Những ngày đầu ở chiến trường B3 Tây nguyên

Trích hồi ký LÀM BÁO Ở CHIẾN TRƯỜNG của Lê Văn Hy.

Tôi vào đến Bộ Tư lệnh B3 ngày 27/6/68, trải qua 47 ngày đêm đi xe và đi bộ. Chúng tôi có 8 người: Trần Quý Giang, đại úy, phân xã quân đội, Lê Văn Hy, Nguyễn Thế Viên. Lương Biên, Ngô Xuân Tường, Nguyễn Hữu Nền, phóng viên tin, ảnh của TTX, Lưu Đức Hiệp báo Nhân dân và hai báo vụ. Chúng tôi phải tạm ở phân đội Điện ảnh (chiếu bóng) của B3 để chờ nghe trưởng ban Tuyên huấn ra nói chuyện.

Đã trải qua hơn một tháng nằm trên xe, nằm ngoài bến, nằm trong rừng, nằm trên trạm giao liên nhưng đêm đó là đêm đầu tiên tôi ngủ ở khu vực bộ tư lệnh B3, tuy đó chỉ là một nhà lá thấp lè tè và ẩm ướt.

Buổi tối, cũng là lần đầu tiên tôi được nghe con gì đó nó kêu oang oang như tiếng kèn kéo dài vừa buồn vừa ghê sợ. Kính, quản lý của phân đội điện ảnh nói với tôi: Đó là con thổi kèn, nó vẫn kêu vào lúc trên 6 giờ tối.

Ngay sáng hôm sau, tôi và Nguyễn Thanh Tùng (báo vụ) theo Kính đi Q7 để lĩnh hàng, vì trong đó có cả phần sữa của chúng tôi. Thông thường thì mới vào, chúng tôi mỗi người được một hộp sữa nước. Trong 7 ngày đầu mỗi ngày còn được ăn thêm một lạng gạo, gọi là để bồi dưỡng cho những người mới vào chiến trường.

Chúng tôi đi theo con đường thồ quanh co trên các triền núi, khu vực rất nhiều suối, hơn nữa trong mùa mưa phải đi qua nhiều chiếc cầu gỗ lát phên nứa. Quá trưa mới về đến nhà, người mệt phờ. Kính còn nói chuyện nhiều lắm. Chúng tôi được biết phòng Chính trị còn có đội văn nghệ xung kích đang đi biểu diễn, ở nhà chỉ còn Thời là quản lý, đơn vị cũng ở ngay gần đó.

Kính còn cho biết phòng Chính trị cũng có rẫy trồng sắn, cách đó những hơn một ngày đường. Ở gần đấy cũng có khu vực của phòng nhưng chỉ ở vào mùa mưa còn mùa khô không có nước. Ở đấy gọi là Cánh Trung. Cho đến tháng 5 năm 1970, phòng Chính trị chúng tôi vẫn đi đi về trên hai địa điểm Q8 và Cánh Trung.

Sau khi nghe anh Nguyễn Đằng, Thiếu tá, trưởng ban Tuyên huấn ra nói chuyện, tôi và Lương Biên được lệnh lên đường đi phục vụ chiến dịch ở Cánh Nam, vì vậy tôi và Lương Biên được vào Phòng trước. Anh Giang và anh Viên cũng vào để dự chỉnh huấn tổng kết chiến dịch mùa khô của Bộ Tư lệnh. Chờ họp xong, chúng tôi sẽ theo đoàn cán bộ ở Cánh Nam về. Còn lại ở phân đội điện ảnh là Lưu Đức Hiệp, Ngô Xuân Tường, Nguyễn Hữu Nền, Nguyễn Thanh Tùng thì đi làm nhà ở Cánh Trung chờ Phòng di chuyển. Trong khi chờ đợi ở Q8, tôi chỉ có ngày hai bữa ăn rồi chơi. Dạo đó vẫn được ăn ngày 6 lạng gạo, không phải độn vì ở xa rẫy sắn. Tôi ở với anh em báo Quân giải phóng Tây Nguyên, do anh Thanh, Đại úy làm Tổng bien tập. Phóng viên có anh Nguyên, các anh Nguyễn Khắc Quán, Nguyễn Văn Minh, Hoàng Khắc Nhu, Lê Sĩ Hành (Còn Nguyễn Đình Thảo, Đinh Ngãi lúc đó đi công tác vắng, tôi chưa gặp). Hành cũng trong danh sách đi Cánh Nam với bọn tôi. Mùa mưa đã được gần một tháng, suối vẫn chẩy ầm ầm. Tôi theo Hành đi đào măng. Hành tỏ ra tháo vát biết chỗ nào có măng và đào măng như thế nào. (Sau này tôi cũng có kinh nghiệm lấy măng và được anh em gọi là trạng măng đấy).

