Những chiến sĩ biển khơi

Những chuyến tàu ra thăm, tặng quà các nhà giàn DK1 là hoạt động ý nghĩa, tiếp thêm động lực để cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc vùng biển của Tổ quốc. Góp sức cho những chuyến hải trình trọn vẹn là những cán bộ, chiến sĩ phụ trách vận chuyển, làm công tác hậu cần trên các tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

Vượt sóng đến nhà giàn

Trong chuyến hải trình đến với các nhà giàn DK1, để đưa đoàn công tác hay chuyển hàng hóa, thực phẩm từ tàu lớn lên các nhà giàn, một trong những cách tối ưu nhất là sử dụng xuồng máy được trang bị sẵn trên tàu. Mặc dù chỉ di chuyển trên biển từ vài trăm mét đến vài cây số từ vị trí tàu neo đậu đến mỗi nhà giàn nhưng công việc này lại đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ cũng như kinh nghiệm của các thành viên Tổ xuồng nhằm đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa, nhất là thời điểm sóng to, gió lớn.

Trên tàu Trường Sa 10, các thành viên trong Tổ xuồng phân công nhau, một số thủy thủ đứng trên mạn tàu, số còn lại đứng dưới xuồng để phối hợp đưa người và hàng hóa xuống xuồng. Các thao tác đều được thực hiện nhuần nhuyễn, lựa thời điểm thích hợp nhất để hạ xuồng an toàn xuống mặt biển.

Tổ xuồng vượt sóng để thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: THIỆN HẢI

Đại úy Đinh Xuân Cảnh - Phó Thuyền trưởng tàu Trường Sa 10, Lữ đoàn 125 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chia sẻ: “Trong quá trình vận chuyển hàng và người đến nhà giàn, tuyệt đối phải chấp hành các mệnh lệnh của người chỉ huy. Để vượt qua những cơn sóng to, với vai trò là xuồng trưởng, tôi sẽ điều khiển xuồng đi theo hướng gối sóng, đè sóng. Trong quá trình điều khiển xuồng phải luôn quan sát để kịp thời phát hiện những cơn sóng to và có góc đánh lái phù hợp để không làm cho xuồng bị nghiêng quá nhiều, tránh lật xuồng, gây nguy hiểm cho hàng hóa và người trên xuồng. Anh em trên xuồng phải tập trung quan sát, khi phát hiện những cơn sóng lớn phải bám chắc vị trí ở tư thế an toàn nhất”.

Theo các thành viên Tổ xuồng, việc vận chuyển người và hàng hóa lên nhà giàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, các anh em trong Tổ xuồng luôn cố gắng khắc phục khó khăn, nhất là những chuyến vận chuyển quà Tết từ đất liền ra nhà giàn dịp cuối năm gặp rất nhiều đợt sóng to, gió lớn. Trung úy Lương Trọng Duy - Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân cho biết: “Công tác chúc Tết là nhiệm vụ quan trọng để các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn đón Tết ấm áp, vơi bớt một phần nỗi nhớ nhà. Do đó, anh em trong Tổ xuồng rất trân trọng những phần quà từ gói bánh, gói kẹo hay cây quất, chúng tôi đều cố gắng giữ nguyên hiện trạng tốt nhất từ đất liền ra các nhà giàn”.

Thực hiện nhiệm vụ giữa biển khơi, trong điều kiện sóng to, gió lớn nên đòi hỏi các thành viên trong Tổ xuồng hết sức cẩn thận trong từng động tác. Để có sự phối hợp nhịp nhàng trong công việc, các thành viên Tổ xuồng luôn bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi để thống nhất phương án tốt nhất trong vận chuyển hàng hóa và đảm bảo an toàn cho bản thân.

Nấu ăn trên biển

Mùa biển động, những con sóng lớn dồn dập xô vào mạn tàu, cơn say sóng làm không ít thành viên trong đoàn công tác ra thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn mệt nhừ. Việc ngồi ăn cơm trên tàu cũng phải lắc lư theo từng cơn sóng. Thế nhưng, những thành viên của Tổ bếp trên tàu Trường Sa 10 vẫn đều đặn phục vụ 3 bữa ăn hàng ngày cho thành viên trên tàu với đầy đủ thịt, cá, rau củ được dọn lên bàn ăn đúng giờ suốt hải trình. Những ngày biển động, nhiều người say sóng không ăn được cơm, các “anh nuôi” còn đến từng phòng, hỏi thăm từng người rồi bưng cơm kèm muối mè hoặc nấu cháo đem đến tận nơi phục vụ.

Thiếu tá Đặng Văn Tình làm nhiệm vụ nấu ăn trên tàu. Ảnh: THIỆN HẢI

Đối với việc lựa chọn rau củ quả để sử dụng cho cả một hải trình dài trên biển đòi hỏi những kinh nghiệm đúc rút qua những lần ra khơi. Những ngày đầu, Tổ bếp ưu tiên sử dụng các loại rau nhanh héo như rau muống, cải xanh, giá, hẹ… sau đó mới chế biến đến cải bắp, su hào, bí đỏ. Riêng thịt, cá được trữ trong tủ đông để đảm bảo đủ thực phẩm cho chuyến hải trình.

Thiếu tá Đặng Văn Tình - chiến sĩ pháo tàu, được giao nhiệm vụ nấu ăn cho biết: “Có những chuyến biển động mạnh, khiến các anh em trong Tổ bếp say sóng nhưng mình phải cố gắng đảm bảo hoàn thành việc nấu ăn. Đoàn công tác gồm nhiều người đến từ các vùng miền nên chúng tôi phải nêm nếm gia vị cho các món ăn đảm bảo ai cũng ăn được”.

Hàng ngày, cứ đến 4 giờ sáng là các thành viên trong Tổ bếp thức dậy chuẩn bị bếp núc để đoàn công tác ăn sáng vào lúc 6 giờ 30 phút. Sau bữa sáng, mọi người tiếp tục chuẩn bị cho bữa cơm trưa vào lúc 10 giờ 30 phút. Sau khi dọn dẹp, vệ sinh bếp, Tổ bếp nghỉ ngơi và đến 14 giờ chiều tiếp tục bếp núc cho bữa cơm chiều vào lúc 17 giờ. Nhiệm vụ này được phân công riêng cho từng người trong tổ, nhưng các thủy thủ ở bộ phận khác có thời gian rảnh vẫn sẵn sàng bắt tay vào việc hỗ trợ làm bếp để mọi người cùng có bữa ăn thơm ngon, tròn vị. Trung úy Vũ Hữu Trường - Lữ đoàn 125 cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là kéo dây cho Tổ xuồng nhưng qua nhiều lần phụ bếp nên quen với công việc này. Nấu ăn trên biển khó khăn hơn đất liền rất nhiều, nhất là những ngày sóng lớn nên khi rảnh mình xắn tay áo lên để giúp các anh em, đảm bảo bữa ăn ngon cho đoàn”.

Thực hiện nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết, ân cần, niềm nở, niềm vui của các anh em thủy thủ trên tàu là mang lại chuyến đi thành công, đem lại bữa ăn ngon cho các thành viên trong đoàn. Dù trời yên, biển lặng hay sóng to, gió lớn, những cán bộ, chiến sĩ ấy vẫn âm thầm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần giúp những chuyến công tác được trọn vẹn hơn.

HẢI HÀ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/bien-dao-que-huong/nhung-chien-si-bien-khoi-63281.html