Những tấm lòng rộng mở
Sau hàng chục năm tận tâm với công việc, khi nghỉ hưu theo chế độ, nhiều phụ nữ lại tiếp tục truyền cảm hứng đến cộng đồng khi cống hiến cho xã hội thông qua những việc làm thiết thực, ý nghĩa.
* “Nặng nợ” với nghề giáo
Những ngày đầu năm sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cô Hoàng Thị Lài, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội Nữ trí thức tỉnh, lại tất bật với công việc vệ sinh phun, khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đón trẻ trở lại Nhóm trẻ mầm non Hoàng Thị (đóng tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch).
Thay vì dành thời gian về hưu để nghỉ ngơi hoàn toàn, an hưởng tuổi già thì không ít người tiếp tục làm việc bởi họ cảm thấy mình còn có ích cho cuộc sống này.
Nhìn lại cơ sở mầm non với 3 lớp học được dồn bao tâm huyết từ năm 2017 - thời điểm nghỉ hưu cho đến nay, cô Hoàng Thị Lài bồi hồi: “Trước khi gắn bó hơn 30 năm công tác trong hệ Đảng, tôi xuất thân là một giáo viên tiểu học. Tôi có cảm tưởng như mình còn “nặng nợ” với nghề giáo lắm mỗi khi về thăm gia đình ở huyện Nhơn Trạch, nơi có đông công nhân xa quê làm việc trong các khu công nghiệp. Thấy con em công nhân theo cha mẹ xa quê mưu sinh phải gửi ở những người lớn tuổi trông coi một cách tự phát hoặc còn nhiều bé đi chơi rong theo nhóm, không được đến trường lớp hoặc cha mẹ tăng ca, phải “nhốt” con ở nhà nhờ phòng bên cạnh trông hộ... nên tôi đã quyết dành hết phần tiền tiết kiệm và chế độ nghỉ hưu để mở Nhóm trẻ mầm non Hoàng Thị”.
Thế là suốt hơn 3 năm nay, thay vì an hưởng và dành thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch, ngoài tham gia Hội Nữ trí thức tỉnh, cô Hoàng Thị Lài lại chọn cho mình một hành trình “khởi nghiệp” khó. Không khó sao được khi ở tuổi gần kề 60, người phụ nữ ấy vẫn bền bỉ đầu tư nhiều công sức, kinh phí cho một lĩnh vực chưa từng trải qua, vốn không mang lại nhiều lợi nhuận mà thay vào đó là nhiều áp lực. 6 ngày/tuần và mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 19 giờ túc trực quản lý, quán xuyến với cơ sở mầm non, cô cho rằng: “Có như vậy, cô mới yên tâm!”.
Nhớ lại những ngày đầu “khởi nghiệp”, cô Lài chia sẻ: “Khoảng 2 tháng đầu, tôi tính buông do áp lực từ nhiều vấn đề phát sinh mà tôi không lường trước ở môi trường mầm non. Việc đảm bảo an toàn, chu đáo trong chăm sóc, giáo dục gần cả trăm trẻ với đầy đủ thành phần “hiếu động” không hề đơn giản. Thời điểm ấy các thông tin về nạn bạo hành trẻ ở nhiều cơ sở mầm non rộ lên khắp nơi, dẫn đến lây lan tâm lý, áp lực từ phụ huynh… Nếu không làm tốt thì tâm huyết của mình đổ bể”.
Cô Hoàng Thị Lài đùa vui: “Hằng ngày, cô giáo mầm non chăm trẻ, tôi thì chăm lại các cô, để các cô yên tâm làm việc và tôi cũng yên tâm về sự an toàn của các bé”. Cô tâm sự: “Vào với nghề này rồi mới thấy thương cô giáo mầm non lắm, phải chăm sóc bé từ miếng ăn, giấc ngủ, không rời mắt từ các hoạt động học, vui chơi của bé… Thương hơn nữa, có một số bé 6 giờ sáng đã đến lớp nhưng hơn 20 giờ vẫn còn ở lại với cô giáo, chờ cha mẹ tăng ca xong mới được đón về nên cả cô và trò đều cần được quan tâm. Trong các buổi họp, trong trao đổi, trò chuyện với cô giáo, tôi luôn dặn dò, nhắc nhở và đặt ra các nội dung yêu cầu các cô giáo phải làm bản cam kết là không được bạo hành trẻ cả về tinh thần đến thể xác, nếu trẻ không ngoan thì chọn hình thức phạt theo gợi ý của các cô để răn dạy, từ đó tạo được lòng tin đối với phụ huynh trong nuôi dạy trẻ”.
