Những tình tiết bất ngờ về vụ trộm tranh nghệ thuật lớn nhất lịch sử

Hầu hết các phòng trưng bày nghệ thuật và viện bảo tàng đều nổi tiếng bởi các tác phẩm nghệ thuật trong đó. Nhưng Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, Mỹ lại nổi danh với những tác phẩm nghệ thuật không còn ở đó. Đã 34 năm trôi qua, 13 tác phẩm bị mất trong vụ trộm nghệ thuật lớn nhất lịch sử tại đây vẫn biệt tăm.

Vào rạng sáng 18-3-1990, sau Ngày lễ Thánh Patrick ở Boston, hai người đàn ông mặc giống cảnh sát bước vào Bảo tàng Isabella Stewart Gardner. Sau đó, 13 tác phẩm nghệ thuật ước tính trị giá hơn 500 triệu USD, trong đó có 3 bức của danh họa Rembrandts và một bức của Vermeer đã bị đánh cắp, trong khi 2 nhân viên bảo vệ bị trói bằng băng keo dưới tầng hầm. Bất chấp nỗ lực của cảnh sát địa phương, đặc vụ liên bang, thám tử nghiệp dư và không ít nhà báo, không ai tìm thấy bất kỳ tác phẩm nào trong số 13 tác phẩm bị mất trong vụ trộm tranh nghệ thuật lớn nhất lịch sử.

Di sản của vụ trộm còn nguyên đó, khi du khách tham quan bảo tàng hàng chục năm sau vẫn thấy những khung hình trống trên tường phòng trưng bày. Chúng được giữ ở đó như một lời nhắc nhở về sự mất mát và với hy vọng rằng các tác phẩm cuối cùng có thể quay trở về. Vụ cướp còn là một kho tàng chứa đựng những sự thật và tình tiết bất ngờ.

Một góc Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, nơi diễn ra một trong số vụ trộm tranh nghệ thuật lớn nhất lịch sử

Một góc Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, nơi diễn ra một trong số vụ trộm tranh nghệ thuật lớn nhất lịch sử

Những món đồ quý giá nhất bị… bỏ qua

Ước tính tài sản bị lấy trộm trị giá hơn nửa tỷ USD. Tuy nhiên, thủ phạm đã để lại hiện vật đắt giá nhất của tòa nhà: “The Rape of Europa” của họa sĩ Titian mà chủ nhân bảo tàng đã mua từ một phòng trưng bày nghệ thuật ở London vào năm 1896 với mức giá kỷ lục. Tại sao những kẻ gây ra vụ trộm tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử lại bỏ qua tác phẩm đắt giá nhất? Có lẽ, câu trả lời nằm ở kích thước của các bức tranh. Trong một so sánh, tác phẩm “Chúa Kitô trong cơn bão trên biển hồ Galilee” nổi tiếng vì là bức tranh có cảnh biển duy nhất của danh họa Rembrandt có kích thước khoảng 120x150cm. Trong khi đó, bức “The Rape of Europa” lại lớn hơn, với kích thước gần 180x210m.

Lại nói về kích thước, một bức chân dung tự họa của Rembrandt năm 23 tuổi đã bị bọn trộm gỡ xuống nhưng để lại dựa vào tủ. Ông Anthony Amore, Giám đốc An ninh hiện tại của bảo tàng cho biết: “Tôi thực sự tin rằng có lẽ bọn chúng đã quên mất. Tác phẩm được làm trên một tấm gỗ sồi, khiến nó nặng hơn những bức tranh trên canvas khác. Nhưng nó có cùng kích thước với bức “Phong cảnh với một đài tưởng niệm” của Govaert Flinck, cũng được làm trên gỗ sồi và bị đánh cắp.

