Những cánh rừng biên giới vẫn bị xâm hại

Dù có nhiều lực lượng từ quản lý bảo vệ rừng, biên phòng đến kiểm lâm địa bàn, thế nhưng từ đầu năm đến nay, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên cánh rừng biên giới huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vẫn diễn biến phức tạp. Không chỉ phá rừng làm rẫy mà mới đây, một bãi gỗ lớn ngang nhiên tập kết tại khu vực biên giới được phát hiện. Liệu các lực lượng chức năng đã thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình?

Phá rừng làm rẫy diễn biến phức tạp

Mới đây, UBND huyện Ia Grai có báo cáo kết quả xác minh 2 vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại xã biên giới Ia Chía. Trước đó, vào lúc 16 giờ ngày 2-10, Đồn Biên phòng Ia Chía phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai (BQL RPH) tuần tra khu vực giáp ranh với Đồn Biên phòng Ia O phát hiện một vụ phá rừng trái phép. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện vợ chồng ông bà Siu Tin, Rơ Mah Beo (trú tại làng O, xã Ia O, huyện Ia Grai) đang có hành vi phát rừng làm rẫy. Một ngày sau, vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 3-10, tại khu vực cách trụ sở khoảng 3km về hướng Đông bắc, Đồn Biên phòng Ia Chía phát hiện 2 đối tượng Ksor Jooc (SN 1975) và Rơ Lan Plen (SN 1995) cùng trú tại làng Dăng, xã Ia O đang phát rừng trái phép nhằm cơi nới, mở rộng nương rẫy. Sau khi phát hiện 2 vụ việc trên, Đồn Biên phòng Ia Chía đã lập biên bản vụ việc và bàn giao cho chính quyền địa phương và BQL RPH Ia Grai xử lý theo quy định của pháp luật.

Những chiếc xe chở gỗ ngang nhiên đi trên đường tuần tra biên giới như chốn không người. Ảnh: Khánh Toàn

Những chiếc xe chở gỗ ngang nhiên đi trên đường tuần tra biên giới như chốn không người. Ảnh: Khánh Toàn

Sau khi nhận được báo cáo của Đồn Biên phòng Ia Chía, UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân. Đồng thời tiến hành kiểm tra, khám nghiệm hiện trường 2 vụ phá rừng trên. Qua đó, xác định diện tích rừng bị phá vào ngày 2-10 có diện tích là 2.095m2, tại vị trí lô 2, khoảnh 7, tiểu khu 365 lâm phần BQL RPH Ia Grai. Vụ phá rừng thứ 2 xảy ra vào ngày 3-10 với đối tượng vi phạm là Ksor Jooc và Rơ Lan Plen, cơ quan chức năng xác định diện tích rừng bị thiệt hại là 7.800m2 tại lô 3, khoảnh 6, Tiểu khu 369 thuộc lâm phần BQL RPH Ia Grai. Loại rừng bị phá là rừng thường xanh trung bình, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Qua kiểm tra ban đầu, cơ quan chức năng nhận thấy dụng cụ chặt hạ là cưa máy, dao, rựa, thời gian bị phá vào khoảng tháng 9-2019. Qua đó, vụ thứ nhất, cơ quan chức năng xác định diện tích bị phá ở mức xử phạt vi phạm hành chính, UBND huyện Ia Grai chỉ đạo Đồn Biên phòng Ia Chía củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với vụ phá rừng vào ngày 3-10, diện tích thiệt hại đã vượt mức xử phạt vi phạm hành chính, Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai đã đưa tin báo tội phạm gửi Viện kiểm sát nhân dân huyện Ia Grai theo dõi.

