Những công nhân cần cù, sáng tạo

Yêu nghề và sáng tạo, nhiều công nhân đã được tôn vinh là lao động giỏi. Với họ, khi tự hào về nghề thì chính nghề sẽ mang lại thành công.

Công nhân cao su ưu tú

Không có đất sản xuất, cũng không có vốn để chăn nuôi, gia đình chị Siu H’Hép (SN 1979, làng Tung Mo B, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) rơi vào cảnh nghèo triền miên. Năm 2005, không đành lòng nhìn những bữa ăn thiếu thốn của 3 đứa con nhỏ, chị H’Hép xin vào làm công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê. Chị nhớ lại: “Ngày đó, người dân tộc thiểu số ít ai nghĩ đến việc đi làm công nhân mà chỉ quanh quẩn trong làng đi làm đổi công, nuôi heo, nuôi gà nên không đủ ăn. Bây giờ thì khác rồi, nhiều người làm công nhân nên cuộc sống đã khá hơn”.

Những ngày đầu đi cạo mủ cao su, chị H’Hép rất lo vì không thạo việc như người khác. Thế nhưng, với sự hướng dẫn tận tình của mọi người, chị H’Hép đã tiếp cận công việc rất nhanh. Nhiều năm qua, chị H’Hép luôn vượt kế hoạch được giao trên 4 ha cao su kinh doanh. Chị cho biết: “Làm công nhân cao su giúp tôi có điều kiện nuôi các con khôn lớn, sửa chữa nhà cửa khang trang hơn. Mọi người trong tổ sản xuất cũng luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau nên mỗi ngày đi làm tôi đều thấy rất vui”.

Chị Siu H’Hép (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) là công nhân ưu tú của ngành Cao su nhiều năm nay. Ảnh: N.G

Chị Siu H’Hép (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) là công nhân ưu tú của ngành Cao su nhiều năm nay. Ảnh: N.G

Yêu nghề, trăn trở tìm cách nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, đến nay, chị H’Hép đã trở thành công nhân ưu tú của ngành Cao su Việt Nam. Nhiều năm liền chị được Công ty khen thưởng. Riêng 3 năm gần đây, chị liên tục nhận được bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tháng 3-2020, chị là nữ công nhân duy nhất được Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đề cử tham dự lễ tôn vinh nữ công nhân viên chức lao động ngành Cao su lần thứ 2 tại TP. Hồ Chí Minh. Nói về chị H’Hép, chị Nguyễn Thị Kiều-Tổ trưởng Tổ sản xuất số 5 (Nông trường Ia Ko) tự hào: “Chị H’Hép là tấm gương lao động tiêu biểu cho những công nhân khác noi theo. Cùng một công việc, nhưng vào tay chị H’Hép là gọn gàng, hiệu quả không ngờ. Kết quả đó có được là nhờ chị luôn chịu khó học hỏi, rèn luyện”.

“Cây chổi vàng” Phố núi

Cũng như chị H’Hép, những niềm vui nhỏ mà công việc đem lại đã giúp chị Nguyễn Thị Bích Hương (SN 1981, công nhân Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai) gắn bó với công việc nặng nhọc này suốt 14 năm qua. Những ngày này, khi mọi người nghỉ ở nhà tránh dịch Covid-19, lượng rác sinh hoạt thải ra nhiều hơn khiến công việc của chị càng thêm vất vả. Cảm thông với công việc của chị, một số người dân thi thoảng lại gửi tặng lon nước mát hay gói bánh quy, nhưng cũng có không ít người thiếu ý thức xả rác bừa bãi. Không ít hôm đi làm về khuya, bị đám người xấu trêu ghẹo, chị từng có ý định bỏ việc. Nhưng rồi được chị em trong đội chia sẻ, động viên, chị lại có thêm động lực để tiếp tục công việc.

Trò chuyện với chị Hương, chúng tôi mới biết, nếu không linh hoạt áp dụng cách làm phù hợp mà chị đề xuất như dùng xe máy chuyển rác từ những con hẻm dốc đứng, sâu hun hút ra xe thu gom rác thì công việc còn vất vả đến mức nào. Hoặc nếu không sáng chế ra những chiếc xe kéo tay thì rác thải ở những con hẻm nhỏ sẽ không có cách nào thu gom được. Những “Cây chổi vàng” như chị Hương đang nắm giữ một nhiệm vụ rất quan trọng là giữ cho Phố núi sạch đẹp mỗi ngày.

Không ngừng sáng tạo

Anh Trần Văn Thành (SN 1979, công nhân Điện lực Mang Yang) cũng đã có thâm niên 22 năm trong nghề. Anh chia sẻ: “Nghề điện là công việc khá nặng nhọc và nguy hiểm, ngày đêm theo dõi từng đường dây, từng trạm biến áp để đảm bảo dòng điện được vận hành an toàn. Dù vậy, tôi vẫn luôn khắc phục khó khăn để gắn bó với nghề”.

Anh Trần Văn Thành là công nhân lao động và an toàn vệ sinh viên giỏi, tiêu biểu giai đoạn 2017-2019 của ngành điện. Ảnh T.B

Anh Trần Văn Thành là công nhân lao động và an toàn vệ sinh viên giỏi, tiêu biểu giai đoạn 2017-2019 của ngành điện. Ảnh T.B

Không chỉ hoàn thành tốt công việc, anh Thành còn phấn đấu trở thành lao động giỏi với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Với nỗ lực không ngừng, anh Thành đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam biểu dương là công nhân lao động và an toàn vệ sinh viên giỏi, tiêu biểu giai đoạn 2017-2019 với sáng kiến “Gia công bộ mâm ra dây”. Từ thực tế thi công, anh Thành nhận thấy hạng mục thi công thay dây và kéo dây khá vất vả, công nghệ ra dây từ bành dây tốn nhiều sức, dễ rối, dễ xảy ra tai nạn mà tiến độ lại chậm. Do vậy, anh đã tận dụng vật tư thu hồi trong kho của đơn vị và mua thêm một số vật liệu giá rẻ để gia công bộ mâm ra dây gồm: bộ mâm có đĩa sắt quay trên trục của 1 ổ bi lớn ở giữa và 4 ổ bi phụ nhỏ chia đều, đỡ theo chiều thẳng đứng của mâm xoay, khi ra dây chỉ cần cẩu bành dây đặt trên mâm quay rất tiện lợi, nhanh chóng, vận hành nhẹ nhàng.

Sáng kiến này sau đó đã được áp dụng để thay dây tại rất nhiều công trình. Nếu ra bành dây nặng 1,8 tấn với tiết diện 185 mm2 bằng phương pháp thủ công sẽ phải có 4 lao động cùng làm trong vòng 2 giờ. Còn khi áp dụng sáng kiến của anh Thành thì chỉ tốn 2 nhân công và thực hiện chỉ trong vòng 1 giờ. Công việc trở nên nhẹ nhàng, không cần nhiều người đứng tại bành trong quá trình ra dây giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, phòng tránh tai nạn xảy ra. Sáng kiến này hiện đã được nhân rộng, áp dụng tại các chi nhánh của Công ty Điện lực Gia Lai.

NGUYỄN GIANG-THỦY BÌNH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12379/202005/nhung-cong-nhan-can-cu-sang-tao-5680741/