Niềm vui và những trăn trở

40 năm tham gia công tác thì đã 30 năm tôi cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tổ chức Công đoàn. 30 năm đó chứa đựng rất nhiều niềm vui nhưng cũng không ít sự trăn trở với nghề.

 Tặng hoa chúc mừng chị em nữ công nhân nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Ảnh: ĐB

Tặng hoa chúc mừng chị em nữ công nhân nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Ảnh: ĐB

Cách đây 30 năm, thời điểm mới chia tỉnh, cũng như các sở, ban, ngành cấp tỉnh, việc chuẩn bị nhân sự để tiếp nhận bàn giao các nguồn lực từ tỉnh Bình Trị Thiên rất khó khăn, nhân sự từ Liên hiệp Công đoàn Bình Trị Thiên lúc đó chia ra để về Quảng Trị chỉ có 7 người. Bác Nguyễn Văn Viêm được cử làm triệu tập viên để chủ trì tiếp quản nguồn lực, việc cử người tham gia “chia” tài chính, tài sản không có người có nghiệp vụ về tài chính để tham mưu tiếp nhận. Lúc bấy giờ, tôi đang là kế toán tổng hợp của một Nông trường quốc doanh, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có tiềm lực lớn trong thời bao cấp. Được người giới thiệu đi tham gia tiếp quản tài chính Công đoàn khi chia tỉnh, lúc đầu tôi cũng do dự, nhưng sau các anh chị động viên đi tiếp quản rồi về tính sau. Thực tình mà nói, lúc đó tôi chưa hiểu sâu về tổ chức Công đoàn, khái niệm về tài chính Công đoàn cũng như quỹ bảo hiểm xã hội mà tổ chức công đoàn đang quản lí. Trong những ngày tham gia tiếp nhận, tôi vừa nghiên cứu tài liệu, vừa học hỏi thêm các anh chị làm công tác tài chính và bảo hiểm xã hội của tỉnh Bình Trị Thiên để tham mưu cho các đồng chí thường trực. Lúc bấy giờ, tài chính, tài sản bàn giao cho Công đoàn Quảng Trị vỏn vẹn chưa đầy 5 triệu đồng và một xe GAZ 53 cũ để chở bàn ghế… về tỉnh mới. Thời kì đầu, chúng tôi được bố trí ở tạm và làm việc tại ngôi nhà tôn cấp 4 đã xuống cấp được Nông trường Tân Lâm cho mượn. Ổn định tạm thời, mấy anh em cơ quan mỗi người mỗi việc để chuẩn bị cho kì họp đầu tiên của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh được lập lại theo Quyết định của Tỉnh ủy Quảng Trị.

Tiếp cận “nghề Công đoàn” từ công tác tài chính công đoàn và quản lí quỹ BHXH, tôi được tiếp xúc liên quan đến nhiều lĩnh vực trong hoạt động của tổ chức công đoàn, hiểu biết rộng hơn về chính sách kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt liên quan đến chức năng cốt lõi của tổ chức công đoàn là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Hơn 16 năm làm công tác tài chính công đoàn và BHXH, được gắn bó với cơ sở, đoàn viên, người lao động; nghiên cứu, tham mưu xây dựng hệ thống tài chính công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã giúp tôi dần hội đủ kĩ năng trong các lĩnh vực của công tác công đoàn. Tích lũy từ lí luận đến thực tiễn, năm 2005 tôi được tổ chức công đoàn phân công nhiệm vụ mới có tính “sống còn” của tổ chức công đoàn trong thời kì mới là công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS). Với nhiệm vụ được giao là thường trực ban chỉ đạo và trực tiếp đến với người lao động từng doanh nghiệp để tuyên truyền, tập hợp người lao động gia nhập tổ chức công đoàn, nhiệm vụ mới chưa có trong tiền lệ của hoạt động công đoàn trước đây, bản thân tôi tự nghiên cứu, sáng tạo tham mưu cho Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đề xuất với Tỉnh ủy ban hành chỉ thị để chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc.

