Nhu cầu hồ tiêu tại thị trường Mỹ tăng mạnh

Lượng hồ tiêu nhập khẩu của Mỹ đã tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Việt Nam là nguồn cung cấp chính, chiếm đến 76% thị phần.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được tổng cộng 114.424 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch thu về 493,1 triệu USD, giảm 13,2% về lượng tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở lại vị trí dẫn đầu về thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 30.466 tấn, chiếm 26,6% thị phần và tăng 44,4% so cùng kỳ.

Còn theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của nước này đang tăng mạnh trở lại sau 2 năm sụt giảm liên tiếp do ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất tăng cao.

Tính đến hết tháng 4 năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 27.872 tấn hồ tiêu từ thế giới với trị giá 130,53 triệu USD, tăng 24,5% về lượng và tăng 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 4, lượng hồ tiêu nhập khẩu là 8.007 tấn, tăng 39% so với tháng trước và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ USITC

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ USITC

Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất vào Mỹ trong 4 tháng đầu năm, chiếm 76% thị phần với khối lượng đạt 21.259 tấn, trị giá hơn 97,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, Mỹ cũng tăng nhập khẩu hồ tiêu từ các thị trường khác như: Ấn Độ đạt 2.258 tấn, tăng 20,8%; Indonesia đạt 2.233 tấn, tăng 133,6%; Brazil đạt 1.106 tấn, tăng 59,2%.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam vào Mỹ trong 4 tháng đầu năm đạt 4.576 USD/tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời cao hơn so với mức giá 4.017 USD/tấn của Brazil, nhưng thấp hơn so với 4.933 USD/tấn của Indonesia và 5.000 USD/tấn của Ấn Độ.

Hồ tiêu Việt Nam chiếm thị phần lớn tại Mỹ nhờ mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao nên được thị trường này ưa chuộng. Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xét về nhu cầu tiêu thụ, Mỹ hiện đang là quốc gia nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Trong 3 năm trở lại đây, nước Mỹ chi từ 320 – 440 triệu USD/năm để nhập khẩu mặt hàng gia vị này, tương đương 19 – 20% thương mại hồ tiêu toàn cầu.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ USITC

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ USITC

Trong thời gian qua, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu sụt giảm trong khi nhu cầu tăng cao từ Mỹ và một số thị trường lớn khác đã đẩy giá mặt hàng này lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây.

Tại thị trường nội địa Việt Nam, tính đến ngày 21/6, giá tiêu đen được giao dịch ở mức 156.000 – 160.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với đầu năm và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, mức giá này đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với mức đỉnh 180.000 đồng/kg đạt được vào ngày 11/6.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Hiện nguồn cung hồ tiêu thiếu hụt trong khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Sản lượng hồ tiêu năm nay của Việt Nam và nhiều nước sản xuất lớn được dự báo đều sụt giảm, do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, hiện tượng thời tiết hạn hán kéo dài dẫn đến sản lượng hồ tiêu năm nay của Việt Nam giảm 10% xuống khoảng 170.000 tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Trong khi đó, mới qua 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu trên 114.000 tấn, tương đương 67% sản lượng. Điều này cho thấy nguồn cung dành cho xuất khẩu không còn nhiều.

“Mặc dù giá hạt tiêu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng cơ quan quản lý khuyến cáo không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hạt tiêu phát triển bền vững và ổn định”, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhu-cau-ho-tieu-tai-thi-truong-my-tang-manh.html