Bên cạnh những bức tranh quan trọng đã bị lấy khỏi khung trưng bày, cũng có những món đồ bị đánh cắp không mấy giá trị và khó giải thích: đó là một chiếc bình kim loại Trung Quốc không có gì đặc biệt; một con đại bàng bằng đồng khá bình thường trên đỉnh cột cờ và 5 bản phác thảo nhỏ của tác giả Degas. Những tên trộm đã bỏ qua các bức tranh và tượng nhỏ bằng ngọc trị giá hàng triệu USD, trong đó có bức vẽ của danh họa Michelangelo, nhưng chúng đã dành khoảng 81 phút để loay hoay tìm cách lấy chiếc bình khỏi một cơ chế khóa phức tạp.

Khung trống là nơi từng treo bức “Chúa Kitô trong cơn bão trên biển hồ Galilee” nổi tiếng vì là bức tranh có cảnh biển duy nhất của danh họa Rembrandt

Khung trống là nơi từng treo bức “Chúa Kitô trong cơn bão trên biển hồ Galilee” nổi tiếng vì là bức tranh có cảnh biển duy nhất của danh họa Rembrandt

Điểm thú vị về nữ chủ nhân bảo tàng

Bà Isabella Stewart Gardner, người sáng lập và trùng tên với bảo tàng, là một nhân vật kỳ bí và hấp dẫn. Là con gái và góa phụ cuối cùng của hai doanh nhân thành đạt, bà Isabella say mê sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và xây dựng bảo tàng để lưu giữ kho báu của mình. Stephan Kurkjian, tác giả cuốn sách viết về vụ trộm ở Bảo tàng Boston cho biết: “Khi mở bảo tàng vào năm 1903, bà Isabella đã yêu cầu bảo tàng mở cửa miễn phí để đông đảo người dân Boston có thể chiêm ngưỡng. Bảo tàng vào thời điểm đó là bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất của một cá nhân ở Mỹ”.

Bà Isabella Stewart Gardner có cuộc sống khá sôi nổi thời ấy. Bên cạnh việc chơi thân với giới nghệ sĩ và chính trị gia, bà cũng vướng vào không ít bê bối. Có lần bà đến buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Boston trong một chiếc mũ đội có in tên đội bóng chày yêu thích Red Sox. Một hình minh họa trong ấn bản tháng 1-1897 của tờ Boston Globe cho thấy người phụ nữ này đang dắt một trong những con sư tử của Sở thú Boston đi dạo.

Bảo tàng từng là nhà của bà Gardner và bà muốn đảm bảo rằng bộ sưu tập nghệ thuật phong phú của mình được trưng bày giống như cách mà bà đã sắp xếp. Bà viết trong di chúc rằng không được dỡ bỏ hay sắp xếp lại bất cứ thứ gì, hoặc bộ sưu tập phải được chuyển đến Paris để bán đấu giá, số tiền sẽ được chuyển đến Đại học Harvard.

Đáng nói, khi bức họa Mona Lisa bị đánh cắp vào năm 1911, bà chủ của Bảo tàng Gardner dặn những người bảo vệ rằng, nếu nhìn thấy bất cứ ai xông vào cướp, họ có quyền nổ súng. Trớ trêu thay, đội quân bảo vệ bảo tàng lần đó đã bị vô hiệu hóa.

Bức tranh vẽ nữ chủ nhân Isabella Stewart Gardner, người đứng ra lập bảo tàng cùng tên để công chúng có thể tự do chiêm ngưỡng bộ sưu tập nghệ thuật quý giá của mình

Bức tranh vẽ nữ chủ nhân Isabella Stewart Gardner, người đứng ra lập bảo tàng cùng tên để công chúng có thể tự do chiêm ngưỡng bộ sưu tập nghệ thuật quý giá của mình

Thủ phạm có tay trong?