 Trao “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ảnh: ĐB

Trao “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ảnh: ĐB

Ghi nhận những kết quả và thành công trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, năm 2010 tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Thời gian làm công tác phát triển đoàn viên là thời gian được nghiên cứu từ lí luận đến thực tiễn nhiều nhất trong hoạt động Công đoàn, nhiều bài viết nghiên cứu của tôi được đăng trên các tạp chí của Đảng và tổ chức công đoàn. Cũng trong thời gian này, tôi đề xuất với Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới, đề tài được hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh xếp loại xuất sắc. Đề tài hoàn thành và được nghiệm thu làm cơ sở tham mưu cho Tỉnh ủy Ban hành Nghị quyết lãnh đạo về phong trào công nhân và tổ chức công đoàn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tài liệu nghiên cứu cho hoạt động các cấp công đoàn sau này. Ổn định được công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và chuyển giao cho công đoàn cấp trực tiếp vận động, thành lập, tôi liên tục được luân chuyển, bố trí công việc mới như Trưởng ban Tuyên giáo-Nữ công rồi Chánh Văn phòng LĐLĐ tỉnh, đảm nhiệm công tác lãnh đạo gần hết các ban chuyên đề của LĐLĐ tỉnh. Trải qua nhiều công việc, năm 2013 được sự tín nhiệm của đoàn viên và người lao động, tại Đại hội XI Công đoàn tỉnh Quảng Trị, tôi được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và được Ban Thường vụ phân công làm thường trực cho đến nay.

30 năm gắn bó với công việc của mình, niềm vui thì nhiều nhưng trăn trở cũng không ít. Đây cũng là thời gian tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Quảng Trị trong giai đoạn đổi mới cùng với tiến trình đổi mới của quê hương, đất nước và hội nhập sâu kinh tế quốc tế. Hoạt động của tổ chức công đoàn liên tục được đổi mới để thích ứng với tình hình quan hệ lao động mới, nhiều vấn đề lí luận và thực tiễn chưa được kiểm chứng trong quá trình đổi mới; vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị tuy được khẳng định, nhưng trong thực tiễn hoạt động còn nhiều bất cập, khó khăn; về cơ bản hoạt động của công đoàn đang trên nền tư duy cũ, từ công tác tổ chức, cán bộ đến triển khai các hoạt động vẫn còn tính “phong trào”, phương thức hoạt động đang lúng túng trong tình hình quan hệ lao động mới; cán bộ công đoàn một bộ phận chưa hình thành nếp tư duy mới, mang nặng tính “công chức”, hành chính. Hệ thống tổ chức công đoàn có nhiều thay đổi để thích nghi nhưng chưa hoàn thiện, hoạt động của CĐCS khu vực doanh nghiệp, khu vực sự nghiệp ngoài công lập nơi được xác định là nền tảng của tổ chức công đoàn nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ, nhất là vai trò đại diện bảo vệ lợi ích của đoàn viên, người lao động của chủ tịch CĐCS đang là người hưởng lương của chủ doanh nghiệp, thiết chế để bảo vệ chủ tịch CĐCS đang đặt ra nhiều câu hỏi…

 Phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt khơi dậy tinh thần sáng tạo trong ngành Giáo dục và đào tạo. Ảnh: Lâm Thanh

Phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt khơi dậy tinh thần sáng tạo trong ngành Giáo dục và đào tạo. Ảnh: Lâm Thanh

Nhưng vượt lên trên hết, trong tôi luôn có sự tự hào khi được gắn bó với công việc này trong suốt 30 năm qua; luôn động viên bản thân mình phải nỗ lực phấn đấu để cùng với tổ chức tiếp tục đổi mới mạnh mẽ từ tư duy đến hành động, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức xây dựng tổ chức công đoàn xứng đáng với niềm tin của người lao động.

Đăng Bảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141088