Đầu tiên là hải quân Nga, lực lượng này đã cho thấy sự cần thiết trong việc thực hiện các nhiệm vụ trên lãnh thổ của các quốc gia khác. Sự thành công của toàn bộ chiến dịch đã được đảm bảo phần lớn nhờ vào đội tàu, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Nhưng chính hải quân cũng đã giúp phát hiện những mặt yếu của các lực lượng vũ trang Nga.
Thất bại của hải quân Nga nằm ở việc sao chép mù quáng chiến lược của Mỹ về sử dụng tàu lớn cho các hoạt động cục bộ. Vì tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov” và hành trình phiêu lưu của nó tới bờ biển Syria, khiến cho các thủy thủ Nga bị cười nhạo cho đến tận bây giờ.
Còn đối với Mỹ khi gửi tàu sân bay đến bờ biển nước khác, đó là một tàu chiến thực sự với các phi hành đoàn và máy bay được đào tạo bài bản, dùng cho các hoạt động tác chiến chống lại lực lượng mặt đất.
Trong khi các tàu tuần dương Nga không phát huy được mấy vai trò. Máy bay chiến đấu Su-33 được trang bị hệ thống điện tử hàng không lỗi thời và không có vũ khí để không kích các mục tiêu mặt đất.
Còn với các máy bay chiến đấu chủ yếu là các máy bay đa năng MiG-29K mới, được trao vào tay các tân phi công của Trung đoàn Không quân Hải quân số 100. Và kết quả là gì? Hai chiếc máy bay bị rơi xuống biển và một chiếc tàu tuần dương đã phải sửa chữa do tai nạn với máy bay.
Tác giả cho rằng, "Đô đốc Kuznetsov" thực sự cho thấy sự bất lực của nó trước những kỳ vọng cao của Nga. Thực tế này đã trì hoãn việc đóng các tàu mới cùng loại trong vòng 15-20 năm qua của hải quân Nga.
Về cái được của hải quân Nga, theo tác giả chiến thắng chính của hạm đội Nga là đảm bảo việc cung cấp cho các lực lượng của Nga vũ khí, nhân sự, thiết bị và mọi thứ cần thiết cho cuộc sống bình thường của quân đội trên lãnh thổ nước ngoài.
Hải quân Nga đảm nhận việc chuyển sang Syria hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa khác nhau, chiếm không dưới 95% tổng số hàng hóa được giao. Các thủy thủ đã giao 4.500 đơn vị thiết bị và vũ khí, trong đó có các hệ thống S-400 và 3.250 binh sĩ đã hành quân bằng đường biển.
Trong toàn bộ thời gian hoạt động tác chiến ở Syria, các tàu đã cập bến căn cứ Tartus hơn 400 lần. Sự an toàn của các lô hàng này một lần nữa được đảm bảo bởi đội tàu. Nhiệm vụ chiến đấu được thực hiện bởi cả tàu mặt nước và tàu ngầm.
Một lỗ hổng trong hạm đội của Nga cũng xuất hiện ở đây là không có các tàu đổ bộ cỡ lớn cần thiết cho việc vận chuyển. Trên thực tế, kể từ năm 2017 hải quân Nga đã sử dụng các tàu dân sự để chở hàng hóa, tàu vận tải và tàu đổ bộ lớn là đòi hỏi cấp bách của Nga hiện nay.
Hoạt động ngoạn mục nhất của hạm đội Nga là sử dụng tên lửa hành trình Calibre từ các tàu ngầm của dự án 06363, hệ thống tên lửa Dagestan, Uglich, Velikyi Ustyug và Grad Sviyazhsk từ Biển Caspian và Địa Trung Hải; cũng như các vụ phóng tên lửa khác từ các tàu Zeleny Dol và Serpukhov từ cùng một vị trí.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, các nhiệm vụ chiến đấu với vũ khí hiện đại vốn được thực hiện bởi các tàu lớn, giờ đây có thể được thực hiện không chỉ bởi các tàu nhỏ, mà còn trên cả các tàu tên lửa.
Hạm đội các tàu nhỏ có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hải quân của kẻ thù, trong khi tổn thất sẽ rất nhỏ. Với tầm bắn xa vài ngàn km những chiếc tàu tên lửa trên sông cũng trở nên rất nguy hiểm.
Theo chuyên gia, ngày nay hải quân Nga không cần tàu lớn. Vì những lý do hoàn toàn dễ hiểu, Nga nên tập trung vào việc giữ cho các con tàu hiện có trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Nga phải xây dựng tàu khu trục và tàu đổ bộ vạn năng. Và để ngăn chặn những kẻ thù, đặc biệt dọc theo bờ biển, Nga cần có các tàu ngầm không chạy bằng năng lượng hạt nhân (còn nữa). Nguồn: Foxt.
Thái Hòa