Theo báo cáo của Đồn Biên phòng Ia Chía, tình trạng phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn đơn vị quản lý có chiều hướng gia tăng, nhất là khu vực giáp ranh. Trong đó, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ia O qua khu vực xã Ia Chía phá rừng làm nương rẫy. Còn ông Lê Tiến Hiệp- Trưởng BQL RPH Ia Grai thừa nhận: thực trạng người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ tập tục lấn chiếm, cơi nơi rừng để canh tác nương rẫy. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, lực lượng của Ban còn mỏng, nắm bắt kịp thời chưa tốt so với nhiệm vụ được giao. Thế nên, vẫn còn diễn ra tình trạng người dân vào rừng làm nương rẫy.

“Lâm tặc” chở gỗ, thậm chí cả cưa máy đi từ rừng ra. Ảnh: Khánh Toàn

“Lâm tặc” chở gỗ, thậm chí cả cưa máy đi từ rừng ra. Ảnh: Khánh Toàn

Nhộn nhịp “chợ” gỗ vùng biên

Dù mới đây, UBND huyện Ia Grai đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Trong đó, các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, BQLRPH Ia Grai, UBND xã Ia O, Ia Chía thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, đặc biệt là việc phá rừng trái pháp luật ở khu vực biên giới. Đồng thời, quản lý chặt chẽ con người, các loại phương tiện, công cụ ra vào khu vực biên giới.

2 chiến sĩ biên phòng “ngó lơ” để 4 chiếc xe chở gỗ lậu băng qua trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: Khánh Toàn

2 chiến sĩ biên phòng “ngó lơ” để 4 chiếc xe chở gỗ lậu băng qua trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: Khánh Toàn

Thế nhưng, chiều ngày 13-12, chúng tôi có mặt trên tuyến đường tuần tra biên giới chỉ cách Đồn biên phòng Ia Chía khoảng vài trăm mét đã bắt gặp 4 chiếc xe máy độ chế nghênh ngang chở gỗ phía trước. Mỗi xe được chất kín những khúc gỗ căm-xe và cả cưa máy. Khi chúng tôi bám theo thì bất ngờ phía trước xuất hiện 2 chiến sĩ biên phòng (sau này chúng tôi xác định thuộc Đồn Biên phòng Ia Chía). Dù phát hiện 4 xe chở gỗ trên nhưng 2 người này không có động thái nào xử lý, để mặc 4 chiếc xe chở gỗ lậu ngang nhiên đi qua. Tiếp cận những “lâm tặc” này, chúng tôi được họ cho biết đi vào rừng khai thác lại những cây gỗ đã khô hoặc khai thác các phần gốc, thân về bán cho các đầu nậu. Trong đó, đa phần gỗ khai thác là loại gỗ căm-xe bởi đầu nậu chủ yếu thu mua loại gỗ này và được bán theo kg. Cách đây không xa, tồn tại một “chợ” gỗ nhộn nhịp cảnh người mua, kẻ bán dù đây là khu vực rừng biên giới.

Tiếp tục bám theo những chiếc xe gỗ trên, chúng tôi tiếp cận một “chợ gỗ” chỉ cách tuyến đường tuần tra biên giới khoảng 20m. Nơi đây, 2 đầu nậu đứng ra thu mua với 2 bãi gỗ chất đầy gỗ căm-xe. Bãi gỗ đầu tiên rộng khoảng 80m2 là hàng đống gỗ căm-xe được chất 2 bên con đường, trong đó đa phần là những cây gỗ căm-xe đã khô, có những thân gỗ đường kính từ 40-50cm, dài 2-3m.

