, người phụ nữ Ninh Bình lặng lẽ bên chồng ở vùng đất mà phải 18 năm sau khi lấy chồng bà mới biết...
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-ky-uc-me-ky-2-999588.htm