Nhớ vị quê từ món quà dân dã

Được làm từ những nguyên liệu mộc mạc, bỏng gạo (bỏng nổ) không chỉ là thứ quà vặt ai cũng mê mà còn là thứ gắn kết tình làng nghĩa xóm nơi thôn quê. Thanh bỏng gạo giòn tan, bùi thơm cùng tiếng máy nổ bỏng xình xịch đã đi cùng những năm tháng tuổi thơ của biết bao người nơi làng quê.

Niềm vui khi được thưởng thức những chiếc bỏng gạo thơm ngon.

Bỏng gạo trước kia từng là món quà xa xỉ mà lũ trẻ con ở vùng nông thôn mỗi năm đôi ba lần được thưởng thức. Ngày ấy, quà vặt chỉ là những thứ quả ổi, xoài, mít non, khoai luộc... hay cái bánh mẹ đi chợ mua cho. Phải đợi mùa gặt, lúa gạo dư dả, đám trẻ con trong xóm mới xin gạo ở nhà rồi hò nhau đạp xe đi tìm nhà xay xát gạo vì cả xã mới có một, hai máy nổ. Trẻ con đi nổ bỏng xếp thành hàng dài chờ đến lượt. Chủ yếu đứa nào cũng chỉ mang gạo và đường, còn khá giả hơn mới có thêm mì tôm, đỗ xanh. Nổ xong, nhóm nào nhóm nấy đều ôm một bao tải lớn đựng đầy ắp bỏng, cùng xúm vào thưởng thức những chiếc bỏng giòn tan mới ra lò còn nóng hổi. Bây giờ, không khó để mua hay tìm được những cửa hàng xay xát nổ bỏng gạo. Mùa Đông đến, cái món “vừa thổi vừa ăn” này lại gợi nhớ về một thời muốn lắm nhưng không dễ gì có được.

Bỏng gạo nóng hổi mới ra lò tại cửa hàng bán gạo, ngô của chị Trần Thị Tính (thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng).

Không chỉ là món ăn vặt mà trẻ con yêu thích, bỏng gạo cũng là thức quà hấp dẫn của người lớn, từ học sinh, sinh viên đến chị em công sở hay các bà nội trợ. Đều đặn vào những ngày cuối tuần, chị Nguyễn Thị Thúy (xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng) lại chuẩn bị vài cân gạo, đỗ xanh, ít đường, mấy gói mì tôm để mang đi nổ bỏng tại một cửa hàng bán gạo bên kia sông. “Cả nhà mình thích ăn món này lắm, ăn cả ngày không biết chán, ăn đến no cũng được. Toàn nguyên liệu của nhà, vừa sạch vừa yên tâm mà chẳng có dầu mỡ gì. Mình hay nổ vài cân gạo lấy bỏng ăn cả tuần vì để được lâu chẳng lo mốc hỏng và chia cho cả mấy nhà hàng xóm nữa, ai cũng thích” - Chị Thúy vui vẻ chia sẻ. Không chỉ là món ăn vặt trong nhà, thứ quà quê dân dã này còn gắn kết tình làng nghĩa xóm của những người dân nông thôn. Những câu chuyện thường nhật lúc nhàn rỗi gắn với món bỏng gạo là sự sẻ chia khó khăn trong cuộc sống, niềm vui khi được mùa, được giá… Khách đến chơi, chủ nhà cũng mang bỏng ra mời, mà món này thì chẳng ai từ chối.

Chỉ là thức quà mộc mạc song bỏng gạo đã theo nhiều người con vùng quê đi hết chiều dài tuổi thơ. Bỏng gạo đã ra phố từ lâu, hương vị vẫn thơm ngon như thế và có thể tìm mua dễ dàng, nhưng nó vẫn luôn khiến người ta nhớ về một thời tuổi thơ “dữ dội” với tiếng xình xịch của máy nổ và những chiếc bỏng gạo mang vị quê dân dã.

Cẩm Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202112/nho-vi-que-tu-mon-qua-dan-da-181550