Trong vụ trộm này, bức “Chez Tortoni” của Édouard Manet đã bị lấy đi từ Phòng Xanh ở tầng 1. Bức tranh nổi bật vì hai lý do: Đầu tiên là khung của nó, những tên trộm đã để lại gần như tất cả phần khung phía sau, cắt một số phần ở phía trước. “Việc để lại tàn tích phía sau của bức tranh là một điều dã man. Trong suy nghĩ của tôi, nó giống như cứa cổ ai đó vậy”, Kelly Horan, Phó Tổng biên tập tờ Boston Globe bày tỏ.

Thực ra ban đầu, chiếc khung trống dùng để treo bức chân dung “Chez Tortoni” không phải ở nơi nó bị đánh cắp mà xuất hiện trên ghế của văn phòng an ninh ở tầng hầm - một sự thật khiến các điều tra viên thấy khó hiểu. Điều đáng chú ý hơn là không có một máy dò chuyển động nào được kích hoạt trong Phòng Xanh. Bởi vậy, cơ quan điều tra nghi ngờ liệu đây có phải là âm mưu từ trong nội bộ hay không. Thực tế, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhận thấy khoảng 89% các vụ trộm trong bảo tàng là do nội bộ.

Richard Abath, một trong số bảo vệ làm nhiệm vụ tại bảo tàng đêm đó được phát hiện trong tình trạng bị còng tay và miệng bịt bằng băng keo. Ông ta chưa bao giờ được coi là nghi phạm. Nhưng trong nhiều năm, các nhà điều tra vẫn tiếp tục xem xét lại hành vi của người này vì ông ta đã mở cửa bảo tàng cho người lạ, trái với quy tắc thông thường. FBI đã theo dõi tài sản của Abath trong nhiều thập kỷ nhưng chưa bao giờ thấy bất kỳ khoản thu nhập đáng ngờ nào. Ông ta luôn nói rằng đã khai tất cả những gì mình biết với cơ quan điều tra và kết quả của buổi làm việc với máy đo nói dối là “không có kết luận”. Tháng trước, Richard Abath qua đời ở tuổi 57, khiến cuộc điều tra vụ án càng thêm mờ mịt.

Ngay khi xảy ra vụ trộm, FBI nghĩ tới tên trộm chuyên nghiệp Myles Connor. Ngày 18-3-1990 không phải là lần đầu tiên một bức tranh của danh họa Rembrandt bị đánh cắp khỏi bảo tàng ở Boston. Năm 1975, Myles Connor vào Bảo tàng Mỹ thuật Boston và bước ra ngoài với một bức tranh của Rembrandt nhét trong túi áo khoác ngoại cỡ của mình. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ trộm ở Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, Myles Connor đang bị giam giữ ở nhà tù liên bang vì tội ma túy.

Danh sách các nghi phạm chưa dừng ở đó. Người ta đặt ra hàng loạt giả thuyết: Có phải trùm mafia ở Boston Whitey Bulger đã đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật để quyên tiền cho nhóm nổi dậy ở Ireland? Liệu đây có phải là con bài trao đổi để mafia muốn giải thoát cho thành viên đang ngồi tù? Vào năm 2015, FBI cho rằng, 2 kẻ tội phạm đã chết từ lâu ở khu vực Boston, George Reissfelder và Lenny DiMuzio có thể gây ra vụ trộm, nhưng không công bố lý do cho giả thuyết này.

Đến nay, Bảo tàng Isabella Stewart Gardner đã tăng phần thưởng lên 10 triệu USD cho thông tin về các bức tranh bị đánh cắp. Họ cũng đăng công khai mọi thông tin trên trang web của mình để hy vọng rằng một ngày nào đó, ở đâu đó, ai đó sẽ nhận ra một trong những tác phẩm nghệ thuật và liên hệ với họ. Điều quan trọng nhất là có thể tìm ra để đưa chúng trở về nơi những khung treo đang chờ.

Theo CNN/New York Times

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-tinh-tiet-bat-ngo-ve-vu-trom-tranh-nghe-thuat-lon-nhat-lich-su-post577506.antd