Đến nay, niềm vui của cô Lài là việc dạy và học của cô trò ở Nhóm trẻ mầm non Hoàng Thị đã đi vào nền nếp, đầu tư các nguồn chủ yếu vào các hoạt động học tập, vui chơi cho bé nên các bé được nuôi dạy trong môi trường ngày một tốt hơn. Để rồi mỗi khi bận công tác xa, cô lại nhớ về hình ảnh những mầm non chỉ mới lên 3, lên 5, phát âm còn ngọng nghịu nhưng đã biết đứng nghiêm trang đặt tay lên ngực trái, hát trọn vẹn bài Quốc ca vào đầu tuần hoặc khi tổ chức lễ trọng ở nhóm trẻ… mà trong lòng vui sướng lạ! Niềm sung sướng ấy há chẳng phải là phần thưởng quý giá mà cô Hoàng Thị Lài mong đợi hay sao?
Ngoài dành phần lớn thời gian cho Nhóm trẻ mầm non Hoàng Thị, với uy tín và các mối quan hệ trong nhiều năm công tác, cô Hoàng Thị Lài còn vận động các mạnh thường quân thực hiện các đợt từ thiện, tặng quà và quần áo đồng phục cho gần 150 bé ở Trường mầm non Krong huyện Kbang tỉnh Gia Lai; tặng quà cho cha mẹ của các bé đang học tại cơ sở không có điều kiện về quê đón Tết; vận động bạn bè, người thân tặng quần áo để làm tủ quần áo từ thiện dành cho chính các bé ở nhóm trẻ của cô và người dân; tham gia ủng hộ chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tỉnh Kon Tum do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát động…
* “Nơi nào khó khăn, tôi luôn muốn tìm tới!”
Từ năm 2016 - thời điểm về hưu đến nay, những người thân quen thường thấy cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, nguyên Giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai, thường có các chuyến đi về những nơi khó khăn trong và ngoài tỉnh để thực hiện công tác từ thiện - xã hội.
“Niềm hạnh phúc đối với tôi là những việc làm của mình đã lan tỏa đến nhiều người. Nhiều học trò cũ, đội viên trưởng thành từ Nhà thiếu nhi Đồng Nai, những người bạn khắp các tỉnh, thành khi hay tin có chương trình thiện nguyện đều nhiệt tình tham gia, còn “đăng ký” cho chương trình tiếp theo” - cô Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết.
Có khi cô cùng đoàn “lặn lội” đến ở các huyện xa xôi của tỉnh như Tân Phú, Định Quán. Không lâu sau, lại thấy cô ngược xuôi lên đến đất mũi Cà Mau hay tận các tỉnh Yên Bái, Sơn La để trao gửi, chia sẻ sự thảo thơm của những tấm lòng được cô kết nối.
Tuổi cao nhưng “máu… phong trào” trong cô vẫn nguyên vẹn. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đoàn thể, cũng như từ uy tín và các mối quan hệ, cô Nguyễn Thị Ngọc Dung hằng năm đều tổ chức thực hiện các công trình từ thiện - xã hội có ý nghĩa như: tặng 1 căn nhà lớp học trị giá khoảng 280 triệu đồng ở bản Co Que, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La vào cuối năm 2019; phong trào Áo ấm tặng bạn với hơn 3 ngàn cái áo ấm với tổng trị giá khoảng 450 triệu đồng, dành tặng cho trẻ em khó khăn trong và ngoài tỉnh…
Luôn tâm niệm “Từ thiện - không làm phiền”, nên các chương trình du lịch - từ thiện do cô Nguyễn Thị Ngọc Dung khởi xướng, tổ chức và vận động chủ yếu đều do cô và các thành viên tự lo liệu chi phí. “Nơi nào khó khăn thì tôi tìm tới, trao gửi những tấm lòng mình vận động, kết nối được. Nhưng tới đó mà còn để đơn vị, bà con địa phương lo cho đoàn thì đâu có được, phải không làm phiền họ, đó mới là cái tâm của người làm công tác xã hội - từ thiện!”, cô Dung chia sẻ.
Những chuyến du lịch - từ thiện chủ yếu đến với những vùng điều kiện kinh tế khó khăn, đồng bào nghèo, nay có thể vô những bản làng sâu heo hút đồi dốc mà xe gắn máy chỉ có người địa phương mới dám chạy, mai có thể đến với vùng sông nước mênh mông… nhưng cô vẫn đi vì nghĩ: “Bản thân mình vẫn còn có ích, làm được thêm cho cộng đồng và hiểu thêm cuộc sống của những người dân vùng khó khăn, đó cũng xem như động lực để tôi tiếp tục hành trình kết nối những tấm lòng mạnh thường quân và gửi trao đúng địa chỉ”.