Chúng tôi hành quân vào Cánh Nam, xuất phát ngày 7/7/1968, gồm Lê Văn Hy, Lương Biên, Lê Sĩ Hành (phóng viên) và Du báo vụ. Hành được chỉ định làm đội trưởng còn Biên làm tổ trưởng Đảng. Ngay đêm đầu tiên của đợt hành quân chúng tôi nghỉ ở khu vực rẫy của Đại đội trinh sát gần T9. Thường ở B3 mỗi đơn vị để ra vài ba người trông coi rẫy của đơn vị. Tổ sản xuất này còn có nhiệm vụ săn bắn đánh cá, chăn nuôi lợn gà cho đơn vị. Du quen với một đồng chí bộ đội ở đây nên đưa chúng tôi vào nghỉ đêm. Tất cả chúng tôi đều thèm rau, ở phòng thì không có rau, chỉ có rau rừng thậm chí rau sắn cungxkhoong có. Anh em bàn nhau ra rẫy xin rau sắn.

- Rau muống thì thiếu gì mà phải ăn rau sắn - Một đồng chí trong rẫy nói.

Và sáng hôm sau chúng tôi đã thấy một rổ rau muống luộc non xanh, lại còn có cả thịt máng (lúc đó tôi vẫn chưa biết con mang là con gì. Sau mới biết mang tức là hoẵng, con vật trông giống con nai nhưng chỉ to bằng con chó tây nhưng thịt ngon hơn thịt nai). Chúng tôi ăn một bữa thịt mang, gan tim thoải mái. Ăn đến mức mà hôm qua chỉ thèm rau sắn thì hôm nay rau muống cũng bỏ thừa. Hành nói với tôi:

- Ở trong này chỉ được no đủ từng bữa thôi, còn khổ thì triền miên lâu dài.

Ở lâu trong này tôi mới thấy câu nói của Hành là đúng.

Đã đến bờ sông Pô –Cô, con sông đã có tên tuổi gắn liền với các chiến công chảy từ Kon-Tum qua Gia Lai rồi đổ vào sông Cửu Long. Sông rộng đá mấp mô, nước chẩy xiết, nghe nói còn có cả cá sấu nữa. Qua sông Pô Cô chúng tôi đi thuyền gắn máy, phải đợi đến chập tối mới dám chạy vì tránh máy bay địch. Qua sông Pô Cô chúng tôi đi trên một vùng bằng phẳng toàn rừng khộp và cỏ le và kéo dài cho đến Cánh Nam. Rừng Kon-Tum núi dựng đứng bao nhiêu thì rừng Gia Lai Đắc Lắc lại bằng phẳng bấy nhiêu. Những cây khộp lần đầu tiên tôi trông thấy là những cây có thân hình hơi cong, nhiều nhánh, lá to như lá bàng. Chỉ về mùa mưa mới có còn về mùa khô, cỏ khô héo vì bị cháy trụi, chỉ cần một tàn lửa nhỏ trong rừng đủ làm cả rừng cỏ le cháy trụi, đêm lửa sáng rực cả một vùng. Đó cũng chỉ là nghe nói thôi, còn sau này trong những mùa khô ở Tây Nguyên, tôi vẫn chưa có dịp qua rừng cỏ le. Trước mắt lúc đó tôi chỉ thấy các cây khộp có vỏ bị cháy đen nhưng lá cây vẫn xanh tốt. Cháy đen đó là do ảnh hưởng của rừng cỏ le bị cháy, nhưng cây khộp chỉ cháy vỏ, thân có sức sống bền bỉ, dai dẳng nên chịu đựng được.

