Niềm vinh dự đến sau 70 năm
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày nhận được bằng 'Tổ quốc ghi công' của cậu mình - Liệt sĩ Trang Hồng Vinh, bà Huỳnh Thị Thủy Tiên (ngụ quận 12, TPHCM) vẫn vẹn nguyên niềm vinh dự. Ngày ngày thắp nén nhang lên bàn thờ, nhìn di ảnh cậu tươi cười, bà vô cùng hạnh phúc. Bởi nhiều lý do, hành trình công nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh đã kéo dài đến 70 năm.
Điều diệu kỳ đã đến
Ngày nhận được cuộc điện thoại của ông Võ Hòa Bình, nguyên Phó Giám đốc Bưu điện TPHCM, báo tin các thủ tục, quyết định công nhận liệt sĩ đối với đồng chí Trang Hồng Vinh đã có, chỉ còn chờ ngày trao quyết định, bà Thủy Tiên ngồi lặng người, rồi nước mắt cứ thế rơi xuống đôi má gầy gò. Điều đầu tiên sau khi bình tâm lại, bà đi đến bàn thờ gia tiên, đốt nén nhang thơm báo tin vui lên bà ngoại và mẹ mình.
“Giờ mẹ và ngoại hãy an lòng nhé!”, bà Thủy Tiên xúc động. Bà nhớ lại, ngày thấy sức khỏe mình đã yếu, không thể tiếp tục theo đuổi việc công nhận liệt sĩ cho em trai út của mình, bà Trang Thị Thủy Châu (chị gái liệt sĩ Trang Hồng Vinh, mẹ bà Thủy Tiên) đã nhắn nhủ con gái cố gắng thực hiện phần việc này. Bà Thủy Tiên đã dốc hết tâm sức để theo đuổi việc thực hiện lời hứa với mẹ.
Ngày Bộ TT-TT phối hợp UBND TPHCM tổ chức lễ trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho gia đình liệt sĩ Trang Hồng Vinh, ngoài người thân trong gia đình liệt sĩ vui mừng, thì niềm hạnh phúc trong lòng ông Nguyễn Bá, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cũng lớn không kém. Cùng với gia đình, suốt 70 năm qua, việc tìm kiếm, xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh chưa bao giờ nguôi trong trái tim ông Nguyễn Bá.
Dù đã hơn 70 năm, nhưng ông Nguyễn Bá vẫn nhớ đồng chí Trang Hồng Vinh rất hiền, vui vẻ, chăm chỉ, ham học hỏi và sáng tạo. Bởi hợp tính nhau nên năm 1950, khi cả hai vừa tròn 17 tuổi và theo học tại Trường Trung học kháng chiến ở rừng U Minh, ông và đồng chí Trang Hồng Vinh trở thành đôi bạn thân thiết. Năm 1953, đồng chí Trang Hồng Vinh hy sinh ở ấp Lồ Ồ, thuộc xã An Tây, huyến Bến Cát, tỉnh Bình Dương, khi nhận nhiệm vụ cùng 2 đồng đội đi đón một đoàn lãnh đạo quan trọng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý (nay đã mất), người cùng đồng chí Trang Hồng Vinh nhận nhiệm vụ cuối cùng ấy, thì khi có bom thả đúng nơi nhóm đang làm việc, đồng chí Trang Hồng Vinh đã đẩy ông cùng một đồng chí nữa xuống căn hầm (hầm nhỏ không chứa đủ 3 người), còn đồng chí Trang Hồng Vinh vẫn ở trên mặt đất tiếp tục làm nhiệm vụ trên điện đài cho đến lúc hy sinh. Khi ấy, đồng chí Trang Hồng Vinh vừa tròn 20 tuổi.
Hành trình đong đầy nghĩa tình
Nhắc lại lý do mình dốc sức cùng gia đình làm thủ tục xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh, ông Nguyễn Bá cho biết, bởi ông cảm phục sự hy sinh anh dũng của người bạn. Năm ấy, theo lời kêu gọi của Bộ Tư lệnh Khu 9, ông Nguyễn Bá nhận quyết định lên miền Đông Nam bộ để giúp Quân khu 7 về thông tin liên lạc, cũng chính ông đã giới thiệu đồng chí Trang Hồng Vinh cùng tham gia, để rồi sau đó người bạn ấy đã hy sinh.
