Những người trẻ... sống chậm

Bên cạnh sự kết nối sâu rộng với bên ngoài, gen Z đặc biệt quan tâm đến đời sống nội tâm, sức khỏe tâm thần rõ nét hơn so với các thế hệ trước

"Bận rộn, căng thẳng, chạy deadline, peer pressure (áp lực đồng trang lứa)"…là "nỗi niềm" hết sức phổ biến của giới trẻ. Nhưng ngoài sự hối hả, "tăng tốc" thì rất nhiều gen Z vẫn coi trọng lối sống tỉnh thức - tập trung từng khoảnh khắc hiện tại, trân trọng ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Huyền Trang trân quý khoảnh khắc yên bình trên núi khi mặt trời lên

Làm chủ cảm xúc

Tháng 3 năm nay, khoảng 200 sinh viên đã cùng trải nghiệm một ngày sống tỉnh thức tại sự kiện "Ngày an lành" được tổ chức tại Trường ĐH Fulbright Việt Nam (quận 7, TP HCM). Chương trình mang đến talkshow chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia về tâm lý và tâm thần học.

Có nhiều lý do thu hút bạn trẻ đến đây. Đa số sinh viên mong muốn tiếp cận nhịp sống chậm hơn lối sống cũ của mình. Thay vì làm mọi thứ một cách gấp gáp, họ muốn tận hưởng từng công việc và tìm ra niềm vui sau mỗi hành động. Một số bạn trẻ thì có nhu cầu quay về với chính họ và biết cách cân bằng bản thân, nhất là khi gặp khó khăn.

Sinh viên Nguyễn Thành Phương tâm tình: "Thực tập mindfulness (tỉnh thức) với tôi là "môn thể thao" hữu ích. Khả năng có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại và cảm nhận các điều kiện hạnh phúc cũng giống như một loại cơ bắp. Cần thực tập thường xuyên để "cơ bắp" dẻo dai và khỏe mạnh. Tinh thần vững chãi là nền tảng để ta vượt qua thử thách".

Các bạn trẻ cùng Thiền hành (vừa đi vừa thiền)

Ngoài hoạt động trên, ngày nay, gen Z còn sẵn sàng nghỉ ngơi, thư giãn, chữa lành, vun bồi bình yên trong tâm hồn thông qua những chuyến retreat, khóa học… tại vườn rừng như Vườn Xả (Buôn Ma Thuột), tại khu nghỉ dưỡng thuận tự nhiên như An Hòa Viên (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Ở những nơi này, bạn trẻ hạn chế tiếp xúc trang thiết bị điện tử và dành hầu hết thời gian với thiên nhiên như trồng hoa, tưới rau, hái quả... Họ trở về nếp sống nhẹ nhàng, tối giản khi dùng món ăn được chế biến bởi rau củ quả tại vườn và trò chuyện, chơi thể thao cùng nhau.

Lê Kiều Oanh - tình nguyện viên chương trình retreat "Simple Things" kể: "Các chuyến retreat giúp bạn trẻ sống chậm vài nhịp. Tôi học được cách dừng lại, quan sát, gọi tên cảm xúc của mình để điều chỉnh hành xử, phát ngôn. Tôi thêm thấu hiểu mọi người và ít hành động bộc phát, nóng nảy. Mindfulness còn dạy tôi nhìn sâu, nghe kỹ và nhận ra mọi thứ quanh ta đều đáng yêu".

Thêm yêu đời, yêu người

Trương Huyền Trang (nhân viên truyền thông tại TP HCM) ví von năng lượng của mỗi người giống như nhiên liệu cho xe chạy. Nếu mải miết "chạy" mà không dừng lại nạp thêm xăng, dầu thì đến lúc sẽ cạn kiệt, bối rối vì không thể tiến về phía trước. Cô gái 23 tuổi "nạp đầy bình" bằng cách thả mình trong năng lượng thuần khiết của thiên nhiên.

Thiên nhiên xanh mát, trong lành giúp bạn trẻ rũ bỏ suy tư, “sạc đầy pin”

Huyền Trang vừa hoàn thành chuyến leo núi ở Đỉnh Hòn Vượn (thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Chuyến đi bắt đầu từ tinh mơ, băng qua những cánh đồng lúa xanh ngát ủ trong sương, cô hít đầy phổi không khí trong lành ban mai ở miền quê. Núi ở độ cao chừng 300 m so với mực nước biển. Cô chú tâm vào từng bước chân và thở đều, càng lên cao quang cảnh càng thoáng đạt. "Âu lo, muộn phiền bay biến mất, chỉ còn ánh sáng chan hòa và hạnh phúc giản dị khi ngắm mây trắng bồng bềnh trôi, từng bông hoa ngọn cỏ rung rinh bên đường. Tôi mở tung cánh cửa tâm hồn và cơ thể cho thiên nhiên đi vào nuôi dưỡng và trị liệu mình. Lòng lắng dịu, người nhẹ nhàng thư thái" - Trang kể.

Hoạt động trở về với thiên nhiên ngày càng được gen Z yêu thích

Suốt 6 km leo lên và về, Trang và các bạn đồng hành nhắc nhau thở sâu, bước vững chãi để không bị hụt hơi hay té ngã. Rộn rã bao tiếng cười, câu chuyện khi họ cùng len lỏi dưới những tán cây. Cứ vượt qua một con dốc, nhóm lại ngồi nghỉ, uống nước và ngắm cảnh.

Sau khoảng 2 giờ leo với nhiều chặng nghỉ, Trang thả lỏng bên một cội thông ở đỉnh núi. Cô nói: "Không cần đợi lên đến đỉnh núi mới tận hưởng được cảnh đẹp, bởi ngay trên đường, ta đã khám phá được nhiều điều mầu nhiệm thiên nhiên hiến tặng. Rừng cây bao bọc, che chở, ôm lấy tôi. Tôi có cảm giác mình được tắm, được ngâm mình vào màu xanh mát dịu của lá, hương thông thoang thoảng cùng tiếng gió, tiếng chim. Trở về với thiên nhiên cùng người thân thương là cách kết nối sâu sắc hơn với bản thân, xốc lại tinh thần, vững bước cho chặng đường tương lai. Yêu mình đủ thì mới có đủ năng lượng để yêu người, yêu đời".

Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, có không ít bạn còn loay hoay, chịu đựng những vấn đề tâm lý khó giãi bày. Do đó, cần có sự chú trọng đến các chương trình hỗ trợ tâm lý cho người trẻ, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ cùng cách xử lý các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, để hạn chế tác dụng tiêu cực của mạng xã hội, người trẻ cần thực hiện các biện pháp như đặt giới hạn thời gian sử dụng, tìm kiếm nội dung tích cực, giảm động lực cạnh tranh, thực hiện các hoạt động khác, giảm áp lực tương tác, chia sẻ tình cảm thật, tìm hiểu về các công cụ hỗ trợ và dừng sử dụng mạng xã hội trong một thời gian ngắn.

Nguyễn Thuận

Bài và ảnh: Thường An - Thiên Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nhung-nguoi-tre-song-cham-20230506195430838.htm