Trải qua 18 ngày hành quân chúng tôi đến Cánh Nam. Bộ Tư lệnh ở đây là sở chỉ huy nhẹ tách ra, chức phó làm chức trưởng. Cũng có ba phòng Tham mưu Chính trị Hậu cần. Phòng Chính trị Cánh Nam do ông Định làm chủ nhiệm. Trưởng ban Tuyên huấn là ông Thạch. Trong ban có anh Nhân quê Nghệ An, Hiền, Tuấn và các đồng chí ở các ban khác. Việc đầu tiên cũng là lần đầu chúng tôi làm nhà ở. Tôi, Biên, Du, Hành, Hiền làm một cái nhà lợp tranh trong 3 ngày là xong. Ở đây, tôi cũng lần đầu tiên đi gùi gạo. Từ phòng phải đi lộn về đến Trạm Mười chín. Đi một ngày căng mới tới. Còn khi về gùi nặng phải đi 2 ngày. Tôi gùi hơn 30 kg. Lúc đầu mà gùi thế là khá. Lúc đó tôi chưa bị sốt rét nên da đỏ trắng khỏe. Hành thường tị với nước da của tôi nhưng anh tiên đoán rằng chỉ một vài trận sốt rét da lại bủng beo xám xịt ra mà xem. Biên đi dự hội nghị thi đua ở Trung đoàn Hồng Lĩnh. Tôi ở nhà viết tin. Ở đây được mười ngày tôi đã được ăn một bữa thoải mái do Hiền và vệ binh bắn được. Ban Tuyên huấn được một nửa buồng gan, cộng một phần lá lách voi, ăn hai, ba bữa mới hết. Ở đây chúng tôi còn được ăn thịt lợn rừng, dộc, vượn, chồn đều do Tuấn, Hiền săn bắn được. Rừng ở đây bằng phẳng rất nhiều thú, các anh chỉ săn vào buổi sáng. Suốt những năm ở B3, tôi chỉ thấy ở đây là săn vào ban ngày, còn ở nơi khác đi săn phải đội đèn soi vào ban đêm.

Ở đây khoảng hơn nửa tháng thì phòng di chuyển sâu hơn để tiện chỉ đạo đánh Đức Lập. Lê Sĩ Hành và Lương Biên đã đi phía trước, tôi được phân công ở nhà viết tin nên đi với Phòng. Tôi và anh Nhân đi trước vài hôm vì còn qua chỗ “Khẩu”. Đi đường tôi phải dùng hộp sữa nước mà Phòng bồi dưỡng hôm mới vào vẫn còn đeo theo hôm nay mới dùng. Anh Nhân còn bảo tôi lấy “gô “ pha trà. Đi suốt một ngày vẫn trên đường bằng đá sỏi, chung quanh là những tảng đá to xen lẫn cây thưa. Đến tối thì gặp đường ô tô. Dọc theo đường ô tô là đên nhà của bộ phận ở Cửa khẩu. Từ Cửa khẩu về nơi trú quân của phòng chỉ vài tiếng đồng hồ. Đoàn cán bộ các ban cũng vừa đến. Anh em đang làm chỗ căng tăng mắc võng. Tôi lúc đó cảm thây mệt mỏi và sau đó thì lên cơn sốt. Cái sốt đầu tiên ở chiến trường mới ê ẩm làm sao. Kéo dài suốt mấy ngày liền. Tuy vậy tôi vẫn viết tin và bản tin Giải phóng quận lỵ Đức Lập vẫn là tin tôi viết.