Bà Thủy Tiên chia sẻ, cả bà ngoại, rồi đến mẹ của bà và bản thân bà trong suốt thời gian đi chứng nhận liệt sĩ cho cậu mình, trong tay chỉ có giấy xác nhận của địa phương là đồng chí Trang Hồng Vinh đã mất, còn lại không có manh mối gì, bởi đồng chí Trang Hồng Vinh hoạt động bí mật, không có thông tin. Đến khi gặp được ông Nguyễn Bá, niềm hy vọng trong bà Thủy Tiên trở nên mãnh liệt hơn. Dù có giấy xác nhận của ông Nguyễn Bá, của ông Nguyễn Ngọc Quý (người chứng kiến đồng chí Trang Hồng Vinh hy sinh) và có đóng dấu của Tập đoàn VNPT, nhưng để xác minh những lời trong giấy là sự thật thì lại không có ai làm chứng, bởi những người phụ trách bên điện đài quân sự vào thời đó đều đã mất. Đường đi tiếp tục bế tắc!
“Nếu không có ông Nguyễn Bá cùng bà Võ Thị Dung (nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM), ông Võ Hòa Bình, bà Phan Thu Nguyệt…, cùng sự nghĩa tình, trợ sức của ngành TT-TT, có lẽ cậu tôi vẫn mãi chỉ là chiến sĩ vô danh”, bà Thủy Tiên bày tỏ. Bà nhớ những chuyến ngược xuôi của ông Nguyễn Bá, bà Võ Thị Dung, ông Võ Hòa Bình, bà Phan Thu Nguyệt… để đến các cơ quan có liên quan, xác nhận công việc, nhiệm vụ, sự hy sinh của đồng chí Trang Hồng Vinh. Tháng 8-2022, ông Nguyễn Bá đã gặp Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Khi nghe ông Nguyễn Bá trình bày câu chuyện, ông Nguyễn Mạnh Hùng vô cùng xúc động, hứa sẽ làm mọi cách để chứng nhận liệt sĩ cho những chiến sĩ ngành TT-TT đã hy sinh mà chưa được xác nhận và khẳng định đây là trách nhiệm của Bộ TT-TT. Sau cuộc gặp gỡ ấy, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tìm cách thu thập đầy đủ những thông tin, xác nhận để trình cấp có thẩm quyền công nhận sự hy sinh của đồng chí Trang Hồng Vinh. Dù có nhiều khó khăn, nhưng dựa trên các thông tin thu thập và đã xác thực, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban cán sự đảng Bộ TT-TT, ngày 5-7-2023, Bộ trưởng Bộ TT-TT ký giấy chứng nhận hy sinh cho đồng chí Trang Hồng Vinh.
Căn cứ đề nghị của Bộ TT-TT, Bộ LĐTB-XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 869/QĐ-TTg ngày 19-7-2023 cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Trang Hồng Vinh. Ngày 21-7-2023, tròn 70 năm kể từ thời điểm đồng chí Trang Hồng Vinh hy sinh, Bộ TT-TT cùng UBND TPHCM và gia đình đã tổ chức đón nhận bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Trang Hồng Vinh. Trong buổi lễ trao bằng, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi bó hoa tươi thắm cảm ơn ông Nguyễn Bá, người 70 năm qua chưa ngừng nghỉ tìm mọi cách để xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh.
*****
Bằng liệt sĩ cho Trang Hồng Vinh
Rừng U Minh đước, tràm dày đặc
Nước U Minh mát lạnh đỏ màu
Chim về tổ chiều hôm trông vui mắt
Thuyền ai kia, đang khua sóng dập dìu.
Tôi và bạn về đây chung đèn sách
Đã vội vàng theo lệnh Tổng phản công
Xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ
Được phân về học vô tuyến cùng nhau.
Bạn hiền hậu từ Trà Vinh xuống tới
Tôi khù khờ ở tỉnh Thủ về đây
Ngày ra trường rủ lên chiến khu D
Bạn đồng ý, không phút giây do dự.
Cơm, rau muống, đầy vơi hai bát
Sốt rét rừng tha bạn, đến phiên tôi
Chiếc khăn rách cùng lau chung hai đứa
Đã nguyện lòng, phải chịu đựng, thế thôi!
Bom giặc giết, khi bạn làm bên máy
Căn hầm con, đẩy đồng đội “xuống mau”
Tuổi 20 trong cát bụi máu đào
Ai vuốt mặt, ai nói lời vĩnh biệt?
Đợi đến 22 năm, khi hòa bình lập lại
Từ quê nghèo Mẹ lặn lội tìm con
Biết con chết, Mẹ đợi bằng liệt sỹ
Rồi Mẹ qua đời trong khắc khoải chờ mong.
Trước khi nhắm mắt Mẹ còn dặn chị
Hãy ráng làm bằng liệt sỹ cho em
Chị cũng qua đời trối lại cháu của Vinh
Con ở lại ráng lo lời Bà dặn.
Bao năm qua, tóc cháu bạc bơ phờ
Mà “việc của cậu” vẫn đọng trong buồn tủi
67 năm, thân xác Bạn đã về miền cát bụi
Thắp nén hương lòng sưởi hồn bạn,
người “liệt sỹ bị lãng quên”!
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/niem-vinh-du-den-sau-70-nam-post704018.html