Bãi gỗ với cả chục m3 gỗ căm-xe nằm cách đường tuần tra biên giới khoảng 20m. Ảnh: Khánh Toàn

Bãi gỗ với cả chục m3 gỗ căm-xe nằm cách đường tuần tra biên giới khoảng 20m. Ảnh: Khánh Toàn

Tiếp tục đi thêm khoảng vài chục mét, chúng tôi tiếp tục bắt gặp một bãi gỗ căm-xe khác được tập kết 2 bên con đường xuyên qua cánh rừng. Ước cả bãi gỗ này có khoảng 20m3 gỗ căm-xe với đường kính từ 15 đến 50-60cm. Ở 2 bãi gỗ này là 2 phụ nữ ngồi trên võng, trên tay cầm sổ, máy tính để thu mua gỗ căm-xe mà các đối tượng khai thác từ rừng đưa về. Rải rác ở 2 bãi gỗ là những chiếc cân loại 150kg để thực hiện việc mua bán gỗ ngay tại cánh rừng biên giới này. Tiếp tục đi theo con đường mòn, chúng tôi bắt gặp 1 chiếc xe máy cày độ chế khác mà các đối tượng dùng để kéo gỗ nằm chắn ngay đường, máy vẫn còn hơi nóng. Có lẽ, đối tượng điều khiển vừa mới bỏ lại phương tiện rồi tháo chạy vào rừng, xung quanh là những khúc gỗ nằm ngổn ngang trên đường.

Các đối tượng “đầu nậu” tổ chức thu mua gỗ tấp nập. Ảnh: Khánh Toàn

Các đối tượng “đầu nậu” tổ chức thu mua gỗ tấp nập. Ảnh: Khánh Toàn

Cứ 10-15 phút, lại có những chiếc xe máy độ chế chở gỗ từ những đường mòn trong rừng về 2 bãi gỗ trên để bán cho các đầu nậu đứng ra thu mua. Bên trong rừng là những chiếc xe máy độ chế mà các đối tượng còn để lại hiện trường. Điểm “chợ gỗ lậu” này có lẽ tồn tại đã lâu khi đầu nậu thu mua gỗ nấu ăn, phục vụ nước uống ngay tại đây. Thậm chí, những bình ắc-quy, đèn chiếu sáng được phục vụ cho cả việc thu mua vào ban đêm. Bắt gặp một người phụ nữ cầm theo cuốn sổ, máy tính, người này cho rằng được 1 đối tượng cư trú tại làng Moóc Đen (xã Ia Dom) thuê vào đây thu mua gỗ căm-xe. Đồng thời, người này cũng bán nước uống phục vụ các “lâm tặc” băng rừng cưa gỗ về. Tuy nhiên, người phụ nữ này cũng nhanh chóng bỏ đi khỏi bãi gỗ này trước khi lực lượng chức năng có mặt. Hiện trường còn lại là ngổn ngang gỗ căm-xe, những chiếc xe máy độ chế cùng hàng loạt vật dụng, máy cưa khác.

Một chiếc xe máy cày độ chế để kéo gỗ còn lại tại hiện trường. Ảnh: Khánh Toàn

Một chiếc xe máy cày độ chế để kéo gỗ còn lại tại hiện trường. Ảnh: Khánh Toàn

Ngay sau khi có thông tin về bãi gỗ trên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đã điện thoại chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Đại tá Phan Thanh Tám- Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cùng các đơn vị nghiệp vụ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác xác minh, điều tra. Hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Điều đáng lo ngại chính là chức trách của lực lượng biên phòng nơi đây. Bởi tuyến đường tuần tra biên giới này luôn có mặt của lực lượng biên phòng, thậm chí có nhiều điểm, chốt. Thế nhưng, tình trạng các đối tượng mang theo máy cưa rồi ùn ùn dùng xe độ chế tỏa ra các cánh rừng khai thác gỗ vẫn không bị phát hiện, ngăn chặn. Thậm chí làm lơ trước việc các đối tượng chở gỗ đi ngang qua trước mặt như lúc chúng tôi đã gặp 2 chiến sĩ biên phòng Đồn biên phòng Ia Chía. Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao lực lượng biên phòng Gia Lai lại làm ngơ để “chợ gỗ lậu” diễn ra ngang nhiên như thế này?

Khánh Toàn

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/201912/nhung-canh-rung-bien-gioi-van-bi-xam-hai-5661475/