Niềm vui đầu năm của người dân đất Thủ
Những ngày qua, 3 cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Bình Dương được công nhận 'Cây di sản Việt Nam' là thông tin được nhiều người hết sức quan tâm, chia sẻ và cũng là niềm vui của người dân đất Thủ. Tiếp nối niềm vui đó, ngày 4-3 vừa qua, cặp rồng lu ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục. Những tin vui liên tiếp đầu xuân như báo hiệu một năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp, khởi sắc hơn với Bình Dương.
Độc đáo cặp rồng lu
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, cặp rồng lu được các nghệ nhân làng nghề thủ công Tương Bình Hiệp thực hiện, đặt 2 bên thành cầu Bà Sảng trên đường Hồ Văn Cống thu hút sự chú ý của rất nhiều người dân. Ngay từ khi mới thực hiện, những hình ảnh đầu tiên về cặp rồng lu này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Người dân địa phương và du khách gần xa cũng tìm về đây tham quan, chiêm ngưỡng sự sáng tạo và chụp hình kỷ niệm bên 2 con rồng độc đáo này sau khi công trình hoàn thành. Những ngày tết đi qua, 2 con rồng này vẫn được địa phương giữ lại như một sản phẩm sáng tạo, một không gian trưng bày gốm xưa của nghề truyền thống địa phương, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, chụp hình của mọi người.
Trước đó, tiểu cảnh rồng vàng phun nước đặt tại phố đi bộ Bạch Đằng (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) cũng được bình chọn là linh vật rồng đẹp nhất Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (do Báo Người lao động tổ chức).
Theo lãnh đạo phường Tương Bình Hiệp, thời gian từ khi lên ý tưởng đến lúc hoàn thiện cặp rồng lu là hơn 6 tháng. Địa phương đã huy động gần 50 nhân công để cùng thực hiện mô hình ý nghĩa này. Với chiều dài khoảng 29m,2 con rồng này được lắp ghép từ trên 14.000 lu, hũ lớn nhỏ. Chất liệu làm nên 2 con rồng này đều bằng gốm, đó cũng là sản phẩm nghề truyền thống có sẵn tại địa phương; trong đó khâu thực hiện vảy và râu rồng là khó nhất vì phải lắp ghép từ các chi tiết rất nhỏ. Phần vảy và râu rồng đều làm từ đất sét tạo hình và đem nung trước đó, phần thân tạo từ những chiếc lu và được lắp ghép khéo léo để phần vảy, râu rồng đồng bộ về màu sắc, tạo thành hình ảnh hài hòa đẹp mắt.
Ngày 4-3-2024, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức xác lập kỷ lục đối với “Cặp rồng lắp ghép từ các lu, hũ gốm nung thủ công nhiều nhất tại Việt Nam” thuộc phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
3 cây di sản quý giá
Trước đó, thông tin về 3 cây cổ thụ ở Bình Dương được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam” cũng nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều người dân. Đặc biệt là cả 3 cây di sản này đều nằm trong khuôn viên các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh nhà. Điều này không chỉ làm tăng thêm giá trị tinh thần quý giá của mỗi cây di sản, mà còn góp phần phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa này trong thời gian tới.
Theo đó, ngày 22-2-2024, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã có Quyết định số 85/QĐ-HMTg công nhận cây Trôm trong khuôn viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa (MT-VH) Bình Dương (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) là “Cây di sản Việt Nam”. Thầy Lê Quang Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết căn cứ theo lời kể của những người cao tuổi và các nhà giáo lão thành, cây trôm này đã tồn tại khoảng trên 150 năm, nhiều hơn cả tuổi của trường (trường thành lập năm 1901). Cây trôm hiện có chu vi thân chính 3,2m; chu vi gốc cây 5,2m; chiều cao khoảng 25m; đường kính tán khoảng 25m.
Cùng ngày với cây trôm, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã có Quyết định số 87/QĐ-HMTg công nhận cây Kơ-nia và cây Đa trong khuôn viên Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình thần Tương Bình Hiệp là 2 “Cây di sản Việt Nam”.
Theo ông Phan Văn Hữu, Trưởng Ban quản lý di tích Đình thần Tương Bình Hiệp, 2 cây di sản này không chỉ độc đáo vì tồn tại hàng trăm năm và vẫn đang phát triển xanh tốt mà còn bởi sự quấn quýt “2 trong 1”. Theo những người cao tuổi trước đây cho biết, cây Kơ-nia mọc trước, đến nay cũng hơn 200 năm, còn cây đa mọc sau nhưng cũng trên 150 tuổi.
Nhìn ở gốc cây từ bên ngoài rất khó phát hiện vì cây Kơ-nia mọc bên trong, phía dưới gốc được cây và thân cây đa bao bọc, ôm trọn bên ngoài. Cách gốc cây khoảng 5-6m, khi những cành cây đa tỏa ra 2 bên nhiều hơn thì mới nhìn rõ thân cây Kơ-nia mọc thẳng đứng bên trong. Cũng bởi sự độc đáo này nên nhiều người gọi 2 cây này là “cây đoàn kết”.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/niem-vui-dau-nam-cua-nguoi-dan-dat-thu-a317598.html