Sốt ngày càng nặng không ăn uống được mấy. Tuy lúc đó còn được ăn 6 lạng gạo/ngày và còn có cả thức ăn đồ hộp nữa. Vẫn sốt nặng nóng hầm hập. Anh Vỹ nói với anh Thạch trưởng ban Tuyên huấn phải gấp rút cho tôi đi viện thôi. Tôi được đi vào viện 79C. Viện này là của B2 nhưng cán bộ chiến sĩ B3 đang đánh Đức Lập vẫn được điều trị. Cũng là người của Phòng Chính trị với tôi đang điều trị sốt rét ở đây có anh Ruẩn, cũng ở Nam Hà.

Ở Viện 79C có một sự kiện có lẽ tôi không bao giờ quên được. Đó là vào một buổi sáng, anh Ruẩn rủ tôi xin phép về Phòng chơi. Xa Phòng mấy hôm tôi cũng muốn về thăm anh em. Thế là tôi đi theo anh Ruẩn. Anh dẫn tôi đi cắt rừng mà anh bảo là gần lắm. Đi một lúc ,tôi thấy anh Ruẩn cứ nói lảm nhảm không đâu vào đâu mới biết là anh bị sốt rét đã mất trí nhớ. (Một hiện tượng của sốt rét ác tính). Tôi kéo anh về nhưng anh cứ nhất định đi. Thế là tôi cứ phải theo anh. Mình về một mình bây giờ mà để anh đi trong lúc như vậy thì không đành lòng được nên cứ phải theo anh đi hết đường mòn này đến đường mòn khác. Trời thì gần tối, tôi rất lo. Lại nghĩ giá mình mang khẩu súng đi thì lúc này mình sẽ bắn hêt băng đạn để báo hiệu cho các đơn vị nào đó đến để cưuus mình. Chúng tôi đành đốt lửa. Chẳng may chiếc bật lửa của anh Ruẩn cũng hết dầu hết đá. Nằm không trên một khu rừng hoang vắng mà tôi lo làm sao ngày mai tìm được đường về. Càng lo càng không ngủ được, tôi nằm ôm lấy anh Ruẩn chỉ muốn khóc thôi. Tảng sáng, anh Ruẩn đã hơi tỉnh lại, chúng tôi đi tìm đường giao liên phát hiện ra một đường nhỏ rõ ràng là mới có người đi qua, vì trên đó còn một cành lá tươi mới bứt làm chỗ ngồi. Bụng đói nhưng khổ nhất là khát. Cả hai chúng tôi đều không ai mang bi đông nên mỗi khi qua một cái suối lại uống thật no để dự trữ. Quả thật đi qua đường mới phát hiện đó thì chúng tôi gặp được hai anh bộ đội trinh sát của Phòng Tham mưu gần đó nhưng đang đi công tác. Thấy chúng tôi đói đã hơn một ngày một đêm hai anh lấy gạo rang đưa cho chúng tôi ăn. Ăn gạo rang uống nước suối mà sao thấy ngon thế. Hai anh chỉ đường cho chúng tôi về trạm giao liên A5 và từ A5 chúng tôi tìm đường về viện 79C.

Hết sốt, tôi ra Viện tiếp tục viết tin. Được mười ngày sau thì Bộ Tư lệnh Tiền phương cũng rút về chuẩn bị mở chiến dịch đường mười chín An Khê.

Khi đi chỉ có 4 anh em chúng tôi nhưng khi về thì đông vui gồm cả ba phòng Tham mưu Chính trị Hậu cân. Có cả Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo và Thượng tá Đặng Vũ Hiệp mới ra họp ở ngoài Bắc vào. Các đồng chí đi máy bay từ Hà Nội qua Nông Pênh nên về theo lối này.

Lê Văn Hy

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-ngay-dau-o-chien-truong-b3-tay-nguyen-a21878.html