Nhức nhối với 'giặc lửa' trong nhà

Tình hình cháy, nổ tại nhà dân đang rất đáng báo động. Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), số vụ cháy tại nhà dân chiếm khoảng 50-70% tổng số vụ cháy tại các địa phương, gây nhiều thiệt hại về người rất thương tâm...

Nỗi đau xé lòng...

Trong 10 ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã xảy ra 3 vụ cháy nhà dân gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết 13 người. Cụ thể: Ngày 25-3-2021, vụ cháy nhà dân tại phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh làm chết 3 người trong gia đình; ngày 30-3-2021, vụ cháy nhà dân tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) làm 6 người thiệt mạng, 1 người bị thương nặng; ngày 4-4, hỏa hoạn tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột (Đống Đa, Hà Nội) làm 4 người tử vong.

Đi sâu phân tích các vụ cháy nhà dân có thiệt hại về người, chúng ta thấy một số mối nguy hiểm đang tồn tại ở hầu hết các nhà ở trong đô thị. Đầu tiên phải kể đến là lối thoát nạn trong trường hợp bị cháy. Thiết kế của kiểu nhà ống trong thành phố thường chỉ có 1 lối thoát duy nhất, đó là cửa ra vào phía trước. Trong trường hợp xảy ra cháy, khói độc và lửa bịt kín lối đi, làm cho người trong nhà không thể tự thoát ra ngoài được.

Nhiều gia đình ở khu tập thể E9 Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) làm lồng sắt, nếu xảy ra cháy rất khó thoát hiểm.

Thượng úy Lê Thị Ngọc Ánh (Công an phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết: “Các hộ dân nhà mặt phố thường sinh sống ở tầng trên, tầng trệt sử dụng làm cửa hàng và chứa hàng hóa. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC. Bên cạnh đó, nhiều nhà vì lo chống trộm nên không để cửa thoát hiểm phía trên, chỉ có một lối thoát duy nhất là lối đi cửa chính tầng trệt. Khi có cháy thì không biết chạy đi đâu”.

Khảo sát một số tuyến phố có nhiều cửa hàng quần áo, tạp hóa, đồ sơ sinh san sát nhau ở Hà Nội, như các phố: Hồng Mai, Bạch Mai, Bà Triệu... chúng tôi thấy hầu hết các cửa hàng đều chứa nhiều hàng hóa dễ cháy, song rất ít cửa hàng trang bị bình cứu hỏa, dụng cụ chữa cháy.

Không riêng nhà ống mặt phố mà một số chung cư cũ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, khó thoát hiểm khi xảy ra cháy. Đến một số khu chung cư cũ như: C4 Giảng Võ; nhà E8, E9 ở khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) để tìm hiểu, chúng tôi thực sự lo ngại vì cầu thang bộ rất hẹp, dây điện chằng chịt và nhiều hộ dân tự ý trích, nối các đoạn dây điện để tiện sinh hoạt, bán hàng, chiếu sáng... Đáng sợ hơn, hầu hết các căn hộ ở đây đều làm thêm lồng sắt để cơi nới diện tích sử dụng. Nếu xảy ra cháy thì không những người trong nhà không có lối để tự thoát ra, mà lực lượng chức năng cũng rất khó tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn; việc phải phá lồng sắt sẽ mất rất nhiều thời gian...

Bà Lê Thị Hòa sinh sống ở tầng trệt khu tập thể E9 Thành Công tận dụng nhà và sân làm dịch vụ trông xe máy. Khi chúng tôi hỏi về các dụng cụ PCCC thì bà chỉ vào chậu cát nhỏ, bảo: “Nếu có cháy, tôi dùng cát dập lửa. Ở đây có sân thoáng nên không lo”!

Mỗi gia đình phải chủ động phòng, chống

Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ hỏa hoạn đều do sự chủ quan, người chủ gia đình chưa thật sự quan tâm đến sự an toàn cháy, nổ đối với chính ngôi nhà mà mình đang sinh sống. Vì vậy, việc sắp xếp đồ đạc dễ cháy trong gia đình không thực hiện tốt, không thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình thu dọn vật liệu dễ cháy và quản lý thiết bị điện, các thiết bị có thể phát sinh cháy; không trang bị thiết bị cảnh báo cháy sớm và bình chữa cháy xách tay trong nhà... Bên cạnh đó, nhiều người chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng thoát nạn. Khi có cháy không biết làm gì trước, làm gì sau.

Để phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ, cơ quan chức năng khuyến cáo mỗi gia đình cần chủ động dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy; trang bị dụng cụ PCCC như bình chữa cháy, nguồn nước dập cháy, thang thoát nạn, làm cửa thoát hiểm... và mọi người trong gia đình phải sử dụng thành thạo các dụng cụ này. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp, không được khóa cửa phòng của người già, trẻ em, người khó cơ động...

Đặc biệt, không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu, không dự trữ xăng, dầu, khí đốt ở trong nhà. Mỗi nhà phải lắp thiết bị bảo vệ an toàn cho hệ thống điện chung của cả ngôi nhà và từng tầng, từng nhánh. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, máy sấy phải có người trông coi, không để người già, trẻ nhỏ sử dụng các thiết bị điện. Các gia đình cần bố trí nơi thờ cúng hợp lý, phía trên ban thờ phải thiết kế vật liệu không cháy; chỉ đốt nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải che chắn cẩn thận, canh chừng đến khi hết sạch tàn lửa, tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan...

Bài và ảnh: TUẤN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhuc-nhoi-voi-giac-lua-trong-nha-656588