Những lý do Mỹ có thể chuyển giao 'báo thép' Bradley cho Ukraine
Xe chiến đấu bộ binh (IFV) Bradley, vốn đã được coi là phương án hiệu quả để tăng cường sức mạnh cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Trên thực tế, có nhiều yếu tố khiến Mỹ có thể cung cấp số lượng đáng kể phương tiện chiến đấu này cho Kiev.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang cân nhắc chuyển một số xe chiến đấu bộ binh (IFV) M2 Bradley cho Ukraine. Theo Forbes, đây chính xác là một trong những vũ khí mà quân đội Ukraine đang muốn sở hữu khi cuộc xung đột với Nga đã kéo dài tới tháng 11 và Kiev vẫn đang lên kế hoạch cho một cuộc phản công.
Xem xét những thách thứctrong việc chuyển giao xe thiết giáp cho Ukraine - tính đến cả tầm quan trọng chiến lược của dòng xe tăng Abrams trong kho dự trữ vũ khí của Mỹ và việc chuyển giao Leopard 2 đòi hỏi sự chấp thuận phức tạp của cả tập thể - thì việc chuyển giao xe chiến đấu bộ binh Bradley có vẻ khả thi hơn.
Đặc biệt, xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ, không chính thức được coi là một trong những “lựa chọn tác chiến”. Ưu điểm chính của Bradley đối với Lực lượng Vũ trang Ukraine là Mỹ có cơ hội chuyển giao loại vũ khí này với số lượng đáng kể. Đây là kịch bản lý tưởng hơn nhiều so với việc đợi các quốc gia NATO ở châu Âu bắt đầu phân bổ từng loại xe chiến đấu bộ binh cho các đơn vị khác nhau - chẳng hạn “quái vật” biến hình CV90, xe thiết giáp Marder, Warrior, ASCOD, Dardo hay AMX -10P.
Trên thực tế, kho dự trữ của Quân đội Mỹ có tới 2.800 chiếc Bradley các phiên bản, bao gồm cả loại trinh sát M3 Bradley. Đây là một số lượng đáng kể.
Đối với Mỹ, xe chiến đấu bộ binh Bradley cũng có giá thành khá rẻ. Trở lại năm 2017, các cuộc thảo luận về việc chuyển giao khoảng 80 - 90 chiếc Bradley phiên bản M2A2 BMP từ kho dự trữ của Quân đội Mỹ đến Croatia đã được tiến hành. Song Croatia đã đắn đo rất lâu và chỉ đồng ý mua 89 chiếc Bradley vào đầu năm 2022. Theo thỏa thuận, những chiếc IFV đầu tiên sẽ được chuyển đến Croatia vào năm 2023.
Thỏa thuận này trị giá 196,4 triệu USD. Trong đó, Mỹ chi tới 51,1 triệu USD. Tức là Croatia chỉ phải trả 1,63 triệu USD cho mỗi chiếc xe chiến đấu bộ binh Bradley. Thực tế, thỏa thuận này là một phần của chương trình liên kết khôi phục và hiện đại hóa phương tiện cũng như mua bán vũ khí của nước này. Nếu tính đến việc mua 1,6 nghìn tên lửa chống tăng TOW 2 và thực hiện quá trình hiện đại hóa trong thời gian dài, thì mức giá này có thể được coi là thỏa đáng.
Năm 2020, đã có một số đề xuất chuyển 350 xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Hy Lạp theo một chương trình viện trợ tương tự. Nhưng dường như Athens đã không có nhu cầu sở hữu những phương tiện này ở thời điểm đó. Năm 2017, Lebanon tỏ ra linh hoạt hơn và đã nhận được 32 chiếc IFV Bradley.
Thoạt nhìn, hiện tại ở châu Âu không có lực lượng nào đủ khả năng vận hành những chiếc IFV Bradley. Nhưng trên thực tế có một lực lượng là Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ có khả năng này. Đặc biệt, cụm tác chiến của Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn bộ binh số 1 của Quân đội Mỹ đóng tại châu Âu đã được trang bị xe tăng Bradley.
M2 Bradley nặng 25 tấn do BAE Systems sản xuất, là xe chiến đấu bộ binh. Đây là một loại xe bọc thép chở quân nhưng nhờ có hệ thống pháo, nó cũng có thể chiến đấu. Ngoài việc đưa quân đi khắp chiến trường, IFV đi cùng và bảo vệ xe tăng cũng như bộ binh trên tiền tuyến.
Kíp lái M2 Bradley có 3 người. Phương tiện được trang bị súng máy 25 mm, bệ phóng tên lửa chống tăng TOW. Lớp giáp của M2 Bradley có thể chịu được hỏa lực súng máy hạng nặng đối thủ.
M2 Bradley đã hoạt động trong 40 năm qua và không phải là dòng IFV tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, nó được cho là có uy lực ngang hoặc thậm chí hơn một số xe chiến đấu bộ binh trong kho vũ khí của Nga và Ukraine.