Những sai lầm phổ biến khiến thí sinh trượt đại học

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có hơn 200 trường đại học sử dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển. Việc có nhiều phương thức, tiêu chí đôi khi khiến thí sinh bị rối, để xảy ra sai sót và trượt đại học một cách đáng tiếc.

Bộ GD&ĐT lưu ý một số nội dung quan trọng với các cơ sở đào tạo (trường đại học), các thí sinh để công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi, đúng quy chế, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Theo đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường trên đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh của trường. Thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định của trường (về tiêu chí, điều kiện, hồ sơ, quy trình, thời gian dự tuyển) tại cổng thông tin tuyển sinh của trường.

Tất cả nguyện vọng của thí sinh bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT hoặc tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo không đủ điều kiện để xét tuyển. Khai báo, cung cấp đầy đủ, chính xác tất cả thông tin đăng ký dự tuyển vào các trường.

Một số lỗi phổ biến ở kỳ tuyển sinh các năm trước, thí sinh cần lưu ý:

Không chú ý đến điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ

Trong đề án tuyển sinh, các trường đại học nêu rõ điều kiện xét tuyển, thứ tự ưu tiên. Các điều kiện này có thể là điểm học bạ, điểm một môn trong tổ hợp hay yêu cầu về sức khỏe, độ tuổi.

Tuy nhiên thực tế các năm, nhiều thí sinh không đọc kỹ các điều kiện, dẫn đến đạt điểm chuẩn nhưng vẫn trượt sau khi trường hậu kiểm hồ sơ. Như tại Đại học Bách khoa Hà Nội, hàng năm ghi nhận hàng chục trường hợp thiếu điều kiện học bạ. Vì vậy, dù được thông báo trúng tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp, những em này lại trượt sau đó.

TS. Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội lưu ý: Đây là thời gian "nước rút" nên thí sinh cần nghiêm túc trong việc lựa chọn ngành, trường học. Rất khó có công cụ cho việc lựa chọn ngành, trường học nhưng thí sinh nên rà soát lại điểm trúng tuyển của cơ sở giáo dục đại học mà mình dự định đăng ký xét tuyển ở một vài năm trước. Sau đó, đối chiếu với kết quả thi tốt nghiệp THPT để có lựa chọn phù hợp.

"Các em cần đặc biệt lưu ý đến điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ. Các cơ sở giáo dục đại học đều công khai đề án tuyển sinh và có bộ phận giải đáp. Vì thế, thí sinh có thể tìm hiểu về trường học, ngành học mà mình dự định xét tuyển thông qua bộ phận tuyển sinh của trường để có lựa chọn đúng đắn, phù hợp".

Hiểu sai về xét tuyển sớm

Hầu hết đại học xét tuyển sớm với các phương thức phổ biến như xét học bạ THPT, chứng chỉ quốc tế, xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí. Khi thí sinh trúng tuyển sớm, các trường gửi mail thông báo và thường kèm lưu ý về việc đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển thành nguyện vọng 1. Có trường thỏa thuận với thí sinh về việc cam kết, xác nhận nhập học sớm.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn đại học năm 2024 được công bố trước 17h ngày 19/8.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn đại học năm 2024 được công bố trước 17h ngày 19/8.

Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh trúng tuyển sớm chỉ là kết quả tạm thời. Các em cần hoàn thành các bước đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ sau khi tốt nghiệp THPT, kể cả là các nguyện vọng đã trúng tuyển. Nếu không, việc trúng tuyển sớm là vô nghĩa. Ngược lại, thí sinh không bắt buộc đăng ký ngành đã trúng tuyển sớm nếu không thực sự yêu thích.

PGS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhắc nhở: "Thí sinh nên để nguyện vọng mình yêu thích nhất lên làm nguyện vọng 1, thay vì đặt nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không thực sự yêu thích lên đầu".

Không nắm vững cách tính điểm xét tuyển của từng trường

Thông thường, các trường đại học tính điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp theo học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT, cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích. Tuy nhiên, một số trường có cách tính khác.

Ví dụ tại Đại học Bách khoa Hà Nội, một số ngành ưu tiên điểm môn Toán và tính điểm theo công thức: (Toán x 2 + Môn 2 + Môn 3) x 3/4 + Điểm ưu tiên. Công thức tính này khiến hai thủ khoa khối A00 (Toán, Lý, Hóa) toàn quốc trượt nguyện vọng 1 năm ngoái.

Thí sinh cần nắm vững cách tính điểm xét tuyển của từng trường, từng ngành để xem xét khả năng trúng tuyển, từ đó đưa ra quyết định.

Đối nguyện vọng không cùng nhóm trường

Đối với khối trường quân đội có đặc thù là thí sinh phải vượt qua vòng sơ tuyển với các tiêu chí về sức khỏe, chính trị, đạo đức. 17 trường quân đội chia thành hai nhóm. Nhóm đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật gồm Học viện Quân y, Học viện Khoa học Quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Nhóm đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần gồm những trường còn lại. Một số điều kiện sẽ khác nhau giữa hai nhóm trường.

Ví dụ, điều kiện chiều cao với thí sinh nam đăng ký vào nhóm sĩ quan chỉ huy tối thiểu 1,65 m nhưng với nhóm sĩ quan chuyên môn kỹ thuật chỉ là 1,63 m. Về thị lực, nhóm sĩ quan chỉ huy không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ trong khi nhóm khác được tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ không quá 3 đi-ốp.

Thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng 1 vào một trường quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển. Khi đổi nguyện vọng, thí sinh chỉ được đổi nguyện vọng trong cùng nhóm. Nếu vì thấy điểm cao mà chuyển nguyện vọng sang trường ở nhóm khác so với trường đăng ký khi sơ tuyển, thí sinh sẽ bị đánh trượt dù đạt điểm chuẩn. Trường hợp này đã xuất hiện ở những năm trước.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, các trường đại học hoàn thành xét tuyển sớm và thông báo kết quả với thí sinh trước 17h ngày 10/7. Thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7.

Điểm chuẩn đại học năm 2024 được công bố trước 17h ngày 19/8.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-sai-lam-pho-bien-khien-thi-sinh-truot-dai-hoc-169240515211256754.htm